Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/03/2019-20:38:00 PM
Đầu tư, Thương mại và Du lịch Khu vực TGPT CLV còn nhiều tiềm năng để khai thác
(MPI) – Trong khuôn khổ các hoạt động trước thềm Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 12 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (TGPT CLV), ngày 09/3/2019, tại Kratie, Campuchia đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Khu vực TGPT CLV lần thứ 12.

Hợp tác đầu tư giữa ba nước Khu vực TGPT CLV đã đạt được những kết quả nhất định

Phó Cục trưởng Vũ Văn Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Trong những năm qua, tình hình hợp tác đầu tư giữa ba nước Khu vực TGPT CLV đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào các tỉnh thuộc Khu vực của Lào và Campuchia có xu hướng tăng qua các năm. Việt Nam có 116 dự án đầu tư sang Lào và Campuchia tại Khu vực TGPT CLV với số vốn đăng ký đầu tư 3,612 tỷ USD, chiếm 44,3% tổng vốn đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung.

Các dự án đầu tư của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, thủy điện và đã đóng góp, tác động tích cực đối với phát triển kinh tế của địa phương thông qua việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng.

Theo Phó Cục trưởng Vũ Văn Chung, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư vào Khu vực này như: cơ sở hạ tầng đã được quan tâm nâng cấp nhưng vẫn còn yếu kém hơn so với các khu vực khác và chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn vốn đầu tư còn thiếu, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự rõ ràng và dễ tiếp cận. Quan hệ phối hợp giữa các bên trong một số vấn đề thông thương đi lại và một số thỏa thuận hợp tác còn chưa được quan tâm đầy đủ. Cùng với đó, các địa phương chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng trong thu hút FDI, đặc biệt là việc thay đổi một số chính sách liên quan đến đất đai và sự hạn chế của một số chính sách về lao động, hải quan... gây ra những tác động nhất định đối với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp trong Khu vực.

Về hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Lào, năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,031 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017. Việt Nam xuất khẩu sang Lào chủ yếu là xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng máy móc thiết bị. Nhập khẩu chủ yếu là phân bón, gỗ và sản phẩm từ gỗ, quặng và nông sản.

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt 4,7 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017. Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là sắt thép, xăng dầu các loại, hàng dệt may, phân bón, sản phẩm chất dẻo. Nhập khẩu chủ yếu là hạt điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam với Lào và Campuchia chiếm lần lượt 4,1% và 10,7% tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Cục trưởng Vũ Văn Chung đã nêu ra một số tồn tại còn hạn chế như: Mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất về kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện giữa các lực lượng chức năng hai bên, dẫn đến thực trạng “một cửa, hai lần dừng”. Vẫn có nơi chưa thực hiện đúng thỏa thuận về thời gian thông quan mỗi ngày hoặc thiếu sự thống nhất trong việc đánh thuế tại mỗi cửa khẩu gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hàng hóa. Một số thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu cũng gây ảnh hướng đến giao dịch hàng hóa giữa các nước. Hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu biên giới, chợ biên giới chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới theo quy hoạch. Cơ sở hạ tầng về thanh toán và giao dịch ngân hàng ở khu vực này còn yếu.

Về quan hệ hợp tác du lịch Khu vực TGPT CLV chủ yếu được khai thông qua cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS). Trong đó có nội dung Quy hoạch phát triển ngành du lịch Khu vực là một trong những nội dung thực hiện Chiến lược phát triển du lịch GMS giai đoạn 2016-2025.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh (giữa) tham dự Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Thúc đẩy hợp tác Đầu tư, Thương mại và Du lịch Khu vực TGPT CLV

Đánh giá hợp tác Đầu tư, Thương mại và Du lịch trong Khu vực đã đạt được một số dấu mốc nhất định và vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, Phó Cục trưởng Vũ Văn Chung cho rằng, các nước cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trong đó các tỉnh thuộc Khu vực cần nằm trong diện được hưởng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cao nhất. Ngoài ra, mỗi nước cũng cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư, đặc biệt từ hai quốc gia còn lại khi đầu tư vào các tỉnh có chung đường biên giới.

Bên cạnh việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chung khu vực của Ủy ban Điều phối chung Khu vực TGPT CLV, các cơ quan chức năng của ba nước cần cụ thể hóa thành các mục tiêu cụ thể, đưa ra định hướng phát triển của cả Khu vực trên cơ sở phân tích thế mạnh, khả năng hợp tác và liên kết của các địa phương. Đồng thời, có lộ trình thực hiện rõ ràng, có cơ quan điều phối việc triển khai thực hiện, nhất là trong các hoạt động hợp tác với đối tác thứ tư hoặc các tổ chức quốc tế.

Ba nước có thể xem xét nghiên cứu hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng như xuất khẩu hàng hóa bám theo các trục giao thông nối liền giữa các tỉnh trong khu vực ra các cửa khẩu với Việt Nam, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả Khu vực cũng như lợi ích của từng nước thành viên.

Đẩy nhanh việc đàm phán ký kết và triển khai có hiệu quả các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương giữa các bên nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi quốc gia cần chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các chính sách liên quan đến thuế, hải quan, lao động. Các thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động cấp phép đầu tư, kinh doanh cần được đơn giản hóa, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước, hệ thống thủy nông, thủy lợi cần được Chính phủ mỗi nước ưu tiên và ưu đãi đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Tại Hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp ba nước đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác Đầu tư, Thương mại và Du lịch trong Khu vực. Từ đó cùng nhau nỗ lực, hợp tác toàn diện để mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương đều tìm thấy lợi ích của mình trên cơ sở các bên cùng có lợi./.

Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1399
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)