(MPI) - Chặng đường đổi mới, sáng tạo và phát triển vẫn còn dài ở phía trước, những khó khăn, thách thức còn nhiều và ngày càng gay gắt, những hạn chế, tồn tại cần phải tiếp tục khắc phục triệt để. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, giữ vững ngọn lửa khát vọng đổi mới, sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của đất nước. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra ngày 16/01/2019.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh MPI |
Tham mưu nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, bám sát chủ đề hành động của Chính phủ
Chúng ta vừa kết thúc năm 2018, một năm có nhiều ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2016-2020 với nhiều kết quả nổi bật và ấn tượng, xứng đáng với những nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong không khí hào hứng cùng các cấp, các ngành đồng loạt ra quân triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, quyết tâm tạo sự “bứt phá” ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhìn lại năm 2018, việc đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã cho thấy nền kinh tế đã có bước phát triển rất tích cực, từng bước củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước sự thay đổi của kinh tế thế giới. Tăng trưởng GDP đạt 7,08% và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tài chính, thương mại thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại là một minh chứng rõ nét.
Một điều đặc biệt nữa của năm 2018 là kết quả đạt được không chỉ toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực mà còn toàn diện ở tất cả các địa phương. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đều nỗ lực thi đua đạt nhiều thành tích nổi bật, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách đều tăng mạnh, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt mức kỷ lục, nhiều địa phương đã hoàn thành trước một năm mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố.
Mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương đều có sự đóng góp tích cực vào kết quả chung của cả nước, trong đó, Bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư có những đóng góp quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm cải cách, đổi mới, vai trò nhạc trưởng trong công tác phối hợp, tham mưu tổng hợp về thể chế, cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Trong năm 2018, Bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tốt vai trò tham mưu tổng hợp chiến lược, phát huy được tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quán triệt phương châm chủ đề mà Chính phủ đã đề ra là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và phương châm Bộ, Ngành là “tiên phong đổi mới, nắm bắt cơ hội”, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng tại 03 khía cạnh chủ yếu.
Một là, đạt được sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, các đơn vị chuyên môn, tổ chức đảng, đoàn thể của cơ quan, quán triệt và phát huy hiệu quả sự quan tâm, chỉ đạo, giám sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Hai là, quyết tâm cải cách, đổi mới đã được đẩy mạnh và lan tỏa trong toàn Bộ, Ngành, trong công tác chuyên môn, đảng và đoàn thể. Đáng chú ý nhất là Bộ đã tham mưu tư tưởng chính sách tiến bộ, cơ chế vượt trội trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quyết tâm vượt qua chính mình, từ bỏ lợi ích riêng để giải phóng nguồn lực quốc gia khi tham mưu xây dựng Luật quy hoạch, Luật đối tác công-tư, sửa đổi Luật đầu tư công, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp cũng như các nghị định có liên quan. Tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính. Mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf... Quyết liệt đổi mới công tác kế hoạch hóa, áp dụng công nghệ thông tin, tổ chức họp trực tuyến giữa Bộ và các địa phương...
Ba là, triển khai hiệu quả công tác phối hợp, nhất là với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan tổng hợp vĩ mô, các cơ quan chuyên môn của Đảng, Quốc hội... trong tham mưu chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ. Điển hình là Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, các báo cáo lớn đánh giá giữa kỳ Kế hoạch 5 năm về kinh tế-xã hội, đầu tư công, báo cáo tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII, các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và động lực tăng trưởng, xây dựng khung chính sách kinh tế Việt Nam. Tận dụng cơ hội, tiên phong đi đầu cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu, tổ chức thực hiện và phát triển Mạng lưới sáng tạo Việt Nam, xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề án thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đề án kinh tế chia sẻ. Tổ chức tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tham mưu, kiến nghị định hướng thu hút FDI trong tình hình mới. Tổ chức các hội nghị quan trọng về rà soát cơ chế, chính sách trong đầu tư, khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức Diễn đàn Cải cách phát triển lần thứ nhất để hướng tới diễn đàn tầm cỡ quốc tế và khu vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong năm 2019 và những năm tiếp theo như kỷ luật, kỷ cương trong công tác chuyên môn, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ở các đơn vị, tinh thần đổi mới, sáng tạo.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Không ngừng đổi mới, quyết tâm cải cách, tiên phong trong tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật
Tại Hội nghị, tại các điểm cầu, các địa phương đã có phát biểu đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ các dự án FDI quy mô lớn và các ngành công nghiệp phụ trợ; các giải pháp khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; đánh giá chung tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Đưa ra một số nguyên nhân, giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch, các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các chính sách về xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển nông nghiệp, nông thôn và vấn đề liên kết vùng.
Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tham mưu các giải pháp phát triển toàn diện kinh tế-xã hội. Kết quả, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 11 năm qua, 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, tham mưu nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng, các đạo luật mới để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Được sự hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, năm 2018, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01, các chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời xây dựng và thực hiện Chương trình hành động của Thành phố ngay từ đầu năm và đạt được kết quả toàn diện, tích cực trong các lĩnh vực, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Để có sự bứt phá và thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019, thành phố Hà Nội mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành địa phương tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo, trình Quốc hội ban hành Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, sửa đổi các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật quy hoạch và ban hành các Thông tư ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết các thủ tục đầu tư để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.
Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đánh giá cao đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp đã tạo dấu ấn lớn trên 2 lĩnh vực quy hoạch kế hoạch và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, góp phần vào kết quả đạt được toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bộ đã không ngừng đổi mới, quyết tâm cải cách, tiên phong đi đầu trong tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý quy hoạch, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tham mưu ban hành Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tích cực sửa đổi Luật đầu tư công, sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp... Với tinh thần cải cách theo hướng nâng cao hiệu lực quản lý, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền chủ động cho các địa phương, tháo gỡ vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành công bố Khung chính sách kinh tế Việt Nam với mục tiêu phát triển dài hạn. Hướng dẫn triển khai kịp thời Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch kinh tế-xã hội và đầu tư phát triển hằng năm. Tham mưu Chính phủ ban hành kịp thời Nghị quyết số 01/NQ-CP theo hướng đổi mới, rõ nội dung giải pháp, xây dựng chi tiết kịch bản tăng trưởng, lồng ghép các nội dung giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể. Đã tổ chức và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm Luật đầu tư công, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đầu tư.
Việc tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch cũng có nhiều đổi mới. Năm 2018 là năm thứ 2 Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch theo vùng, năm đầu tiên Bộ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng kế hoạch, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết nhiệm vụ và triển khai kế hoạch. Qua đó, giúp các địa phương quán triệt chỉ đạo, nắm tình hình chung, trao đổi học tập kinh nghiệm, kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Kiến nghị tới Hội nghị, Chủ tịch Đặng Quốc Khánh mong muốn, với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có sự tham mưu chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, bảo đảm đi vào thực chất và được kiểm soát chặt chẽ. Kịp thời hướng dẫn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Đây là nội dung quan trọng, liên hệ mật thiết với các địa phương trong việc chuẩn bị nội dung Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về thực hiện Luật quy hoạch và triển khai lập Quy hoạch tỉnh đến nay chưa có Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành nên việc triển khai ở địa phương còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc xác định và phương pháp/cách thức xây dựng các báo cáo hợp phần; bố cục của báo cáo hợp phần quy hoạch; phương pháp tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Vì vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đặc biệt là có hướng dẫn về việc xây dựng báo cáo hợp phần và tích hợp quy hoạch.
Từ điểm cầu An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong quá trình triển khai thí điểm liên kết vùng đã ban hành Quyết định số 625/QĐ-BKHĐT ngày 05/5/2017 về ban hành bộ tiêu chí xác định dự án liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020. Qua việc thực hiện Quy chế thí điểm liên kết vùng giúp các tỉnh giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu thông tin phát triển kinh tế-xã hội chung cho toàn vùng.
Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đánh giá cao những nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cho rằng, trong những thành tích và kết quả đạt được của năm 2018, Bộ có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực trong những kết quả chung về phát triển kinh tế-xã hội. Với vai trò là cơ quan tham mưu về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công quốc gia và cơ chế chính sách về quản lý kinh tế, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã và thống kê đã có những kết quả toàn diện. Với phương châm tiên phong đổi mới, nắm bắt cơ hội, việc triển khai nhiệm vụ của Bộ đã ghi được những dấu ấn tích cực. Bộ đã tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế và xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ. Trong công tác hoàn thiện thể chế, Bộ đã chủ động ban hành và tham mưu cho Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Công tác tham mưu, điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và việc đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện kế hoạch 2016-2020, ngay từ đầu năm Bộ đã khẩn trương làm đầu mối để phối hợp với các bộ, ngành để tổng hợp các kịch bản tăng trưởng kinh tế theo quý.
Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và tham mưu cho Chính phủ thực hiện mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành trong ổn định vĩ mô. Đây cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Cùng với đó, Bộ đã tập trung đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, triển khai các hoạt động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua có đóng góp rất lớn của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nền tảng vĩ mô ổn định. Đặc biệt, Bộ thực hiện tốt vai trò là Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô theo Quyết định số 1317/QĐ-TTg… Những kết quả đạt được trong 2018 là động lực, niềm khích lệ to lớn cho toàn bộ nền kinh tế để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Năm 2019 tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thành vượt mức các mục tiêu đã đề ra
Năm 2018 là năm “bản lề” và cần hướng tới những năm tiếp theo, nhất là năm 2019, năm “bứt phá” để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Mỗi năm đều có những khó khăn, thách thức và yếu tố thuận lợi riêng nhưng chúng ta cần kiên định lập trường cải cách, đổi mới, vươn lên, sẵn sàng ứng phó với những biến động, củng cố sự vững vàng, độc lập, tự chủ của nền kinh tế để hướng tới mục tiêu thịnh vượng, bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh ba trọng tâm của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong năm 2019. Một là, tận dụng bằng được các cơ hội đem lại, dù là nhỏ nhất để phát triển bứt phá, cụ thể là, đà tăng trưởng kinh tế tích cực đã có được 2 năm qua; các ngành, lĩnh vực, địa phương đang có xu thế tăng trưởng tốt; nhiều quyết sách tiếp tục phát huy hiệu quả. Cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là về công nghệ, kỹ thuật, quản lý. Làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu dự báo tiếp tục chảy về khu vực năng động, trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Việt Nam cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón nhận có chọn lọc và đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Tiến trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta còn nhiều dư địa và ngày càng được đẩy mạnh. Niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố.
Hai là, kiên định mục tiêu, giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm hướng tới đạt được sự phát triển bứt phá không chỉ cho năm 2019 mà còn nhiều năm tiếp theo; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, tiến bộ và công bằng về xã hội; đẩy mạnh hơn nữa cải cách, đổi mới, sáng tạo... Tập trung vào 6 trọng tâm, gồm: Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế trong đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; xây dựng thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả.
Ba là, toàn Bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư cùng các cấp, các ngành ra sức thi đua, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đạt kết quả bứt phá trong tất cả các chính sách, giải pháp đã đề ra, tập trung một số bứt phá trọng tâm gồm: Phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.
Gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tiến trình thực hiện 3 đột phá chiến lược, trọng tâm là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực và cơ cấu đầu tư công, tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả đột phá về hạ tầng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên nền tảng hiệu quả của hợp tác đối tác công - tư.
Nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển các mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế.
Đồng thời, cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2019 đối với Bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư là rất nặng nề, đòi hỏi tất cả cán bộ, công chức, viên chức của Ngành và cơ quan phải nỗ lực bứt phá, phát huy trí tuệ tập thể, tiếp tục cải cách, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhất là trong công tác tham mưu tổng hợp về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là thể hiện được vai trò là cơ quan thường trực của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư