Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/01/2019-17:00:00 PM
Những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 18/01/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc Long Quốc Cường đồng chủ trì Tọa đàm "Những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam".

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tại Tọa đàm, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về đầu tư nước ngoài được xem xét theo 03 giai đoạn, gồm: năm 1988-1996, năm 1997-2006 và giai đoạn năm 2007-đến nay. Trong năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. Quy mô GDP 245 tỷ USD, GDP đầu người đạt 2,587 USD. Kim ngạch thương mại 482 tỷ USD. Thu hút FDI đạt 35,46 tỷ USD, giải ngân đạt gần 19,1 tỷ USD, mức cao kỷ lục.

Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực có công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, tập trung vào các ngành ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, R&D, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (SMAC), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, kinh tế số, tự động hóa, y sinh, vật liệu mới. Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao. Thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh.

Thu hút FDI của địa phương, vùng lãnh thổ phù hợp quy hoạch (tổng thể, quốc gia, ngành, vùng, địa phương). Địa phương phát triển cao về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại, R&D để hình thành trung tâm tài chính, công nghệ quốc gia và khu vực. Những địa bàn khó khăn, bên cạnh các dự án ưu tiên, cần tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài trong những ngành sử dụng lao động phổ thông, giản đơn trong một giai đoạn nhất định, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển hướng thu hút đầu từ nước ngoài sang ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao…

Về thị trường và đối tác, tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ nhiều thị trường và đối tác. Chú trọng các nước phát triển, các nước G7. Chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài từ một số nước trong khu vực để lựa chọn phù hợp với định hướng. Đồng thời, thu hút từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện về công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã trao đổi những vấn đề được các đại biểu quan tâm và cho biết, kể từ khi gia nhập WTO, đã loại trừ sự khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Chia sẻ về vấn đề định hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Việt Nam đã xây dựng khung chính sách kinh tế, trong đó đưa ra ba trụ cột, gồm: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Về chính sách kinh tế trung hạn, Việt Nam tập trung vào các động lực tăng trưởng như: Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thể chế kinh tế thị trường; xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; khu vực tư nhân phát triển; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo.

Về Quan hệ hợp tác của Việt Nam - Trung Quốc, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, là đối tác FDI lớn thứ 07/112 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, với 13,3 tỷ USD vốn đăng ký. FDI của Trung Quốc năm 2018 khoảng 2,4 tỷ USD.

Tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Long Quốc Cường đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến chính sách thu hút FDI của Trung Quốc và chính sách thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài cũng như cơ chế phân cấp, giám sát của các cấp đối với dự án FDI, cơ chế ưu tiên giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI…

Trước đó, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng có buổi làm việc với Phó Chủ nhiệm Long Quốc Cường. Ảnh: MPI

Phó Chủ nhiệm Long Quốc Cường cho biết, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc là cơ quan cấp bộ, trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, là cơ quan quan trọng trong nghiên cứu và tư vấn các chính sách về kinh tế, đối ngoại, chính sách về phát triển,… cho Chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, nghiên cứu những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội mang tính chiến lược, tổng hợp, những chính sách về mở cửa, chuyển đổi cơ chế kinh tế.

Tại buổi làm việc, hai bên đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời cho rằng, kết quả buổi làm việc và Tọa đàm hôm nay sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, đầu tư giữa hai quốc gia./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 39950
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)