(MPI) - Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nối các nhiệm vụ đã được triển khai trong năm 2018, quý I/2019, các nhiệm vụ này tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai hoặc hoàn thành.
Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành và địa phương. Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.
Trong quý I/2019, các bộ, ngành đã tích cực hoàn thành và trình Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo, như: Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.
Công tác cải cách hành chính thuộc các lĩnh vực trọng tâm như thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, đăng ký doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, môi trường tiếp tục được củng cố, cải thiện nhằm góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh.
Về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sau hơn một năm triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), một số địa phương đã chủ động xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình hỗ trợ DNNVV. Tính đến ngày 25/3/2019, có 39 địa phương xây dựng kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Một số tỉnh, thành phố đã chủ động và sáng tạo ban hành các chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn (Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn về phí công bố thông tin doanh nghiệp lần đầu, phí làm dấu; thực hiện tư vấn miễn phí một năm về thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp. Tỉnh Long An thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp các thủ tục hành chính thuế khi mới thành lập và doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng và thành lập 16 điểm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin và hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thuế).
Hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp ở các địa phương ngày càng trở nên phổ biến, góp phần từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các cuộc thi, sự kiện về khởi nghiệp (Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu,...). Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương, các chương trình, dự án của nước ngoài, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã tổ chức hàng trăm hội thảo, hội nghị, cuộc thi, chương trình dành cho khởi nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.
Về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ngay từ cuối tháng 12/2018 và đầu năm 2019, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg vẫn còn tồn tại những bất cập như: chất lượng một số dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Việc kết nối cung cấp các dịch vụ công trực tuyến theo cơ chế một cửa quốc gia ở một số bộ, ngành đã hoàn thành đi vào vận hành theo kế hoạch nhưng trong quá trình vận hành đôi khi còn gặp sự cố không mong muốn, cần tiếp tục khắc phục để hệ thống vận hành tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống thông tin điện tử để tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp đã triển khai xây dựng nhằm tiếp nhận và giải quyết kịp thời một số câu hỏi có tính chất liên ngành nhưng còn một số vướng mắc, chưa kịp thời theo đúng quy định.
Công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong một số lĩnh vực còn chậm và chưa giải quyết được thỏa đáng kiến nghị của doanh nghiệp. Công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng giảm số lượng thủ tục hành chính, nhất là hoạt động kiểm tra chuyên ngành một số lĩnh vực còn chậm do liên quan nhiều bộ, ngành và cơ quan khác nhau.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các DNNVV trên thực tế còn chậm. Chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn. Các chế độ kế toán, phương pháp tính thuế áp dụng cho mô hình doanh nghiệp chưa đơn giản và thuận lợi như mô hình hộ kinh doanh do đó chưa tạo được động lực thiết thực để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi. Các doanh nghiệp phản ánh hiện nay các doanh nghiệp siêu nhỏ chưa được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật hỗ trợ DNNVV.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ đã làm giảm sức hút đầu tư của doanh nghiệp về nông thôn. Chất lượng lao động và năng suất lao động nông thôn còn rất thấp là một trở ngại cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp. Cùng với đó là sự chồng chéo và tần suất thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang tạo gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp…
Nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động và tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg, tuy nhiên theo phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Việc xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp khó khăn. Mặc dù hầu hết các bộ đã rất nghiêm túc và khẩn trương thực hiện nhiệm vụ về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hình thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định, tuy nhiên mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau trong cùng một bộ./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư