Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/10/2012-16:34:00 PM
Hội thảo đánh giá kết quả khảo sát và trao đổi các giải pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam
(MPI Portal) – Nhằm từng bước cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ thông tin và giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam. Sáng ngày 01/10, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo đánh giá kết quả khảo sát và trao đổi các giải pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đào Quang Thu, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Phía Nhật Bản có ông Akito Shiraishi, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO). Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành của Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí.
Thứ trưởng Đào Quang Thu (thứ 2 từ phải sang) phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành khảo sát 500 doanh nghiệp củaNhật Bản về thực tiễn hoạt động và các vướng mắc, khó khăn các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cụ thể trong việc thực thi các quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, áp dụng các chính sách thuế, kế toán, các chính sách về lao động, tiền lương, xây dựng, đất đai…Kết quả khảo sát sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, cải thiện hệ thống chính sách, pháp luật cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan cùng giải quyết và tháo gỡ những khó khăn và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệpcủaNhật Bản tại Việt Nam.
Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện (JETRO) phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Đại diện Nhật Bản, ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện (JETRO) nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản ngày càng tốt đẹp trong những năm gần đây.
Số lượng doanh nghiệp củaNhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, trong đó không chỉ có các tập đoàn lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng mong muốn rằng Chính phủ Việt Nam có kế hoạch về thủ tục hành chính cũng như luật pháp, chính sách đưa ra cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã trình bày báo cáo kết quả khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp củaNhật Bản tại Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị. Theo báo cáo, các dự án đầu tư phân bổ trên 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó tập trung số lượng dự án và tổng vốn đầu tư lớn vào thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương. Trong số các nhà đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản đang là đối tác dẫn đầu cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư tiếp theo làHàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng trình bày báo cáo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Về lĩnh vực hoạt động, số lượng lớn dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, thông tin và truyền thông, nông lâm nghiệp, thủy sản, khoa học công nghệ.
Tình hình đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam tính đến ngày 20 tháng 9 năm 2012, Nhật Bản có 1.758 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 28,6 tỷ USD đứng thứ nhất trên 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng 9 thángđầu năm 2012, tổng số dự án đầu tư đăng ký của Nhật Bản tại Việt Nam là 203 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới là 3,7 tỷ USD. Bên cạnh đó có 82 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 955 triệu USD. Như vậy tính cả vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án đầu tư Nhật Bản là 4,67 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Tham luận của ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết những thay đổi trong chính sách thuế 2012, là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp củaNhật Bản cần quan tâm, gặp nhiều những vướng mắc trong việc áp dụng và tuân thủ các chính sách thuế của Việt Nam. Có 3 nội dung chính mà ông Nguyễn Văn Phụng trình bày là những nội dung mới trong các văn bản pháp luật về chính sách thuế từ năm 2012; các văn bản thuộc gói chính sách trợ giúp doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường 2012 và các dự án Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội 2012-2013. Tại Thông tư hướng dẫn số 05/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính có 4 nội dung mới nhằm tăng sự minh bạch, tạo thuận lợi trong thực thi, chống lợi dụng đó là nội dung mới về thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 2012, sửa lại những quy định về đối tượng không chịu thuế TTĐB cho rõ hơn, quy định về Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa có thuế bảo vệ môi trường, quy định rõ tiêu chí xác định mức thuế suất thấp, quy định rõ hơn việc khấu trừ/hoàn thuế TTĐB đã nộp với nguyên liệu nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước dùng cho sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB. Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 2012 được ghi rõ tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính số 06/2012/TT-BTC có hiệu lực từ 01/3/2012 quy định về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng không chịu thuế, quy định giá tính thuế, sửa đổi quy định về áp thuế suất 0% và quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Ngoài ra, còn có một số chính sách thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tài nguyên, thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp… ,năm 2012 thuế bảo vệ môi trường, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là vấn đề quan tâm cho các doanh nghiệp. Các dự Luật trình Quốc hội 2012-2013: Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế, thuế TNCN, thuế GTGT trình tháng 10/2012 và thuế TNDN trình tháng 5/2013.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp củaNhật Bản đã nêu lên những khó khăn về vấn đề cơ sở hạ tầng khi đầu tư tại Việt Nam, trong đó cần xây dựng nhiều nhà máy phát điện kết hợp cả nguồn vốn nhà nước và tư nhân, ngoài dự án BOT cũng cần phải xúc tiến phát triển dự án IPP. Các doanh nghiệp củaNhật Bản cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ ngành liên quan kiến nghị với Chính phủ Việt Nam có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, phục vụ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, có chính sách quan tâm hơn nữa đến cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phát triển sản xuất.
Liên quan đến vấn đề lao động, các doanh nghiệp củaNhật Bản đề nghị các cơ quan của Việt Nam cần có các chương trình đào tạo thực hành theo yêu cầu của các nhóm ngành. Ngoài ra, các chương trình đào tạo cũng cần bổ sung phần nội dung nâng cao kiến thức của người lao động về văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản để giúp người lao động dễ hòa đồng hơn trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1545
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)