Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/03/2019-16:56:00 PM
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
(MPI) – Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, ngay ngày đầu tiên của năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP tiếp nối các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kiên định các mục tiêu đề ra về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ về thực hiện Nghị quyết này (Quyết định số 135/QĐ-BKHĐT ngày 31/01/2019). Theo đó, Bộ tập trung thực hiện các mục tiêu cụ thể nhằm kiên định các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bám sát tiêu chí đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Thế giới (WB). Củng cố và duy trì các kết quả đạt được trong chương trình Khởi sự kinh doanh, Bảo vệ nhà đầu tư, phấn đấu nâng điểm và nâng hạng trên các chỉ tiêu này.

Đồng thời, nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh lên 20 - 25 bậc đến hết năm 2021 và ít nhất 5 bậc vào năm 2019. Nâng xếp hạng chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư lên 14 - 19 bậc đến hết năm 2021 và ít nhất 5 bậc vào năm 2019. Cùng với đó, tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết năm 2019, thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bên cạnh đó, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng và hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Chiến lược phát triển quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo dõi sát bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF

Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0. Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 07/3/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1424/BKHĐT-QLKTTW gửi các bộ, ngành địa phương về các tài liệu hướng dẫn liên quan gồm: (1) Tài liệu Tìm hiểu về chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của WB; (2) Tài liệu Tìm hiểu về chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của WEF; (3) Biểu mẫu hướng dẫn chuẩn bị các nội dung của báo cáo quý về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết.

Báo cáo Doing Business của WB là Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát về các quy định dẫn tới thúc đẩy hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh. Đây là báo cáo thường niên, được thực hiện hằng năm kể từ năm 2003. Báo cáo đưa ra bảng xếp hạng tổng hợp về môi trường kinh doanh dựa trên bộ chỉ số đánh giá về các quy định liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Để thực hiện bảng xếp hạng này, WB tập hợp thông tin về những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và những trở ngại về kỹ thuật trong việc bắt đầu thành lập hoặc mở rộng hoạt động của một doanh nghiệp.

Mục tiêu của Báo cáo nhằm cung cấp cơ sở khách quan cho việc tìm hiểu, cải thiện môi trường pháp lý và thực thi đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các chỉ số trong Doing Business thể hiện các nội dung: đo lường chất lượng các quy định; đánh giá được tính phức tạp thể hiện qua các quy định; đo lường thời gian và chi phí tuân thủ các quy định (thời gian và chi phí thực hiện hợp đồng, thủ tục phá sản hay thương mại qua biên giới,…); đo lường mức độ bảo vệ quyền sở hữu (ví dụ như bảo vệ nhà đầu tư); đo lường gánh nặng thuế và các khoản phải nộp của doanh nghiệp; đánh giá các khía cạnh khác nhau trong quy định về việc làm.

Về Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index - GCI), từ năm 2005, WEF sử dụng chỉ số này như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia, những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế các nước. Xếp hạng của WEF cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là các yếu tố cơ bản đối với tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chỉ số GCI được xây dựng dựa trên mô hình lý thuyết đơn giản nhưng vững chắc trong khi vẫn đảm bảo khả năng mở rộng nghiên cứu và giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được thực tế. Trước năm 2018, khung chỉ số GCI được thiết kế dựa trên cơ sở lý thuyết nhằm tạo ra một khung khổ chung nhưng vẫn phản ánh được điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Theo đó, khung chỉ số GCI có ba nền tảng, gồm: Các lợi thế tự nhiên, năng lực cạnh tranh vĩ mô và năng lực cạnh tranh vi mô.

Cách tiếp cận trong đánh giá GCI 4.0 được xác định dựa trên một tập hợp mới các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ số này đánh giá các yếu tố quyết định mức độ năng suất của một quốc gia - động lực quan trọng nhất để cải thiện mức sống trong dài hạn. Cách tiếp cận đo lường GCI 4.0 được phân thành 04 nhóm (Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, Thị trường, Nguồn nhân lực, Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo) theo 12 động lực (trụ cột) của năng suất, gồm: thể chế, thị trường hàng hóa, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động, ứng dụng CNTT, thị trường tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường, y tế, năng động trong kinh doanh, kỹ năng, năng lực đổi mới sáng tạo. Các trụ cột này phản ánh quy mô và mức độ phức tạp của các yếu tố động lực thúc đẩy tăng năng suất và năng lực cạnh tranh.

Theo kết quả xếp hạng của WEF, năm 2018 chỉ số GCI 4.0 của Việt Nam giảm 3 bậc (từ 74 xuống vị trí 77) nhưng điểm tuyệt đối cải thiện 0,2 điểm với 4/12 trụ cột tăng điểm. Đáng chú ý là 07/12 trụ cột giảm điểm. Điều này cho thấy, Việt Nam có cải thiện về năng lực cạnh tranh 4.0, nhưng chậm và thiếu bền vững. Theo thứ hạng và điểm số Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam và ASEAN cho thấy, Việt Nam đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh 4.0. Muốn tiến kịp các nước trong khu vực đòi hỏi phải đẩy nhanh quá trình phát triển theo xu thế 4.0. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như ứng dụng CNTT rộng rãi, trong đó có lĩnh vực hành chính công và nâng cao hiệu quả các thị trường. Cùng với đó, phải có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh thay vì tư duy tạo rào cản để quản lý.

Nhằm thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 19 được ban hành hằng năm bắt đầu từ năm 2014 và tiếp nối là Nghị quyết 02/NQ-CP nhằm mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng của WB, WEF, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Liên hợp quốc (UN) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… đã thích ứng với nền sản xuất mới trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Cùng với đó là giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1559
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)