(MPI) - Ngày 19/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Tăng cường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu chủ trì Hội thảo.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Hội thảo nhằm thảo luận về những kinh nghiệm điều phối, liên kết vùng từ các nước trên thế giới và thực trạng hiện nay, từ đó đưa ra các nguyên nhân, hạn chế của liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, thảo luận, đề ra các giải pháp cần tháo gỡ để việc điều phối, liên kết vùng thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung thảo luận cho dự thảo báo cáo “Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long” để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và đối phó với các thách thức to lớn như tình trạng biến đổi khí hậu. Các địa phương của vùng cũng luôn thể hiện nhu cầu và mong muốn tiến hành các hoạt động liên kết. Do đó, Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vùng đầu tiên và duy nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội của cả nước được áp dụng Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định số 593/QĐ-TTg, quy định về nội dung thí điểm liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3 lĩnh vực liên kết chính. Một là, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; tập trung vào các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của Vùng gồm: lúa gạo, trái cây và thủy sản. Hai là, xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, cảng. Ba là, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phòng chống lũ; kiểm soát xâm nhập mặn; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong mùa khô; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập... vành đai rừng ngập mặn và các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ là nơi sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy hải sản lớn nhất mà còn là một vùng động lực quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này đang bị tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản cũng như sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội môi trường trong Vùng. Những hậu quả đã hiện hữu như hạn hán, xâm nhập mặn, xâm thực bờ biển diễn ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt chưa từng có ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây ra nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, tình trạng lũ về ít và muộn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là cấu tạo địa chất sụt lún khoảng 2cm/năm do tự nhiên và do khai thác nước ngầm quá mức.
|
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động; tăng cường các nguồn lực đầu tư; lồng ghép các yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên nước;…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, Hội thảo cần tập trung thảo luận các nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề điều phối, liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Kết quả thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg, đánh giá kết quả đạt, chưa đạt và những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nghiên cứu, đánh giá các kinh nghiệm quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Vùng. Đồng thời, thảo luận và cho ý kiến về các mô hình đề xuất trong báo cáo nhằm tăng cường điều phối và liên kết vùng trong giai đoạn tới, đặc biệt là vai trò của các bên liên quan trong việc xây dựng và áp dụng các mô hình khả thi. Thảo luận lộ trình có tính thực tế, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để xây dựng và hoàn thiện mô hình điều phối, liên kết vùng. Từ đó, đưa ra các định hướng về các cơ chế chính sách và nguồn lực để triển khai thực hiện.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang ở giai đoạn quan trọng. Để đảm bảo phát triển khu vực này diễn ra đúng theo định hướng tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về việc phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cần lựa chọn các giải pháp thực hiện hiệu quả.
Tại Hội thảo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi, phân tích đánh giá một cách khoa học, khách quan về thực trạng, cơ hội, thuận lợi, khó khăn, đồng thời, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp hiệu quả cho vấn đề điều phối, liên kết vùng cả trước mắt và lâu dài vì sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư