Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/10/2012-14:52:00 PM
Chiến lược hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam 2012 - 2015
(MPI Portal) - Sáng ngày 31/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Lễ công bố Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB 2012 – 2015. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh và Giám đốc quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura đồng chủ trì Lễ công bố Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB 2012 - 2015. Tham dự Lễ công bố còn có đại diện các Bộ, ngành và địa phương cùng đại diện các tổ chức trong và ngoài nước, cộng đồng các nhà tài trợ cùng cơ quan truyền thông.
Các đại biểu chủ tọa tại Lễ công bố. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB 2012 – 2015 (CPS) nhằm hỗ trợ Việt Nam về mục tiêu tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình ở mức cao với ba trụ cột chính là tăng trưởng toàn diện, nâng cao hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường. Các nguyên tắc của CPS là bám sát các ưu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 phù hợp với Chiến lược 2020 của ADB; tập trung vào các giải pháp đổi mới và đem lại giá trị gia tăng đáp ứng cam kết của Chính phủ Việt Nam về tái cơ cấu nền kinh tế và những cải cách khác liên quan.
Giám đốc quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura phát biểu khai mạc. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc Lễ công bố, ông Tomoyuki Kimura cho biết CPS bám sát với các mục tiêu và chiến lược của Chính phủ Việt Nam thông qua việc xác định các ưu tiên nhằm mang lại giá trị gia tăng. Ông Tomoyuki Kimura đánh giá cao cácmục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura cho rằng, Việt Nam đã vượt qua được tình hình bất ổn của kinh tế toàn cầu khá tốt và đạt được mức tăng trưởng bình quân cao hơn so với các quốc gia tương đương trong khu vực. Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP và tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng và đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và khu vực. Vì vậy, ông Tomoyuki Kimura hy vọng với việc công bố CPS 2012-2015 sẽ góp phần cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đại diện ADB khẳng định, dù trong hoàn cảnh nào ADB vẫn luôn đồng hành vì sự phát triển của Việt Nam, hướng đến công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Theo ADB, khi Việt Nam đã là nước đạt thu nhập trung bình, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sẽ thay đổi. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định thế mạnh của mình.
Tại Lễ công bố, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao việc ADB công bố Chiến lược này. Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, ADB là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam và ADB bắt đầu hợp tác từ năm 1993. Trong vòng 20 năm qua ADB đã hỗ trợ Việt Nam 114 khoản vay với tổng giá trị 10,5 tỷ USD. Con số này nói lên tầm quan trọng của sự hợp tác của ADB dành cho Việt Nam.
Thứ trường thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Lễ công bố. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam căn bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt mục tiêu này, trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung ưu tiên vào ba lĩnh vực được xem là ba khâu đột phá có ý nghĩa then chốt quyết định tăng trưởng bền vững của Việt Nam là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Cùng với quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt Việt Nam đang tập trung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 nhằm thực hiện quá trình tái cơ cấu kinh tế. Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ Việt Nam tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, bảo đảm đầu tư công hiệu quả, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu của người dân; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm hoạt động hiệu quả; và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đảm bảo ngân hàng phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan đến các mục tiêu cần tập trung thực hiện, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, vấn đề nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam nhằm giúp Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, mặc dù Việt Nam đã đạt được mục tiêu là nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên sự chênh lệch giàu nghèo, mức sống và thu nhập giữa thành thị và nông thôn vẫn đang gây nên những mối quan ngại. Vì vậy, Việt Nam cần có những biện pháp để tránh tình trạng tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Thách thức về biến đổi khí hậu, tác động lớn và ngày càng rõ nét cũng là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Về lựa chọn ngành, Chiến lược này tập trung hỗ trợ cho 6 lĩnh vực trọng tâm: nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên; giáo dục; năng lượng; tài chính; giao thông vận tải; cấp nước và các cơ sở hạ tầng đô thị khác. Hỗ trợ nhằm cải thiện quản lý khu vực công sẽ là hoạt động mang tính xuyên suốt và tăng cường hoạt động của các ngành.
CPS 2012-2015 sẽ tiếp tục hỗ trợ những cải cách thể chế và chính sách bao gồm cải cách các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng hài hòa thông qua việc hướng mục tiêu đến các khu vực khó khăn, tăng cường năng lực của chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Hỗ trợ của ADB cho cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn và giáo dục sẽ giúp cải thiện các cơ hội kinh tế và tiếp cận các dịch vụ của người nghèo.
Các đại biểu tham dự Lễ công bố đánh giá cao nội dung Chiến lược của ADB, bám sát với mục tiêu của Việt Nam. Để triển khai Chiến lược có hiệu quả, theo các đại biểu cần đưa rõ mục hỗ trợ đầu tư tư nhân. Trong quá trình hoạt động, ADB cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên về hoạt động đầu tư tư nhân. Bởi theo các đại biểu, hoạt động tư nhân là một phần không thể thiếu trong chiến lược đối tác quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực này vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện dự án trong Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2012-2015 cho Việt Nam, theo đại diện của ADB Việt Nam cần cải thiện chất lượng chuẩn bị và thiết kế dự án, áp dụng tiêu chí sàng lọc đánh giá độ sẵn sàng của dự án; Thực hiện các hành động trước đối với dự án mới; Hài hòa thủ tục và hướng dẫn thực hiện của chính phủ và ADB, đặc biệt trong công tác đầu thầu và tái định cư; Nâng cao năng lực của Ban quản lý dự án; Tăng cường mối liên kết giữa phê duyệt dự án mới trong tương lai với hiệu quả thực hiện các chương trình dự án hiện tại./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1293
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)