(MPI) – Đây là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2019 diễn ra ngày 31/01/2019 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2019.
Ảnh: chinhphu.vn
|
Quyết tâm, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2019, về tình hình kinh tế-xã hội, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các hội nghị triển khai công tác năm 2019, trong đó 22 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 48/63 địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, nhấn mạnh việc quyết tâm, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tích cực triển khai, tập trung giao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để Nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo tinh thần Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều hành động ý nghĩa, thiết thực, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công, chăm lo hỗ trợ người nghèo, Nhân dân vùng bị thiên tai, vùng khó khăn, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo bầu không khí ấm áp, sẻ chia trong toàn xã hội, trở thành động lực hứng khởi cho người dân và doanh nghiệp hăng hái sản xuất, kinh doanh, tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong tháng 01/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, kỳ vọng tạo nhiều cơ hội và không gian mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Việc chế tạo và phóng thành công vệ tinh MicroDragon có ý nghĩa rất lớn, tạo nền tảng quan trọng để phát triển công nghệ vũ trụ Việt Nam trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ tham dự diễn đàn kinh tế thế giới đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 01/2019 tiếp tục khả quan là bước khởi đầu thuận lợi để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đề ra. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, khí hậu vẫn rét đậm, nếu tiếp tục kéo dài có thể ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trâu bò, xuất khẩu trong tháng giảm so với cùng kỳ, nhập siêu trở lại do nhu cầu của Nhân dân tăng cao trong dịp cận Tết Nguyên đán. Tình hình trật tự, an toàn giao thông trong tháng diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành cần hết sức tập trung, chỉ đạo quyết liệt hơn, có biện pháp hiệu quả phòng ngừa tai nạn giao thông nhất là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân năm 2019 sắp tới.
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục chuyển biến tích cực
Dự báo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 02/2019, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, tình hình kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục chuyển biến tích cực nhờ nền tảng vĩ mô được củng cố và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện trong những năm gần đây. Với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/01/2019, Việt Nam có cơ hội để mở rộng xuất khẩu, đặc biệt nhờ tác động chuyển hướng thương mại và giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, góp phần nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Trong năm 2019, với chủ trương nhất quán của Chính phủ tiếp tục thực hiện ưu tiên tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các nguồn lực, duy trì thúc đẩy động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 02/2019 có đặc thù là tháng đón Tết âm lịch, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, du lịch sẽ tăng cao gây sức ép lạm phát trong nước, do vậy cần có những giải pháp thận trọng trong điều hành giá cả những mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, lễ hội để vừa giữ gìn, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, văn minh cho người dân.
Trong các tháng tiếp theo, các cấp các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 45 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và 186 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành trung ương và địa phương và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần chủ động, sáng tạo, kịp thời, linh hoạt, đồng thời bám sát, nắm vững tình hình, tận dụng thời cơ để lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên, cần thiết thực hiện trước, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình, vì mục tiêu cao nhất là hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đề ra.
Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư vốn Quốc hội quyết định
Về kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 401/VPCP-KTTH ngày 15/01/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo số 745/BC-BKHĐT ngày 30/01/2019 về tình hình giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019, những vướng mắc trong quá trình rà soát trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch. Để các bộ, ngành và địa phương triển khai kế hoạch đầu tư năm 2019, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư vốn Quốc hội quyết định, việc giao kế hoạch đầu tư sớm cho các bộ, ngành và địa phương là cần thiết.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho phép, giao kế hoạch đầu tư năm 2019 cho các dự án chuyển tiếp của các bộ, ngành và địa phương chưa có Quyết định đầu tư điều chỉnh, số vốn giao kế hoạch năm 2019 đảm bảo trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho dự án, để đảm bảo cho dự án triển khai liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Giao kế hoạch đầu tư năm 2019 cho các dự án khởi công mới của 10 địa phương có Quyết định đầu tư thiếu nội dung “phân bổ nguồn vốn sử dụng theo tiến độ” theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Từ thực tế triển khai quy định này có nhiều vướng mắc về cân đối vốn hằng năm cho các dự án như đã nêu trong báo cáo chính, đồng thời tại Điều 13 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đã quy định về thời hạn bố trí vốn cho các dự án đầu tư nhằm tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, trình Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát quy định về nội dung “phân bổ nguồn vốn sử dụng theo tiến độ” trong quyết định đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 12 Nghị định 59/2015/NĐ-CP để xem xét, kiến nghị sửa đổi phù hợp với thực tế./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư