(MPI) - Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2019, tình hình kinh tế-xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2019 tiếp tục tăng trưởng tốt với các điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo…
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý I năm 2019 là 6,58%
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tình hình kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2019 tăng 0,9% so với tháng 12/2018, tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 0,8% so với tháng 01/2019. Lạm phát cơ bản tháng 02/2019 tăng 0,48% so với tháng 01/2019 và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/02/2019 tăng 0,77% so với cuối năm 2018, mặt bằng lãi suất ổn định. Về thu, chi ngân sách nhà nước, tính đến hết tháng 02/2019, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 246,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 17,5% dự toán năm, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 195,4 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán năm, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 02 tháng đầu năm ước đạt trên 16,2 nghìn tỷ đồng, đạt 3,89% so với kế hoạch Quốc hội giao. Tính đến ngày 20/02/2019, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI ước đạt 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018…
Tính chung 02 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD, tăng 4.3%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung 02 tháng đầu năm 2019, cả nước có 15.979 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 247,384 nghìn tỷ đồng giảm 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 25,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018, nếu tính cả 6.134 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 778,6 nghìn tỷ đồng, tăng 88%. Trong 02 tháng đầu năm, số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 10.191 doanh nghiệp, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2018; 13.519 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,8%; 5.904 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; 13.692 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 3.156 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù là tháng đón Tết Âm lịch, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với việc chuẩn bị trước Tết cũng như việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau Tết đã phát huy hiệu quả, có tác động tích cực đến tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với công việc của các cơ quan bộ, ngành, địa phương, tiếp tục đặt quyết tâm cao để đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đã đề ra. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm giải quyết, như: dịch tả lợn châu Phi ở nước ta, mặc dù đã được xử lý nhanh chóng, tiêu hủy hoàn toàn nhưng vẫn ảnh hưởng đến sản xuất do tâm lý của người chăn nuôi và đang có dấu hiệu lan nhanh, các vấn đề về đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội diễn biến phức tạp, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm,…
Trong hai tháng đầu năm 2019, có nhiều tín hiệu phục hồi từ kinh tế Mỹ và Nhật Bản, sự lạc quan bước đầu trong đàm phán thương mại Mỹ -Trung, tuy nhiên, tiến trình Brexit có nhiều dấu hiệu không tích cực, thương mại và đầu tư toàn cầu đều có dấu hiệu tiếp tục suy giảm. IMF vừa điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống còn 3,5%, từ mức 3,7% đưa ra hồi tháng 10/2018 và cho rằng có 4 đám mây đen lớn đang bao phủ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó bảo hộ thương mại là đám mây đen tối nhất bao trùm lên nền kinh tế thế giới.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở số liệu thực hiện 02 tháng đầu năm 2019, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý I năm 2019 là 6,58% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng quý I theo phương án thấp 6,76% của kịch bản xây dựng lần 1 tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Như vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% như kịch bản lần 1 đã đề ra, các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả trong nước và quốc tế, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh với mục tiêu các quý còn lại của năm 2019 trong khu vực công nghiệp và xây dựng phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng.
Đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm ổn định, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là tiếp tục quán triệt chủ đề hành động năm 2019 của Chính phủ, đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là cần chỉ đạo thực hiện ngay những công việc còn tồn đọng hoặc chậm tiến độ do nghỉ Tết, đẩy nhanh tiến độ công việc và thủ tục liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 11/02/2019 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Tháng 3 là tháng cuối cùng của Quý I, là tháng phải hết sức tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Quý I và của cả năm. Trong đó cần đặc biệt chú trọng, thận trọng trong công tác điều hành giá cả hàng hóa, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước và thế giới, phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá phù hợp, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra. Triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm. Đối với dịch tả lợn Châu Phi cần theo dõi chặt chẽ, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đồng thời, trên cơ sở kết quả thực hiện tình hình kinh tế-xã hội Quý I/2019, các bộ, ngành và địa phương rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2019 của bộ, ngành và địa phương mình theo từng Quý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 3/2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo số 1195/BC-BKHĐT ngày 28/02/2019 gửi Chính phủ chi tiết phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) và điều chỉnh (cắt giảm, bổ sung) kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài của bộ, ngành và địa phương. Để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định tại Văn bản số 2167/TTKQH-TCNS ngày 16/8/2018 của Tổng thư ký Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội các nội dung: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) cho các dự án chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, các dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng phải điều chỉnh quyết định đầu tư. Điều chỉnh (cắt giảm/bổ sung) kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, ngành và địa phương để triển khai các dự án theo Hiệp định, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án cần triển khai trong giai đoạn 2019-2020.
Kiến nghị Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 cho Dự án Nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai (đoạn qua tỉnh Phú Yên).
Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn từ dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương trong nước tại bộ, ngành và địa phương cho các dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước ngày 10/3/2019. Cho phép không áp dụng quy định về thời hạn phê duyệt quyết định đầu tư dự án đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch đối với các dự án khởi công mới bố trí vốn từ nguồn dự phòng 10% của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư