Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/02/2019-16:36:00 PM
Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới
(MPI) – Để hoàn thiện Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030, ngày 14/02/2019, tại Bình Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Nâng cao chất lượng thu hút, sử dụng và quản lý FDI đến năm 2030

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Hội nghị có sự tham gia của trên 650 đại biểu gồm lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp các địa phương khu vực phía Nam, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là đánh giá kết quả thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về đầu tư nước ngoài (FDI), đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế, phân tích nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, bất cập và rút ra các bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là xu hướng của các dòng vốn đầu tư quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng thu hút, sử dụng và quản lý FDI đến năm 2030.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, quá trình tổng kết, đánh giá đã khẳng định thu hút FDI là một chủ trương đúng đắn và thành công của Đảng và Nhà nước. Theo đó, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ quan trọng của nền kinh tế. Lũy kế đến ngày 20/01/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18-25%. FDI góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.

Những thành tựu, kết quả về FDI nêu trên có được là nhờ sự quyết tâm đổi mới của Đảng, Nhà nước cũng như sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các thế hệ cán bộ của suốt 30 năm qua. Trong đó, quan trọng nhất là việc chủ động xây dựng, đổi mới hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách.

Xác định tầm quan trọng của FDI trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án để ban hành Nghị quyết chuyên đề về FDI, trong đó xác định những quan điểm, giải pháp mạnh mẽ, đột phá để nâng cao chất lượng thu hút và sử dụng FDI trong giai đoạn tới, đặc biệt là gắn kết FDI với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Sự phát triển của khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế

Kết quả thu hút và sử dụng FDI là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Khu vực FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn. Đồng thời, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực, bước đầu hình thành mối liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ cán cân thanh toán, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực, năng suất lao động của nền kinh tế và trở thành một động lực của tăng trưởng.

Sự phát triển của khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực doanh nghiệp trong nước. FDI không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, góp phần đáng kể trong nâng cao vị thế của đất nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn. FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, có nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng kết quả thu hút FDI chưa tương xứng. Một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh, tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp, xuất hiện những nhân tố mới có tầm ảnh hưởng sâu, rộng, kéo theo việc thay đổi chính sách của nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn, đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút, sử dụng FDI, gắn kết FDI với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Việt Nam nhất quán hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút FDI

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị và nhấn mạnh, đây sẽ là luận cứ quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng chia sẻ nhiều vấn đề đặt ra trong thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn tới nhằm phát triển bền vững đô thị, khuyến khích chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, logistics toàn cầu.

Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với “động cơ” chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương để thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”, chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế được hưởng lợi và các chính sách cụ thể để liên kết FDI với khối doanh nghiệp trong nước. Đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam nhất quán hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút FDI. FDI là bộ phận hữu cơ, thành viên tích cực của nền kinh tế và Việt Nam sẽ thực hiện hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp FDI./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 12515
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)