(MPI) – Trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra ngày 19/02/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đồng chí lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ, các nhà nghiên cứu của Bộ cần tích cực tham gia nghiên cứu, đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển đất nước xứng tầm với vai trò cơ quan tham mưu hàng đầu trong điều hành kinh tế vĩ mô, khối óc sáng suốt tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: MPI
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cơ quan tham mưu có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, quy mô GDP năm 2018 so với năm 1989 đã tăng trên 38 lần, GDP bình quân đầu người tăng 26 lần. Đây là một thành tựu đáng kể, trong đó có vai trò và đóng góp quan trọng của Ngành Kế hoạch và Đầu tư. Nhìn lại năm 2018, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, điều này cho thấy nền kinh tế đã có bước phát triển rất tích cực, với GDP đạt 7,08%, mức tăng cao nhất trong vòng 11 năm qua; từng bước củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước sự thay đổi của kinh tế thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thành tựu này là chung của cả nước, mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương đều có sự đóng góp tích cực vào kết quả này. Trong thành quả đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đóng góp quan trọng với vai trò là cơ quan "tham mưu trưởng" về điều hành kinh tế vĩ mô, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời đánh giá rủi ro, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp. Một trong những kết quả nổi bật là hoàn thiện thể chế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới “xin-cho”, lợi ích nhóm... Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chính phủ nêu ra các thách thức, bài toán lớn đối với Việt Nam và mong mỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu tâm khi làm công tác tham mưu, thống kê, hình thành chính sách kinh tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc, ngày càng gay gắt, chính sách tài chính thắt chặt ở một số nước… Ngành Kế hoạch và Đầu tư cần có tham mưu chiến lược kịp thời, giúp khai thông và phát huy tốt nhất tiềm năng, tiềm lực còn rất lớn của đất nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có giải pháp trước các nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, được đánh giá là còn rất lớn. Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội nổi lên có thể kìm hãm sự phát triển. Cùng với đó, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số đang tạo nên những áp lực lớn đối với hệ thống an sinh xã hội và tương lai phát triển bền vững của Việt Nam. Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên đang ngày càng trở nên cấp bách, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý nguy cơ “tự chuyển hóa”, "tự diễn biến”, thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí, tình trạng “dễ thì làm, khó thì bỏ” hay tư tưởng cuối nhiệm kỳ ở một bộ phận cán bộ, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 5 bài toán lớn đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thứ nhất là với tư cách là bộ tổng tham mưu thì Bộ phải hiến kế làm sao để các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 có thể tạo ra bứt phá không những năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các cấp, các ngành. Trong thực hiện phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ năm 2019.
Thứ hai là làm sao để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới trong đó có xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Bộ phải đề xuất chính sách để đi theo hướng này.
Thứ ba là làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ, làm sao để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Hành trình chiến lược đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu độc lập, tự cường và thịnh vượng là gì.
Thứ tư là làm sao đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh. Chúng ta có các Nghị quyết số 02/NQ-CP, 35/NQ-CP… nhưng không phải ban hành thế đã là xong. Ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tham vấn làm sao để thực thi đạt kết quả cao nhất, sớm nhất. Làm sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Thứ năm là làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.
“Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn"
Trong hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã xác định đột phá thể chế là đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Tuy vậy, nhìn lại thời gian qua, dù đã có rất nhiều cải cách quan trọng và toàn diện, nhưng chưa có đủ thay đổi hay cải cách mang tính đột phá về thể chế. Quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, nhất là thể chế thị trường các yếu tố sản xuất vẫn còn chậm. Như vậy, trong nhiệm vụ hướng đến năm 2030, đột phá thể chế chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục là đột phá chiến lược hàng đầu.
Để có cải cách thể chế đột phá thực sự, cần xác định rõ nội hàm và mục tiêu của cải cách thể chế kinh tế thị trường. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cải cách thể chế kinh tế là việc thiết lập, bổ sung và thay đổi hệ thống các quy tắc, luật lệ, trước hết là các quy tắc luật lệ chính thức để thực hiện các cải cách kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại. Bên cạnh đó, đột phá về thể chế là những thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh về thể chế, tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước tiến nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.
Tiếp đó, cần có một cách tiếp cận toàn diện, gồm ba trụ cột để hiện đại hóa thể chế kinh tế, bao gồm các mặt chính trị, xã hội và môi trường; không được coi nhẹ tầm quan trọng của trụ cột nào trong phát triển kinh tế vì nó sẽ không mang lại cho chúng ta sự bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc.
Đồng thời, cần xác định một số nguyên tắc được quán triệt đầy đủ trong toàn hệ thống chính trị trong cải cách, xây dựng và hoàn thiện thể chế, các nguyên tắc đó phải lấy bảo vệ lợi ích của người dân là mục tiêu cuối cùng; lấy nâng cao mức độ, quy mô cạnh tranh thị trường và đảm bảo cạnh tranh công bằng là trung tâm của pháp luật, chính sách điều tiết nền kinh tế nói chung và các ngành, lĩnh vực kinh tế nói riêng. Bên cạnh đó, mọi tổ chức, cá nhân có toàn quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo; hệ thống thể chế phải đảm bảo được đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ câu ngạn ngữ "Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn", rõ ràng thời gian qua chúng ta đã thấy được hiệu quả của thay đổi thể chế và điều này khích lệ chúng ta quyết tâm, đồng lòng tiếp bước trên con đường này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: MPI |
Tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ của Tiểu ban kinh tế-xã hội
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát và thăm phòng làm việc của Tổ Biên tập và các cán bộ thuộc Văn phòng Hành chính Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế-xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Về công tác chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò chủ đạo trong Tổ Biên tập xây dựng Chiến lược 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong thời gian ngắn đã hoàn thành tốt các công tác chuẩn bị thành lập các bộ phận của Tổ Biên tập cũng như các công việc triển khai hoạt động ban đầu.
Thời gian xây dựng và hoàn thiện Báo cáo chiến lược 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 còn lại rất ngắn. Theo kế hoạch, đề cương chi tiết các báo cáo phải hoàn thiện và trình Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5/2019. Dự thảo các báo cáo phải hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương 11 tổ chức vào tháng 10/2019, sau đó hoàn thiện để gửi đến Đại hội Đảng bộ các cấp lấy ý kiến. Do vậy, Tổ Biên tập, các bộ, ngành và địa phương cần đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực, tập trung thời gian, chuyên tâm chuyên trách, triển khai thực hiện đảm bảo kịp tiến độ. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao, tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân rất lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư