Chiều nay (8/6), giờ địa phương, tại Québec, phát biểu trước đông đảo nhà đầu tư dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, trong môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, sẽ có sự bùng nổ, sẽ có làn sóng đầu tư mới của Canada, của Québec vào Việt Nam…
|
Tọa đàmDoanh nghiệp Việt Nam-Canada. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cùng dự tọa đàm có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Thị trưởng TP. Québec, đại diện một số bộ, ngành Québec về kinh tế, hợp tác quốc tế và đông đảo doanh nghiệp hai bên.
Giới thiệu về sự phát triển của Việt Nam, Thủ tướng chỉ ra hàng loạt kỷ lục như tăng trưởng kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 37 tỷ USD năm 2017… Việt Nam là thị trường có sức mua lớn với thu nhập bình quân theo ngang giá sức mua là 6.800 USD. Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện. Các hiệp hội nước ngoài như Eurocham, Jetro, Amcham, Kocham… đều coi Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên trong ASEAN. Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở Việt Nam, hiện có 64 triệu người dùng internet, đứng thứ 6 châu Á và thứ 12 trên thế giới. Số người dùng điện thoại thông minh chiếm tỉ lệ cao.
“Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển nền kinh tế số, đi tắt đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi hy vọng cộng đồng doanh nghiệp Québec nói riêng và doanh nghiệp Canada nói chung sẽ là những đối tác tích cực của Việt Nam trong tiến trình phát triển”, Thủ tướng nói và cho biết, tháng 3 vừa qua, Việt Nam và Canada đã ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong đó, 65,8% số dòng thuế sẽ về không ngay từ khi CPTPP có hiệu lực. 85,5% về không vào năm thứ tư và 97,8% về không vào năm thứ 11. Như vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Canada vào Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế như thuế suất 18% với cá hồi tươi ướp lạnh và đông lạnh sẽ về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, mức thuế 31% đối với thịt bò tươi ướp lạnh và đông lạnh sẽ về 0% trong vòng 2 năm, mức thuế 34% trên tôm hùm sẽ về 0% trong vòng 3 năm…
Thủ tướng cho biết thêm Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kể cả những lĩnh quan trọng như hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông.
“Tôi cho rằng tiến trình này là một cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada, thành phố Québec tham gia mua cổ phần, trở thành đối tác cổ đông chiến lược…”, Thủ tướng nói và dẫn chứng, vừa qua, cơ quan chức năng Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho dự án năng lượng mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận có sự tham gia của nhà đầu tư Canada với số vốn tới 150 triệu USD vừa được khởi công.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam xem Canada là đối tác quan trọng ở châu Mỹ. Nền kinh tế hai nước có tiềm năng to lớn, có tính bổ trợ cao cho nhau hơn là tính cạnh tranh.
“Chúng tôi nghĩ rằng mức kim ngạch hiện nay trên 6 tỷ USD chưa đáp ứng được yêu cầu và mức 3,5 tỷ USD về đầu tư chưa đáp ứng được năng lực của các nhà đầu tư Canada vào Việt Nam”, Thủ tướng hy vọng Québec, thành phố nổi tiếng thế giới có nhiều nhà đầu tư nổi tiếng, sẽ có nhiều dự án vào Việt Nam trong thời gian tới.
“Trong môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, tôi tin rằng sẽ có sự bùng nổ, sẽ có làn sóng đầu tư mới của Canada, của Québec vào Việt Nam và sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước chúng ta”, Thủ tướng nói. “Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn mở rộng cửa chào đón các bạn và tạo điều kiện cho các bạn thành công”.
|
Thủ tướng với các doanh nghiệp Canada tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Quang HIếu |
Việt Nam rất cởi mở với nhà đầu tư
Phát biểu tại Tọa đàm, chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp Việt Nam đến với Québec, Thị trưởng Thành phố Québec, Bang Québec, ông Régis Labeaume thông tin về sự năng động của doanh nghiệp và Thành phố, mở ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, ông nêu lên những lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp điện tử, năng lượng, môi trường, vật liệu, dịch vụ tài chính, khoa học đời sống, khởi nghiệp…
Còn ông Vincent Joli-Coeur, Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Canada đánh giá cao những cải cách, đổi mới của Việt Nam hơn 30 năm qua, đồng thời đưa ra những nhận định lạc quan về kinh tế cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
“Trong những quốc gia mà Ngân hàng Quốc gia Canada hiện diện thì Việt Nam đứng thứ nhất về sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng hoàn thiện các tiêu chuẩn không chỉ về cơ sở hạ tầng mà đạo đức kinh doanh. Mỗi lần đến thăm Việt Nam tôi đều cảm nhận chất lượng cơ sở hạ tầng tốt hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp Canada khi đến với Việt Nam thì hãy gặp tôi và tôi sẽ có nhiều thông tin về cơ hội đầu tư chia sẻ với các bạn”, ông nói.
|
Thủ tướng chứng kiến hai bên trao các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, hàng không, giáo dục và đào tạo.Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Không phải chạy theo số lượng mà coi trọng chất lượng FDI
Cũng tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng đã trực tiếp giải đáp, trả lời những câu hỏi mà doanh nghiệp, nhà đầu tư Canada quan tâm.
Trước câu hỏi về quan điểm của Chính phủ đối với vai trò của khối kinh tế FDI, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất quan trọng với Việt Nam, và vì vậy Việt Nam luôn coi trọng nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
“Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ là số lượng mà coi trọng chất lượng, đặc biệt là sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuỗi giá trị toàn cầu, những dự án bảo vệ môi trường cho người dân và xã hội tốt nhất. Tức là đầu tư sắp đến sẽ có một sự lựa chọn, không phải chạy theo số lượng mà coi trọng chất lượng, để góp phần phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Trong đó có lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao…”, Thủ tướng nói.
Các nhà đầu tư Canada cũng đặt các câu hỏi về giải pháp thúc đẩy thương mại hai nước; vấn đề đào tạo lao động có trình độ và ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc giao các bộ trưởng trả lời nhà đầu tư, về vấn đề đào tạo lao động, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với 60% là lực lượng lao động trẻ. Việt Nam đã xuất khẩu hằng năm hàng trăm nghìn lao động và đều được đào tạo ngoại ngữ. Cùng với việc tiếp tục đào tạo ngoại ngữ cho lao động thì Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tiếng Pháp, vì Việt Nam thuộc Cộng đồng pháp ngữ. Bên cạnh đó, tiếng Anh là môn học được đưa vào giảng dạy tại cấp phổ thông cơ sở và trung học. Các trường Đại học cũng đào tạo nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đây là nguồn nhân lực được đào tạo ngoại ngữ tốt hơn trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, Thủ tướng đã chứng kiến hai bên trao các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, hàng không, giáo dục và đào tạo./.