(MPI) – Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, ngày 04/4/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện một số bộ, ngành, đại diện các Hiệp hội, nhà tư vấn, Văn phòng luật sư và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Qua bốn năm thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đã đạt được những kết quả cụ thể, bảo đảm quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề luật không cấm theo quy định của Hiến pháp, đồng thời tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Trong giai đoạn 2016-2018, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới so với cùng kỳ tăng trên 30%. Đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước cũng có những chuyển biến đáng kể. Đặc biệt là về đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn 2016-2018 và quý I/2019 số lượng dự án đăng ký mới và số lượng dự án đăng ký mở rộng rất lớn.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi một số điều của hai Luật này, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, trong quá trình thực thi đã xuất hiện những vấn đề mới như sự xung đột của hai Luật này với một số luật khác. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư, doanh nghiệp. Do vậy, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, các nước đang có sự cạnh tranh rất gay gắt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều chính sách mạnh mẽ.
Trình bày một số nội dung tham vấn ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn cho biết, đối với Luật đầu tư còn có một số vấn đề cần tham vấn liên quan đến các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh và các khái niệm; ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; thủ tục, điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; ưu đãi đầu tư;...
Từ góc độ của đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn FLC đều cho rằng, hai Luật này có những điểm mới trong thực hiện đầu tư, kinh doanh, đồng thời trao đổi các vấn đề gặp phải trong quá trình thực thi pháp luật đầu tư, doanh nghiệp cũng như một số vấn đề liên quan tại Dự thảo Luật. Qua đó nhằm mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động, đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả.
|
Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Theo Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, việc sửa đổi một số điều của Luật doanh nghiệp lần này kỳ vọng tạo ra bước thay đổi lớn trong gia nhập thị trường. Điều này không chỉ liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp mà còn cả các thủ tục liên quan đến thuế, lao động, mở tài khoản... Theo đó, việc sửa đổi lần này cần tạo khung khổ pháp lý để có sự phối hợp một cửa, tạo quy trình đăng ký thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, cần thống nhất Hệ thống đăng ký doanh nghiệp hiện đang được quy định tản mát tại các luật chuyên ngành. Về hộ kinh doanh, hiện khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh còn sơ sài trong khi họ chiếm 30% đóng góp GDP, tạo việc làm và an sinh xã hội rất lớn. Do vậy, cần tạo khung khổ pháp lý tốt để hộ kinh doanh có động lực phát triển bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với Luật đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, về điều kiện đầu tư, kinh doanh, trong thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp rất tích cực nhưng chưa thực sự bền vững. Do vậy, việc sửa đổi một số điều của Luật đầu tư lần này cần đưa ra những chính sách về cải cách các điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh bền vững hơn, quy định rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn đầu tư kinh doanh. Theo đó, cần có quy định riêng về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, có đánh giá tác động kinh tế, cơ quan giám sát độc lập,... Cùng với đó, cần rà soát, cắt giảm, đồng bộ hóa ngành nghề kinh doanh hiện có, xử lý chồng chéo giữa Luật đầu tư và luật chuyên ngành nhằm tạo động lực lớn trong phát triển.
Hội thảo cũng nhận được các ý kiến chia sẻ, góp ý thẳng thắn từ đại diện một số văn phòng Luật sư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam,... Đa số quan điểm cho rằng, việc sửa đổi một số điều của hai Luật này là cần thiết, Qua đó, nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thành lập, tổ chức quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư, góp phần cải thiện, nâng cao sức cạnh của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao các ý kiến trao đổi, góp ý thẳng thắn của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của các chuyên gia, các tập đoàn, doanh nghiệp đang thực hiện các dự án đầu tư và gặp phải những vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu một cách tối đa nhất các ý kiến góp ý và báo cáo cấp có thẩm quyền nhằm sửa đổi một cách căn bản hai Luật này để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu nội tại cũng như xu hướng mới trên thế giới.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Ngày 05/4/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức Hội thảo để hoàn thiện dự thảo Luật.. Theo dự kiến, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp được diễn ra vào tháng 10/2019. Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay, cắt giảm, bãi bỏ các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, huy động hiệu quả các nguồn lực và tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi tại Việt Nam./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư