(MPI) – Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 với chủ đề “Tiềm năng của Đắk Lắk - Cơ hội của doanh nghiệp” diễn ra ngày 10/3/2019, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, được cụ thể hóa bằng tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, thu hút đầu tư, thu ngân sách… Kết quả tích cực này thể hiện nỗ lực của Tỉnh trong công tác lãnh đạo và điều hành để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 có ý nghĩa thiết thực nhằm nhận diện và phát huy những lợi thế, tiềm năng của Tỉnh trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, miền Trung và hợp tác kinh tế, thương mại với các nước láng giềng là Campuchia và Lào. Hội nghị là cơ hội tốt để các nhà đầu tư hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về tỉnh Đắk Lắk nhằm tìm kiếm những cơ hội đầu tư hiệu quả.
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nhằm khai thác lợi thế về đất đai, vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Tính đến nay, Đắk Lắk mới thu hút được 153 triệu USD đầu tư nước ngoài chủ yếu trong những ngành nông nghiệp, dịch vụ thông thường, đứng thứ 2 vùng Tây Nguyên.
Chuỗi sản xuất đã hình thành ở một số ngành nông nghiệp của Tỉnh như cà phê, hạt điều, hạt tiêu,… nhưng mối liên kết giữa nhà nông, nhà sản xuất, tiêu thụ chưa được chặt chẽ, trình độ công nghệ trong sản xuất chưa cao và tính liên kết vùng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế chưa rõ nét. Đây cũng là một vấn đề cần giải quyết và cần thúc đẩy thu hút đầu tư để hình thành và củng cố chặt chẽ hơn chuỗi giá trị, đóng góp tích cực hơn vào giá trị gia tăng và tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trên cơ sở định hướng của Thủ tướng Chính phủ về tập trung phát triển những ngành nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch chất lượng cao đối với tỉnh Đắk Lắk, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 9% năm 2019 và GRDP bình quân đầu người ngang mức trung bình cả nước vào năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp như sau: Đắk Lắk cần xác định rõ danh mục các loại dự án, ngành, nghề, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó tập trung vào những ngành du lịch, dịch vụ đẳng cấp, chất lượng cao, dần hạn chế thu hút những dự án thâm dụng tài nguyên và hiệu quả thấp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư chủ động, tập trung tiếp cận, làm việc với những đối tác trọng tâm, nhà đầu tư lớn. Các hoạt động xúc tiến đầu tư cần lồng ghép với xúc tiến thương mại và du lịch để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, xây dựng thương hiệu địa phương, kịp thời truyền tải những thông điệp mới của địa phương, giới thiệu những cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành và củng cố chuỗi giá trị trong các ngành, nghề, lĩnh vực trọng tâm của Tỉnh. Nghiên cứu lựa chọn một số khu, cụm công nghiệp hoặc khu vực thuận lợi để hình thành các cụm liên kết ngành, gắn kết giữa nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong quản lý đối với các dự án đầu tư ở địa phương. Tạo sự minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư. Chuẩn bị tốt hơn nữa các điều kiện về quy hoạch. Huy động các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách để đầu tư, hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng liên tỉnh, liên vùng. Đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho các dự án trọng điểm…
|
Tỉnh Đắk Lắk ký kết hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: TTXVN |
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, sẽ cùng các bộ, ngành hỗ trợ, phối hợp thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, việc ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Đắk Lắk tại Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự chủ động và tích cực của Bộ và Tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” và Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.
Đắk Lắk phải nỗ lực, vươn lên, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao việc Đắk Lắk đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức Hội nghị quan trọng này. Đây là cơ hội để cùng đánh giá thực trạng tình hình, nhận diện cơ hội và thách thức, chia sẻ tầm nhìn về chiến lược phát triển, các cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn tới.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh những thuận lợi và những kết quả đã đạt được, hiện nay Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư,... Đặc biệt, Đắk Lắk đang đứng trước thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu, trong khi, nguồn lực cho phát triển lại rất hạn chế.
Theo đó, trong thời gian tới, Đắk Lắk cần có những giải pháp để thu hút đầu tư, hướng tới trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu vùng Tây Nguyên. Đồng thời, cần có những giải pháp hấp dẫn thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh cần tiếp tục đổi mới tư duy, cùng với một tầm nhìn mới và trên hết là khát vọng vươn lên phải được lan tỏa trong toàn thể Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tạo luồng sinh khí mới, bứt phá, tạo xung lực thúc đẩy phát triển, dứt khoát không để tụt hậu so với cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Đắk Lắk phải khẳng định lại mình, với tâm thế là một tỉnh lớn của cả nước, thủ phủ của cây cà phê nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà ở trên thế giới. Do đó, phải nỗ lực, vươn lên, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của cả nước nhưng phải đảm bảo bền vững, không quên vấn đề quan trọng đó là an sinh xã hội. Để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, Đắk Lắk cần phải có một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa, về các mặt kinh tế - xã hội, không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai..., gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm quốc gia.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào một số lĩnh vực thế mạnh, như cây cà phê, tập trung khai thác nguồn tài nguyên vô giá là năng lượng mặt trời để phát triển công nghiệp điện, nhưng kiên quyết không phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo trên đất rừng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình, cải thiện môi trường đầu tư, tiết giảm các thủ tục, chi phí để thu hút đầu tư và tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường... Tỉnh cần soát lại định hướng, tầm nhìn, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2021, Đắk Lắk trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu của Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi. Hội nghị nằm trong trong khuôn khổ Lễ hội “Cà phê Buôn Ma Thuột” năm 2019. Về mặt đối ngoại, Hội nghị diễn ra cùng thời gian với Hội nghị Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, tại tỉnh Kratie, Campuchia. Về liên kết vùng, Hội nghị diễn ra sau Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào tháng 02/2019. Tại Hội nghị đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.330 tỷ đồng và trao bản ghi nhớ cho 19 nhà đầu tư đăng ký 27 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến 57.289 tỷ đồng./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư