Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/10/2018-10:17:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2018 Cần Thơ

I. CÔNG NHIỆP

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tháng 10 tăng 3,80% so với tháng trước và tăng 10,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,81%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,44%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 8,37% so với cùng kỳ.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện 10 tháng tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,15%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,05%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 5,92%. Trong đó, có một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá như: Phi lê đông lạnh tăng 9,90%; tôm đông lạnh tăng 1,63%; gạo xay xát tăng 8,90%; thức ăn cho thủy sản tăng 24,35%; bia lon tăng 12,71%; quần áo tăng 47,32%; dược phẩm tăng 9,37%; bao và túi bằng plastic khác tăng 3,42%; xi măng tăng 1,16%; nước sinh hoạt tăng 6,49%. Nguyên nhân tăng do các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp tổng thể nhằm kích thích sự phát triển trong khâu sản xuất, tạo được niềm tin nơi khách hàng. Mặt khác được sự quan tâm của các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp duy trì ổn định, công tác nâng cao kiến thức và kỹ năng kinh doanh được đào tạo thường xuyên, việc đổi mới sáng tạo trong phương thức sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, phát triển mạnh hệ thống bán lẻ, thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa luôn được doanh nghiệp quan tâm.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 10 tăng 2,90% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng chỉ số tiêu thụ tăng 8,43% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,91%; sản xuất đồ uống tăng 8,24%; sản xuất trang phục tăng 29,99%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 3,64%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 3,14%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 22,44%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 2,83%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 13,54%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 3,78%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,89%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,71%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 8,88%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 25%. Tình hình tiêu thụ trên cho thấy mức tiêu thụ có tăng nhưng vẫn còn thấp, do các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường ngày càng nhiều và xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng nên đã làm cho khách hàng chưa yên tâm khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, từ đó gây mất uy tín cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, mặt khác do chưa tạo được mối quan hệ bền vững nên nhiều khách hàng và đối tác kinh doanh chưa an tâm khi sử dụng sản phẩm.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/10/2018 là 87,47% so với tháng cùng kỳ.

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2018 tăng 0,23% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,10%, doanh nghiệp Ngoài Nhà nước tăng 0,24% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,21%. Số lao động tại các doanh nghiệp không có biến động nhiều, vẫn giữ mức ổn định.

II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN

1. Nông nghiệp

1.1. Trồng trọt

- Cây lúa: Diện tích lúa vụ Thu đông toàn thành phố ước đạt 74.071 ha tăng so với cùng kỳ là 0,62%, bằng 453 ha, so với kế hoạch (KH 54.900 ha) đạt 113,49%. Diện tích lúa tăng chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh và Thới Lai vì có đê bao được đảm bảo cho cây lúa đến lúc thu hoạch. Các quận, huyện còn lại diện tích đều giảm so vụ lúa Thu đông 2017; Các giống lúa chất lượng cao được nông dân ưa chuộng tiếp tục gieo sạ như: OM 5451: 64% so với diện tích gieo trồng , OM 4218: 5%, IR 50404: 18%, Jasmine 85: 1% các giống khác 12%.

Đến ngày 10/10/2018, diện tích lúa Thu đông cố gắng thu hoạch sớm để không bị ảnh hưởng của lũ, đã thu hoạch khoảng 62.268 ha, thấp hơn so cùng kỳ 4.455 ha, đạt khoảng 84% so với diện tích gieo trồng. Tình hình mực nước tăng cao làm tràn đập, ảnh hưởng đến 2.043 ha lúa (tập trung tại Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Ô Môn); Đến đầu tháng 10/2018 do triều cường lên cao đã làm 161 ha lúa bị ngập và đỗ ngã tập trung tại Thới Lai, Phong Điền, Thốt Nốt, Ô Môn (85 ha thiệt hại <30%; 39 ha thiệt hại 30-70% và 37 ha thiệt hại >70%) làm cho chi phí thu hoạch tăng cao. Diện tích lúa còn lại chủ yếu ở giai đoạn chắc xanh đến chín, sinh trưởng và phát triển khá tốt; Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ vết bệnh trên lá lúa, khi bệnh mới xuất hiện, hướng dẫn nông dân bơm rút nước, sử dụng thuốc đặc trị vi khuẩn để giảm khả năng lây lan của bệnh, để bảo vệ diện tích lúa Thu đông chưa thu hoạch. Năng suất gieo trồng vụ Thu đông ước là 49,94 tạ/ha, ổn định so với cùng kỳ; Sản lượng vụ Thu đông ước đạt 369.911 tấn, tăng so cùng kỳ 0,60%, bằng 2.201 tấn.

Nguyên nhân năng suất và sản lượng tăng:

Do thời tiết từ đầu vụ đến lúc thu hoạch thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển cây lúa. Tuy lũ về sớm và lớn, nhưng phần lớn diện tích xuống giống của các quận, huyện đầu nguồn đều nằm trong đê bao an toàn, nên bà con luôn chủ động được lượng nước cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Bà con nông dân thực hiện việc chọn giống tốt, bón phân cân đối và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, giúp cây lúa chắc khỏe, ít bị đổ ngã và tiêu thoát nước phù hợp nên có nhiều thuận lợi trong thu hoạch.

Một số nơi sâu, bệnh xuất hiện cục bộ trên diện tích nhỏ của các quận, huyện như rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột cắn phá. Do phát hiện kịp thời nên nông dân đã ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để xử lý, khống chế sự phát triển của dịch hại, nên ảnh hưởng của các tác nhân trên không nhiều đến năng suất cây lúa.

Trong tháng giá lúa tươi Thu đông 2018 ổn định so với tháng trước, giá lúa cụ thể như sau: lúa IR 50404: 5.000-5.100 đồng/kg, các lúa giống OM: 5.000-5.200 đồng/kg. Nhìn chung giá lúa Thu đông năm nay có tăng 200-400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; Nguyên nhân giá lúa tăng là do các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo cùng với việc đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn, chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để chuẩn bị cho vụ lúa Đông xuân 2019, ngành nông nghiệp vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng để tránh làm cầu nối lây lan cho rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá qua vụ Đông xuân; rà soát diện tích trồng lúa giống của từng địa phương, từng bước chủ động nguồn giống lúa, xây dựng hệ thống giống lúa 3 cấp, đảm bảo nguồn lúa giống chất lượng.

- Cây hàng năm

Đến ngày 10/10/2018, toàn thành phố gieo trồng cây hàng năm khoảng 13.676 ha, thấp hơn so với cùng kỳ 1.364 ha. Nguyên nhân: Diện tích giảm tập trung chủ yếu cây mè ở quận Ô Môn, Thốt Nốt do năm trước nước lũ rút trễ nên diện tích gieo sạ chậm hơn so với cùng kỳ đã ảnh hưởng tới lịch thời vụ, mặt khác do thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong năm 2017 giá mè chỉ còn 25.000-28.000đ/kg giảm mạnh so với những năm trước từ 10.000 đến 12.000đ/kg. Do lúa vụ Hè thu năm nay cao hơn năm 2017 từ 200-800đ/kg. Diện tích đã thu hoạch được khoảng 11.574 ha cây hằng năm khác, chậm hơn cùng kỳ 11,41%. Ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các đề tài, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất như: dự án WB6, VnSAT, dự án xây dựng mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP,… Theo dõi và hướng dẫn HTX rau an toàn Long Tuyền duy trì sản xuất sản phẩm rau an toàn phù hợp với Quy trình VietGAP (giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với 5 Quy trình VietGAP với diện tích 10,22 ha, sản xuất các chủng loại Bí, dưa hấu, ớt, khổ qua, cà chua, dưa leo, dưa lê).

- Cây lâu năm

Diện tích cây ăn quả ước khoảng 18.361 ha, chiếm 90,97% tổng diện tích cây lâu năm toàn thành phố, tăng 1.653 ha, bằng 11% so cùng kỳ. Chủ yếu tăng ở nhóm cây nhiệt đới, cận nhiệt đới tăng 10,72%; cây xoài tăng 9,92%; sầu riêng tăng 180 ha; Na (mãng cầu) tăng 135 ha;...

Nguyên nhân:

Thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn thành phố được các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn quả, vận động nông dân cải tạo vườn tạp và chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn trái; được trợ giá cây giống từ nguồn hỗ trợ của thành phố cũng như phân công cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh trên cây ăn trái, vì vậy đã đạt được sự đồng thuận từ người dân, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đã hình thành các vườn cây ăn trái chuyên canh kết hợp với du lịch sinh thái nên diện tích một số cây ăn quả được mở rộng như: na, vú sữa Lò rèn, vú sữa Bơ, dâu Hạ Châu, Sa Pô chê, nhãn xuồng cơm vàng, cam, quýt, bưởi… Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trồng xen canh các loại cây ăn quả (mật độ như trồng trần) để thay thế các vườn cây bị già cõi, năng suất thấp từ các năm trước, đến nay khi người dân chặt bỏ các vườn cây già cõi, năng suất thấp để các cây trồng xen canh phát triển nên diện tích trồng mới, diện tích chưa cho sản phẩm và diện tích cho sản phẩm trên thành phố có sự biến động đáng kể.

Mô hình trồng dâu xanh, dâu bòn bon, dâu Hạ Châu được phát triển mạnh ở Phong Điền để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM,…

Ngoài ra, các hộ dân còn tận dụng các phần diện tích bờ đê quanh ao nuôi thủy sản để trồng một số loại cây ăn quả khác như: đu đủ để tăng thêm thu nhập.

Ngành Nông nghiệp tổ chức hướng dẫn cho HTX làm vườn Trường Thuận 1 về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt-VietGAP với quy mô 17,5 ha với 21 hộ dân tham dự, các loại cây trồng chủ yếu như mít, vú sữa, sầu riêng, nhãn, chanh, chôm chôm, hạnh, ổi,...

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng, bệnh cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh và bệnh lở mồm long móng không phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm ở thành phố Cần Thơ. Ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch khi bùng phát như tổ chức quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng, từng xã đều lập danh sách các hộ nuôi vịt chạy đồng.

Hiện nay, 13 cơ sở chăn nuôi sản xuất con giống (08 cơ sở chăn nuôi heo với 1.796 con; 04 cơ sở chăn nuôi vịt) và 37 cơ sở nuôi heo đực giống với 246 con heo đực giống.

Đàn gia súc và gia cầm hiện nay đang có xu hướng tăng tổng đàn trở lại so với những tháng đầu năm. Giá heo hơi hiện nay dao động ở mức từ 50.000-52.000đ/kg, tăng so với tháng trước từ 3.000-5.000đ/kg, so với cùng kỳ năm 2017 tăng khoảng 22.000-26.000đ/kg; Nguyên nhân: Do nguồn cung bị thiếu hụt, heo xuất chuồng được các thương lái thu mua khá mạnh, những năm trước thương lái chỉ tập trung mua ở các trang trại, doanh nghiệp còn năm nay xuống tận các hộ nuôi nhỏ lẻ nên đẩy giá lên cao. Giá vịt ta hơi ở mức từ 40.000-45.000 đồng/kg, vịt xiêm 60.000-65.000 đồng/kg; Gà thả dao động khoảng 90.000-110.000 đồng/kg. Trong khi chi phí thức ăn, tấm cám ở mức khá cao, giá đầu ra của gia cầm hiện tại đảm bảo có lợi cho người nuôi.

Ngành chăn nuôi thành phố phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với thị trường, các mô hình liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị; khuyến khích mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường; các mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị; tập trung công tác quản lý giống vật nuôi, quản lý chặt chẽ việc tái đàn, kiểm soát yếu tố giống, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng con giống, hiệu quả chăn nuôi.

2. Lâm nghiệp

Với vị trí địa lý của thành phố Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp tập trung không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn... tiếp tục chăm sóc các cây lâm nghiệp trồng phân tán đã trồng, đồng thời khai thác các cây đủ tiêu chuẩn phục vụ cho nhu cầu xây dựng, làm chất đốt trong đời sống.

3. Thủy sản

Trong tháng, diện tích nuôi thuỷ sản đã thu hoạch, được tiến hành cải tạo để thả nuôi cho vụ mới; Hiện nay giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 34.000-35.500 đồng/kg (kích cỡ 700-800g/con) tăng khoảng 5.250 đồng/kg so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 12.000 đồng/kg; Giá thành bình quân 22.000-23.500 đồng/kg với giá này người nuôi lãi từ 10.000-12.000 đồng/kg, giá tăng cao do sản lượng cá nguyên liệu đang khan hàng; Với tình hình giá cả như trên người nuôi cá tra hiện nay rất nhiều thuận lợi, một số hộ có điều kiện về vốn đang đầu tư trở lại.

Hiện nay, có 113 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ. Cung cấp nhu cầu nuôi của thành phố và các tỉnh lân cận. Trong tháng giá cá tra giống dao động từ 68.000-80.000 đồng/kg tăng khoảng 6.500 đồng/kg so với tháng trước.

Khai thác thủy sản chủ yếu trên sông Hậu, các sông, rạch lớn bằng các ghe thuyền có công suất nhỏ và trên ruộng; Nguyên nhân tăng là do mùa nước nổi năm nay đến sớm hơn mọi năm và lượng cá về nhiều từ đó rất nhiều người khai thác nên sản lượng tăng.

Hiện nay nước lũ về nhiều nên người nuôi cá ruộng bắt đầu thả cá để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên.

Ngành Nông nghiệp đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua chương trình khuyến ngư năm 2018 với đối tượng đặc sản là Lươn và Cá Chạch lấu. Đơn vị đang hỗ trợ 19 hộ nuôi thả giống, hiện tại các mô hình trình diễn đang phát triển rất tốt như: Mô hình lươn sau hơn 4 tháng xuống giống, trọng lượng trung bình 35-45 gram/con; Mô hình cá chạch lấu hơn 4 tháng nuôi có trọng lượng trung bình khoảng 21-29 gram/con.

Hiện tại các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ có khuynh hướng xây dựng vùng nuôi tập trung để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến. Ngành Nông nghiệp đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Đến nay, có 02 HTX nuôi cá tra với diện tích 27 ha; 43 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 144 ha; 20 vùng nuôi của 07 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 169,7 ha và tổng diện tích nuôi thủy sản ATTP theo tiêu chuẩn đạt 228,5 ha, bao gồm: 214,75 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 13,5 ha BAP+ASC.

III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ĐP quản lý

Tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản 10 tháng năm 2018 nhìn chung ổn định. Tình hình giá cả vật liệu xây dựng ít biến động, là điều kiện thuận lợi cho việc thi công các công trình xây dựng cơ bản.

Ước thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 năm 2018753,68 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố là 95,21 tỷ đồng, vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu thực hiện được 7,43 tỷ đồng, nguồn vốn từ xổ số kiến thiết thực hiện là 78,13 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA thực hiện được 105,87 tỷ đồng, nguồn vốn khác thực hiện được 284,27 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện thực hiện 182,77 tỷ đồng.

Ước thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 10 tháng năm 20184.360,32 tỷ đồng đạt 72,92% so kế hoạch đã điều chỉnh năm 2018. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố là 938,62 tỷ đồng đạt 87,01% so kế hoạch đã điều chỉnh năm 2018. Vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu thực hiện được 249,12 tỷ đồng đạt 94,72% so kế hoạch năm. Nguồn vốn từ xổ số kiến thiết thực hiện là 426,13 tỷ đồng đạt 68,28% so kế hoạch năm. Vốn nước ngoài ODA thực hiện được 642,33 tỷ đồng đạt 75,14% so với kế hoạch năm, nguồn vốn khác thực hiện được 865,75 tỷ đồng đạt 50,57% so với kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện thực hiện 1.238,38 tỷ đạt 85,58% so kế hoạch năm.

Tiến độ thi công các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách trên địa bàn thành phố 10 tháng năm 2018 nhìn chung đạt yêu cầu so với kế hoạch đã điều chỉnh. Ngày 01/10/2018 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố vừa ban hành Quyết định 2499/QĐ-UBND ngày 01-10-2018 về việc bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư; điều chỉnh nguồn vốn ứng trước; điều chỉnh, bổ sung và ứng trước kế hoạch vốn thực hiện từ các nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước năm 2018. Hiện nay tổng vốn kế hoạch năm 2018 là 5.979,56 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố là 4.532,55 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện là 1.447,01 tỷ đồng.

* Tình hình thực hiện các công trình chủ yếu của thành phố

Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban Quản lý Dự án ODA làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư 7.339 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2018 được giao 1.622,11 tỷ đồng, trong đó Vốn đối ứng là 394 tỷ đồng, Vốn ODA (được cấp phát) là 578,11 tỷ đồng, Vốn ODA (vay lại) là 650 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 9/2018 thực hiện được 959,63 tỷ đồng đạt 13,75% tổng mức đầu tư toàn dự án. Riêng tháng 9/2018 thực hiện được 100,17 tỷ đồng.

Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu dự án thành phố Cần Thơ. Công trình có tổng mức đầu tư 2.097 tỷ đồng, dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý dự án ODA làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2018 phân bổ 303,669 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu dự án đến tháng 9/2018 thực hiện được 1.763,16 tỷ đồng đạt 84,8% tổng mức đầu tư toàn dự án. Riêng tháng 9/2018 ước thực hiện được 21,78 tỷ đồng.

Dự án Trường Chính trị Thành phố Cần Thơ. Công trình có tổng mức đầu tư là 175,54 tỷ đồng, dự án do Ban quản lý dự án Thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2018 được giao là 24,5 tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu dự án đến tháng 9/2018 thực hiện được 129,8 tỷ đồng đạt 73,94% tổng mức đầu tư toàn dự án. Riêng tháng 9/2018 thực hiện được 0,22 tỷ đồng. Dự án Trường Chính trị Thành phố Cần Thơ hiện nay đã được đưa vào hoạt động để phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên.

Dự án Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm, Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Công trình có tổng mức đầu tư 106,85 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2018 được giao 31,38 tỷ đồng. Dự án đang khẩn trương thi công. Từ đầu năm đến cuối tháng 9/2018 thực hiện được 16,17 tỷ đồng đạt 51,52% kế hoạch năm. Riêng tháng 9/2018 ước thực hiện 0,54 tỷ đồng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Ước 10 tháng năm 2018, cấp giấy chứng nhận đầu tư 05 dự án với vốn đầu tư 4,7 triệu USD; tăng vốn 01 dự án 30,6 triệu USD, chấm dứt hoạt động 02 dự án; lũy kế đến nay, thành phố có tổng số 80 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 692,06 triệu USD.

IV. THƯƠNG MẠI

1. Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2018 tăng 0,11% so với tháng trước; tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,75% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân cùng kỳ tăng 4,50%. Giá bình quân nhiên liệu, chất đốt như gas, xăng, dầu tiếp tục tăng cao trong tháng 10 so với tháng trước, ảnh hưởng của sự tăng giá gas, giá xăng, dầu đã tác động làm tăng giá nhiều mặt hàng, dịch vụ tiêu dùng khác, đây là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá CPI tháng 10 tăng so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 7 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, với mức tăng từ 0,01% đến 1,83%, cụ thể là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; Giao thông tăng 1,83%; Giáo dục tăng 0,01%; Văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,09%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, với mức giảm từ 0,04% đến 1,13% cụ thể là: Đồ uống và thuốc lá giảm 0,04%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,13%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông và nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá không đổi so với tháng trước.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 10 năm 2018 của một số nhóm hàng chính:

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,17%)

+ Lương thực (-0,02%)

Chỉ số giá lương thực tháng 10 giảm nhẹ 0,02% so với tháng 9 là do giá khoai lang tại chợ giảm do nguồn cung dồi dào, nhu cầu không tăng, làm chỉ số giá nhóm bột mì và ngũ cốc giảm 0,39%. Giá các mặt hàng gạo trên địa bàn thành phố ổn định so với tháng trước.

Tại các chợ giá gạo Hàm Châu ở mức 11.000-12.500 đồng/kg, gạo Tài Nguyên giá 12.000-15.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon thơm Đài Loan giá 15.500-16.500 đồng/kg, gạo Thơm Thái giá 14.000-16.000 đồng/kg, giá gạo nếp dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg.

+ Thực phẩm (+0,15%)

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,15% so với tháng trước do tác động tăng ở một số mặt hàng:

Giá thịt heo tăng 2,09% so với tháng trước, do thông tin Việt Nam tạm dừng nhập khẩu thịt lợn để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung nhập khẩu lợn bị giảm khiến giá thịt heo hơi tăng nhẹ.

Chỉ số giá các mặt hàng thủy sản tươi sống tăng 0,06% do giá một số mặt hàng cá biển tăng do chi phí đánh bắt của ngư dân tăng lên do giá xăng, dầu tăng, ảnh hưởng của thời tiết và sự biến đổi khí hậu cũng làm cho sản lượng khai thác, đánh bắt của ngư dân giảm, chi phí vận chuyển, bảo quản cũng tăng lên.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, nhóm thực phẩm cũng có các mặt hàng giảm giá như:

Chỉ số giá các loại thịt gia cầm tươi sống giảm 0,91%; trứng gia cầm các loại giảm 4,81%; rau tươi, khô và chế biến giảm 0,34%; chỉ số giá nhóm quả tươi, chế biến giảm 1,62% do nguồn cung dồi dào sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng, sản lượng trứng gia cầm tăng, một số loại trái cây rớt giá mạnh do sản lượng thu hoạch tăng, thương lái Trung Quốc ngưng mua hàng làm cho giá giảm mạnh như cam, thanh long.

+ Ăn uống ngoài gia đình (+0,35%)

Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,35% so với tháng trước do giá gas tăng mạnh, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng nhất là giá thịt heo tăng đã tác động làm cho giá ở một số quán cơm bình dân thuộc khu vực nông thôn tăng.

- Đồ uống và thuốc lá (-0,04%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống thuốc lá giảm 0,04% so với tháng trước do giá mặt hàng rượu Vodka Hà Nội ở khu vực nông thôn giảm. Các mặt hàng khác ổn định so với tháng trước.

- May mặc, mũ nón, giày dép (+0,14%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14% so với tháng trước chủ yếu là do tác động tăng giá của mặt hàng vải tăng 0,23%; quần áo may sẵn tăng 0,20% so với tháng trước. Giá một số loại vải, quần áo nữ tăng trở lại sau đợt khuyến mãi, giảm giá trong tháng 9 vừa qua.

- Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (-1,13%)

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,13% so với tháng trước là do tác động giảm giá của nhóm nhà ở thuê giảm 1,87%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,14%; nước sinh hoạt giảm 0,12%; điện sinh hoạt giảm 1,08%. Nhu cầu nhà ở thuê ở khu vực Bình Thủy giảm do nhu cầu thuê trọ của sinh viên giảm vì Trường Đại Học Kiến trúc TPHCM (Cơ sở 2) đang xây dựng, sinh viên chuyển lên cơ sở chính ở TP.HCM học. Nhu cầu sử dụng điện, nước trong tháng giảm do thời tiết chuyển mùa mát mẻ hơn. Vật liệu bảo dưỡng nhà ở như xi măng, đá 1x2, gạch xây giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu xây dựng giảm do mưa, lũ.

Tuy nhiên chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt tăng 2,28% đã tác động kéo chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng không giảm sâu hơn. Giá dầu hỏa bình quân tháng 10/2018 tăng 2,86% so với tháng trước do điều chỉnh tăng 400đ/lít vào ngày 6/10/2018, ngày 22/10/2018 giá giữ nguyên không tăng thêm.

Từ ngày 01/10/2018 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 12.000đ/bình 12kg tăng 3,19% so với tháng 9/2018 do giá gas thế giới bình quân tháng 10/2018 công bố ở mức 655 USD/tấn, tăng 37,5 USD/tấn so với tháng trước.

- Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,26%)

Chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng tăng 0,26% so với tháng trước chủ yếu là do giá các thiết bị và đồ dùng gia đình tăng giá trở lại sau đợt khuyến mãi, giảm giá trong dịp Lễ Quốc Khánh vừa qua.

- Thuốc và dịch vụ y tế (+0,06%)

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06% so với tháng trước nguyên nhân chủ yếu là do tác động tăng giá của nhóm thuốc tim mạch, một số mặt hàng thuốc khác, cụ thể là mặt hàng thuốc Amlo (thuốc tim mạch), thuốc Bisepton 480 (thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn) tại khu vực Thốt Nốt tăng giá.

- Giao thông (+1,83%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,83% so với tháng trước, đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, chủ yếu là do tác động tăng giá của mặt hàng xăng, dầu trong đó: Giá xăng, dầu được điều chỉnh hai đợt vào ngày 6/10/2018 và ngày 22/10/2018, sau 2 đợt điều chỉnh giá xăng E5 tăng 450đ/lít, giá xăng A95 tăng 430đ/lít, giá dầu diezen tăng 490đ/lít so với tháng trước nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,20% so với tháng trước. Các mặt hàng khác trong nhóm có giá ổn định so với tháng trước.

- Giáo dục (+0,01%)

Giá nhóm giáo dục trong tháng khá ổn định so với tháng trước chỉ có nhóm văn phòng phẩm tăng nhẹ 0,05%. Do giá mặt hàng máy dập ghim tài liệu (ghim 10) tăng giá.

- Văn hóa, giải trí và du lịch (+1,09%)

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,09% so với tháng trước chủ yếu là do tăng chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 4,71% so với tháng trước. Nguyên nhân do xăng, dầu tăng giá đã làm cho dịch vụ vận tải tăng giá làm tăng giá tour trong và ngoài nước.

- Chỉ số giá vàng (+0,32%)

Chỉ số giá vàng tăng 0,32% so với tháng trước. Giá vàng thế giới tăng do sự giảm điểm mạnh của các thị chứng khoán trên thế giới và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giá vàng 99,99% ngày 21/10/2018 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 3.535.000đ/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,22%)

Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,22% so với tháng trước. Tỷ giá ngoại tệ trong tháng tăng trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang tiếp tục tốc độ tăng lãi suất như dự kiến bất chấp chỉ trích của Tổng thống Donald Trump. Tỷ giá bán ra ngày 21/10/2018 trên địa bàn là 23.390 đồng/USD.

2. Nội thương

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ cá thể trên địa bàn TP Cần Thơ 10 tháng nhìn chung phát triển khá tốt. Trong 10 tháng đầu năm 2018 doanh thu bán lẻ tăng mạnh ở các nhóm lương thực thực phẩm, hàng may mặc, vật phẩm văn hóa giáo dục và vật liệu xây dựng.

Ước tháng 10/2018, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 10.157,79 tỷ đồng tăng 12,44% so cùng kỳ, trong đó thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 6.075,24 tỷ đồng tăng 11% so cùng kỳ, thành phần kinh tế cá thể đạt 2.861,83 tỷ đồng tăng 16,01% so cùng kỳ, thành phần kinh tế Nhà nước đạt 1.017,07 tỷ đồng tăng 11,77% so cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế thì ngành Thương nghiệp chiếm 82,82% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 10/2018 đạt 8.412,27 tỷ đồng tăng 12,74% so cùng kỳ. Khách sạn nhà hàng ước đạt 778,53 tỷ đồng tăng 14,63% so cùng kỳ. Du lịch lữ hành ước đạt 21,96 tỷ đồng tăng 11,71% so cùng kỳ. Dịch vụ ước đạt 945,04 tỷ đồng tăng 8,13% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Thành phố ước tính 10 tháng năm 2018 đạt 100.526,28 tỷ đồng tăng 12,53% so cùng kỳ, trong đó thành phần kinh tế tư nhân ước đạt 60.247,85 tỷ đồng tăng 11,87% so cùng kỳ, thành phần kinh tế cá thể ước đạt 27.665,70 tỷ đồng tăng 14,56% so cùng kỳ, thành phần kinh tế Nhà nước ước đạt 10.549,93 tỷ đồng tăng 11,76% so cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế thì ngành Thương nghiệp chiếm 82,82% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2018, ước đạt 83.253,90 tỷ đồng tăng 12,67% so cùng kỳ; Khách sạn nhà hàng ước đạt 7.379,85 tỷ đồng tăng 12,50% so cùng kỳ. Du lịch lữ hành ước đạt 333,98 tỷ đồng tăng 9,80% so cùng kỳ. Dịch vụ ước đạt 9.558,56 tỷ đồng tăng 11,42% so với cùng kỳ.

V. GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Vận tải hàng hoá: Tháng 10/2018, ước vận chuyển 1.195,60 ngàn tấn hàng hoá tăng 1,44% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 214,76 triệu T.Km đạt 101,23% so cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2018 vận chuyển 10.025,29 ngàn tấn hàng hóa tăng 1,61% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.769,2 triệu T.Km đạt 101,26% so cùng kỳ.

Chia ra: Đường bộ tháng 10/2018, ước vận chuyển đạt 474,13 ngàn tấn tăng 1,40% so cùng kỳ; luân chuyển 111,67 triệu T.Km đạt 101,11% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển đạt 695,54 ngàn tấn tăng 1,44% so cùng kỳ; luân chuyển 76,36 triệu T.Km đạt 101,28% so cùng kỳ. Đường biển ước vận chuyển đạt 25,93 ngàn tấn tăng 1,89% so cùng kỳ; luân chuyển 26,72 triệu T.Km đạt 101,57% so cùng kỳ.

2. Vận tải hành khách: Tháng 10/2018, ước vận chuyển 3.167,27 ngàn lượt hành khách tăng 1,45% so cùng kỳ; luân chuyển 46,31 triệu lượt HK.Km đạt 101,19% so cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2018 vận chuyển 24.875,28 ngàn lượt HK tăng 1,60% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 364 triệu HK.Km đạt 101,24% so cùng kỳ.

Chia ra: Đường bộ tháng 10/2018, ước vận chuyển 1.659,06 ngàn lượt HK tăng 1,30% so cùng kỳ; luân chuyển 44,05 triệu HK.Km đạt 101,17% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển 1.502,21 ngàn lượt HK tăng 1,62% so cùng kỳ; luân chuyển 2,25 triệu HK.Km đạt 101,45% so cùng kỳ.

3. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Tháng 10/2018 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 381,74 tỷ đồng, tăng 7,22% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 87,37 tỷ đồng tăng 7,14%; vận tải hàng hóa thực hiện 207,40 tỷ đồng, tăng 7,34%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 86,97 tỷ đồng, tăng 7,02% so cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 10 tháng năm 2018 thực hiện 2.560,92 tỷ đồng, tăng 7,27% so cùng kỳ.Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 585,66 tỷ đồng tăng 6,98%; vận tải hàng hóa thực hiện 1.439,77 tỷ đồng, tăng 7,42%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 535,49 tỷ đồng, tăng 7,21% so cùng kỳ.

VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG

1. Tài chính ngân sách

* Thu ngân sách: Thực hiện đến 20 ngày tháng 10/2018, tổng thu NSNN 10.076,16 tỷ đồng đạt 70,45% dự toán, trong đó thu nội địa là 7.948,25 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 1.562,89 tỷ đồng đạt 64,72% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 1.305,55 tỷ đồng đạt 78,25% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 810,57 tỷ đồng đạt 48,55% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 636,99 tỷ đồng đạt 83,27% so dự toán. Tính đến 20/10/2018 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 930 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 9,23% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đạt 89,77% so dự toán.

* Chi ngân sách: Ước đến 20 ngày tháng 10/2018 ngân sách đã chi 8.003,97 tỷ đồng chiếm 67,18% dự toán, bao gồm hoạt động chi đầu tư phát triển 3.908,08 tỷ đồng, chi thường xuyên 4.059,38 tỷ đồng.

2. Tín dụng ngân hàng

Vốn huy động đến cuối tháng 10 năm 2018 ước đạt 70.800 tỷ đồng, tăng 1,13% so với đầu tháng, tăng 7,33% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 68.900 tỷ đồng, chiếm 97,32%, tăng 1,15%, vốn huy động ngoại tệ là 1.900 tỷ đồng, chiếm 2,68%, tăng 0,16% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 44.400 tỷ đồng chiếm 62,62%, tăng 1,23%, vốn huy động trên 12 tháng là 26.400 tỷ đồng chiếm 37,38%, tăng 0,96% so với đầu tháng.

Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 10 năm 2018 ước đạt 75.900 tỷ đồng, tăng 0,91% so với đầu tháng, tăng 12,33% so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay VNĐ đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 0,84% so đầu tháng, chiếm 93,54% trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 2,06% so với đầu tháng, chiếm 6,46% trong tổng dư nợ cho vay; Phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 41.800 tỷ đồng, tăng 1,01% so đầu tháng, chiếm 55,07%, dư nợ cho vay trung dài hạn 34.100 tỷ đồng, tăng 0,80% so đầu tháng, chiếm 44,93% tổng dư nợ cho vay.

Nợ xấu đến cuối tháng 10 năm 2018 ước là 1.700 tỷ đồng, chiếm 2,24% trong tổng dư nợ cho vay.

Lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất trên địa bàn phổ biến như sau:

- Lãi suất huy động: Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,3 - 1,0%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,6% - 5,5%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 5,3% - 6,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,6% - 7,5%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.

- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 6,5%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 7,0% - 9,0%/năm đối với ngắn hạn, 9,0% - 11%/năm đối với trung, dài hạn.

- Lãi suất USD: Lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 3,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 5,0% - 6,5%/năm.

VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI

1. Văn hóa – Thể thao

Nghệ thuật:

Liên hoan, hội thi và hội diễn: Cấp khu vực và toàn quốc tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018, tại tỉnh Long An, kết quả: Đạt huy chương Bạc toàn đoàn, 02 huy chương Vàng cá nhân; 01 huy chương Bạc cá nhân.

Trung tâm Văn hóa thành phố: Phục vụ 09 cuộc hoạt động tại cơ sở chương trình văn nghệ tuyên truyền chủ đề “Cần Thơ – Đô thị miền sông nước”, thu hút 2.550 lượt người xem. Tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng múa dân gian năm 2018, từ ngày 10/9 - 15/10/2018.

Tổ chức 08 chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ, tại Bến Ninh Kiều; Chợ nổi Cái Răng; Sinh hoạt Sân chơi Tài tử Cầu đi bộ, thu hút khoảng 300 - 500 lượt người xem/chương trình.

- Nhà hát Tây Đô tổ chức biểu diễn 06 cuộc, thu hút 3.000 lượt người xem.

Thể thao quần chúng: Tổ chức Giải Việt dã TP Cần Thơ năm 2018, ngày 29/9/2018, tại huyện Phong Điền, có 68 VĐV của 09 quận, huyện tham dự, kết quả: hạng Nhất - Ô Môn, hạng Nhì - Phong Điền, hạng Ba - Thới Lai, thu hút 4.500 lượt người xem.

Thể thao thành tích cao: Cử huấn luyện viên, vận động viên tham dự các giải thể thao, cụ thể: Giải Olympiad Cờ vua lần thứ 43, tại Georgia, đạt 01 HCV; Giải vô địch Cầu mây thế giới, tại Vương quốc Thái Lan, đạt 02 HCB; Giải Vô địch Taekwondo các Câu lạc bộ toàn quốc năm 2018, tại tỉnh Bình Phước, đạt 01 HCV, 03 HCB, 06 HCĐ; Giải Bơi - Lặn vô địch Câu lạc bộ quốc gia năm 2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, đạt 05 HCV, 04 HCB, 03 HCĐ; Giải Vô địch Bóng chuyền bãi biển năm 2018, tại thành phố Cần Thơ, đạt 01 HCV; Giải Judo Vũng Tàu mở rộng, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 03 HCV, 03 HCĐ.

2. Giáo dục

Trong năm học 2017-2018 ngành Giáo dục và đào tạo thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đề ra, đặc biệt chú trọng kỷ cương, nề nếp, chủ động và sáng tạo phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các quy định, quy chế chuyên môn; quy định về an toàn, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống thương tích, tai nạn, an toàn giao thông. Đội ngũ nhà giáo đảm bảo đạt chuẩn đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Trang thiết bị được bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy và học của giáo viên và học sinh.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài và các địa phương truyền thông thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, kế hoạch tuyển sinh năm học 2018 - 2019, Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường và khai giảng năm học 2018 - 2019.

3. Về Y tế - khám chữa bệnh

Tình hình dịch bệnh ổn định, không có vụ dịch nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên trong tháng một số bệnh như: Sốt xuất huyết ghi nhận 146 trường hợp mắc, giảm 1,35% so với tháng trước (148 trường hợp); Lũy tích từ đầu năm đến nay 763 trường hợp mắc, giảm 22,92% so cùng kỳ (990 cas), không có tử vong. Tay chân miệng ghi nhận 291 trường hợp mắc, tăng 134,67% so với tháng trước (124 trường hợp); Lũy tích từ đầu năm 2018 đến nay ghi nhận 691 trường hợp mắc, giảm 8,83% so cùng kỳ (758 cas), không có tử vong. Thủy đậu ghi nhận 04 trường hợp mắc tăng 3 ca so với tháng trước; Lũy tích từ đầu năm đến nay 41 trường hợp mắc, tăng 12 trường hợp so với cùng kỳ 2017. Tiêu chảy 363 ca, giảm 2,6% so với tháng trước.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Đến thời điểm báo cáo, tổng số người nhiễm HIV phát hiện được là 6.031 người, trong đó tử vong 2.438 người, số người nhiễm HIV còn sống là 3.593 người. Thành phố có 2.716 người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV, duy trì 419 người điều trị Methadone.

Công tác khám chữa bệnh: Các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt quy chế chuyên môn, đảm bảo các quy trình kỹ thuật trong khám chữa bệnh đồng thời tăng cường công tác khám chữa bệnh và quản lý quỹ BHYT.

Thẩm định bổ sung danh mục kỹ thuật khám, chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ. Rà soát, chấn chỉnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo Thông tư 16/2018/TT- BYT; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật quản lý chất lượng phòng xét nghiệm tuyến quận, huyện. Tăng cường chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Khảo sát thực trạng chuyên khoa Tai Mũi Họng theo Công văn số 1180/KCB - QLCL&CĐT ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

Phục vụ y tế: Diễn tập chữa cháy, cứu nạn, chống sập; diễn tập khu vực phòng thủ thành phố; chương trình tiếp và làm việc với đoàn dự trao đổi lý luận lần thứ 8 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản.

4. Chính sách lao động - xã hội

Trong tháng thành phố đã giải quyết việc làm cho 4.119 người, lũy kế từ đầu năm đã giải quyết việc làm cho 57.776 lao động, đạt 115% kế hoạch năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017 (có 154 lao động đi làm việc ở nước ngoài).

Công tác quản lý lao động người nước ngoài: Cấp lại 03 Giấy phép lao động; cấp mới 01 Giấy phép lao động, thẩm định hồ sơ xác nhận miễn cấp Giấy phép lao động cho 05 người nước ngoài tại 03 đơn vị. Tiếp nhận và trả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động tại 02 doanh nghiệp không đủ điều kiện cấp giấy phép.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố: Kết nối việc làm trong nước cho 1.317 lượt người, đào tạo nghề và kỹ năng cho 571 lượt người; tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày. Tổ chức tư vấn nghề nghiệp, việc làm và quan hệ lao động cho 10.923 lượt người, với các hoạt động chính như: Ngày hội sinh viên với nghề nghiệp việc làm năm 2018tại trường Đại học Tây Đô; Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng dành cho người hưởngtrợ cấp thất nghiệp tại thành phố Cần Thơ; Thực hiện tư vấn và phỏng vấn người lao động tham gia học lớp kỹ năng khởi sự doanh nghiệp và kỹ năng làm việc, tìm việc; Khai giảng lớp tiếng Hàn chứng chỉ EPS; Thông tin kỹ năng nghề tại trường Đại học Tây Đô; Tổ chức 01 lớp kỹ năng khởi sự doanh nghiệp cho thanh niên; Phối hợp trường Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tổ chức 05 lớp kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên trong khuôn khổ dự án Kỹ năng thành công; Phối hợp Công ty TNHH Teakwang Vina Cần Thơ tổ chức 01 lớp Kỹ năng cho lao động trẻ đang làm việc trong Doanh nghiệp; Tổ chức lớp Tập huấn giảng viên nguồn về Khởi sự Doanh nghiệp.

Công tác dạy nghề: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề cho 3.583 người; lũy kế từ đầu năm đào tạo nghề cho 40.989 người, đạt 89,1% kế hoạch năm 2018, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Từ đầu năm 2018 đến nay đã khai giảng 141 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đạt 100% kế hoạch) với 4.896 học viên; đến nay đã bế giảng 98 lớp. Đến nay trên địa bàn thành phố có 89 cơ sở GDNN, trong đó 10 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 22 trung tâm và 43 cơ sở khác có dạy nghề.

Thực hiện chính sách người có công với cách mạng: Toàn thành phố hiện có 6.828 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên. Hiện toàn thành phố có 50 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết 141 hồ sơ chế độ chính sách. Tiếp nhận hồ sơ tỉnh khác chuyển đến: 07 hồ sơ; Lập thủ tục di chuyển hồ sơ đến tỉnh khác: 04 hồ sơ; chuyển quận: 03 hồ sơ. Cấp lại giấy chứng nhận Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: 01 hồ sơ; cấp lại giấy chứng nhận thương binh: 02; Sửa đổi thông tin trong hồ sơ người có công: 12. Di chuyển mộ liệt sĩ: 01 trường hợp. Trả lời thư chính sách: 08 trường hợp. Trợ cấp khó khăn, đột xuất: 4 trường hợp. Trợ cấp khó khăn cho Người có công với cách mạng bị bệnh nặng từ nguồn kinh phí đảm bảo xã hội theo Quyết định số 118/TTg ngày 27 tháng 02 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức đưa 28 người có công với cách mạng huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền, quận Bình Thủy, quận Cái Răng đi điều dưỡng tập trung tại Đà Lạt (Đợt 5).

Công tác bảo trợ xã hội - Trẻ em và bình đẳng giới

Trợ cấp thường xuyên cho38.970đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí14.545 triệu đồng.​ Tổ chức thăm và tặng 1.036 phần quà người cao tuổi nhân Quốc tế người cao tuổi 01/10 gồm: 878 cụ tròn 90 tuổi, 55 cụ tròn 100 tuổi và 103 cụ trên 100 tuổi, với tổng kinh phí 469,2 triệu đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2018 về việc tổ chức giữ trẻ em trong mùa lũ năm 2018 (tính đến thời điểm hiện nay có 02 đơn vị tổ chức giữ trẻ mùa lũ; In và treo 500 băng rôn tuyên truyền về Bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn quận Thốt Nốt, các huyện: Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Tổ chức 02 cuộc Hội thảo phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại quận Thốt Nốt và huyện Thới Lai cho 350 em học sinh. Tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật trẻ em năm 2018 với 100 em học sinh đến từ các Trường THCS trên địa bàn quận Ninh Kiều tham gia.

Tổ chức Tọa đàm “Quyền của phụ nữ - Giải pháp tăng số lượng nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý” với hơn 150 đại biểu là Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể thành phố và quận, huyện tham dự. Triển khai thí điểm Mô hình Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ. Treo 64 băng rôn tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên các tuyến đường thuộc quận Ninh Kiều và quận Cái Răng nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Trung tâm Bảo trợ xã hội hiện đang quản lý 577 đối tượng. Công tác tiếp nhận quản lý hồ sơ của đối tượng được thực hiện đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục đúng quy định, kịp thời bổ sung, chấn chỉnh những thiếu sót, vướng mắc. Hướng dẫn, tư vấn cho thân nhân, gia đình có nhu cầu xin bảo lãnh về gia đình tiếp tục quản lý và điều trị trên 125 lượt người. Đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm và tổ chức nấu ăn hàng ngày cho đối tượng đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Tổ chức phục hồi chức năng cho 545 lượt đối tượng. Duy trì việc vận hành các trang thiết bị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu đã được cung cấp cho mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho các đối tượng có khoảng 653 lượt tham gia.

Trung tâm Công tác xã hội hiện đang nuôi dưỡng trực tiếp 83 đối tượng. Trong tháng khám và điều trị tại chỗ cho 310 lượt đối tượng, đưa 03 đối tượng đi khám và điều trị bệnh tại bệnh viện, tiếp tục duy trì tập vật lý trị liệu cho 12 đối tượng tại Trung tâm. Thực hiện 04 buổi truyền thông, giáo dục kỹ năng sống cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Tư vấn 01 trường hợp đang cư ngụ tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền về chế độ bảo trợ xã hội tại địa phương. Thực hiện 07 buổi sinh hoạt định kỳ cho 210 lượt thành viên của CLB Tuổi hồng. Mô hình Công tác xã hội trong bệnh viện: đã hỗ trợ cho 01 trường hợp; phối hợp Trường Đại học Cần Thơ cho 100 sinh viên tình nguyện tham gia mô hình công tác xã hội trong bệnh viện. Thực hiện 01 cuộc truyền thông bồi dưỡng kỹ năng tự bảo vệ, phổ biến Luật Trẻ em năm 2016, phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em cho học sinh THCS tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Thực hiện truyền thông nâng cao kỹ năng cho đối tượng là phụ huynh, giáo viên, người chăm sóc thay thế trẻ em ở các địa bàn trọng điểm về kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại huyện Thới Lai. Triển khai các hoạt động Dự án Quản trị quyền Trẻ em: thực hiện 03 chuyên đề cộng đồng cho 54 LGBT.

5. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 16/9/2018 đến 15/10/2018) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 13 người, bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tăng 01 vụ, số người bị thương giảm 10 người. 10 tháng năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 86 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 89 người, bị thương 29 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tăng 12 vụ, số người chết tăng 10 người, số người bị thương giảm 04 người.


Website Ủy ban nhân dân Cần Thơ

    Tổng số lượt xem: 1129
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)