1. Sản xuất nông nghiệp
a. Trồng trọt
Tháng 01 năm 2019, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung cho việc thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông, đồng thời cày bừa, làm đất, bơm giữ nước chuẩn bị gieo cấy lúa xuân, cày ải, phơi đất chuẩn bị giống, vật tư phân bón để trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày của vụ xuân năm 2019.
Sản xuất vụ đông: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông năm nay toàn tỉnh đạt 38.798,5 ha, tăng 4,37% (+1.624 ha) so với cùng kỳ năm trước.Vụ Đông được sản xuất trong điều kiện thời tiết thuận lợi, ít mưa to và không rét nên năng suất, sản lượng một số cây trồng chính đạt khá. Cụ thể như sau:
Cây ngô: Diện tích gieo trồng đạt 18.342,9 ha, bằng 98,56% (-268 ha) so với vụ đông năm trước; năng suất ngô đông ước tính đạt 45,58 tạ/ha, tăng 2,39 tạ/ha. Mặc dù diện tích giảm nhưng năng suất tăng mạnh nên sản lượng ước đạt 83.608,4 tấn, tăng 4,01% (+3.227 tấn). Công ty TH giảm nhu cầu thu mua ngô thức ăn gia súc, nên một số địa phương đã chuyển sang trồng ngô hạt như huyện Diễn Châu 200 ha, Nghĩa Đàn 350 ha,…
Khoai lang: Diện tích gieo trồng đạt 1.786,4 ha, bằng 96,04% (-74 ha) so với cùng vụ năm ngoái. Diện tích khoai lang giảm do không mang lại giá trị kinh tế cao, chủ yếu là phục vụ cho chăn nuôi nhưng bà con nông dân chủ động chuyển sang trồng rau màu hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các loại giống đem vào trồng vẫn là các giống mới vừa tăng năng suất, vừa tăng chất lượng như K4, Nhật đỏ, Nhật vàng… nên năng suất ước tính đạt 66,48 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11.875,8 tấn, tăng 3,45% (+396 tấn) so với vụ đông năm ngoái.
Lạc: Diện tích lạc vụ đông gieo trỉa đạt 1.350,3 ha, tăng 6,59% (+83,5 ha) so với vụ Đông năm 2018. Lạc vụ đông năm nay chủ yếu được trồng trên diện tích đất không gieo trồng vụ thu mùa, phần lớn được sử dụng giống lạc L14, L23, L26, TB25, năng suất ước tính đạt 22,06 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.979 tấn, tăng 17,4% (+442 tấn) so với vụ đông năm ngoái.
Cây rau đậu hoa cây cảnh: Diện tích gieo trồng đạt 13.069,5 ha, tăng 8,52% (+1.026 ha), trong đó rau các loại 12.539,6 ha, tăng 5,94% (+703,5 ha) so với vụ đông năm 2018, bà con nông dân tập trung gieo trồng phần lớn là các loại rau theo nhu cầu thị trường, chú trọng các loại rau cao cấp để tăng hiệu quả kinh tế mở rộng diện tích rau an toàn, xây dựng thương hiệu các vùng rau an toàn . Ước tính năng suất đạt 141,45 tạ/ha; sản lượng ước đạt 177.370 tấn, tăng 6,5% (+10.831 tấn).
Cây hàng năm khác: diện tích đạt 3.824 ha, tăng 29,92% (+881 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích cây cỏ voi làm thức ăn gia súc 2.042,8 ha, tăng 29,1% (+460 ha), diện tích cây hàng năm khác đạt 1.781,4 ha tăng 30,88% (+420 ha) do một số vùng chuyển đổi từ đất trồng sắn sang trồng cây cỏ voi và diện tích một số cây hàng năm khác tăng trồng trên diện tích lâm nghiệp phân tán.
Sản xuất vụ xuân: Thời tiết thuận lợi cho sản xuất vụ Xuân khi nhiệt độ đang ở mức (150 -220), thời tiết ấm, ít mưa. Tuy nhiên, với tư tưởng chủ quan dựa vào kinh nghiệm tập quán của người dân làm ảnh hưởng đến việc đưa các tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh vào sản xuất, tư tưởng tự cung tự cấp ở một số vùng còn gây khó khăn trong việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đứng ở mức cao ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất của bà con nông dân ở vụ xuân. Được sự chỉ đạo sát sao đến nay toàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch gieo trồng trên 90.000 ha lúa vụ Xuân (lúa lai 42.000 ha, lúa thuần 48.000 ha, trong đó lúa chất lượng cao 30.000 ha), cây ngô 17.000 ha (ngô lấy hạt 14.000 ha, ngô thức ăn gia súc 3.000 ha), rau đậu 11.800 ha, lạc 12.000 ha, sắn 7.300 ha, mía 25.000 ha,...
b. Chăn nuôi
Trong tháng có lúc nhiệt độ xuống thấp, các địa phương chủ động phòng tránh rét cho đàn gia súc, gia cầm, như làm chuồng trại đủ ấm, đốt lửa, tích trữ đảm bảo các nguồn thức ăn khô cho trâu, bò…Tình hình dịch bệnh trong tỉnh diễn biến phức tạp, nguy cơ phát sinh lây lan cao. Các địa phương đang chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh như H5N1, H5N6, H7N9, giám sát chặt chẽ địa bàn để phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm.
Tổng đàn trâu, bò tháng 01/2019 ước đạt 752,8 nghìn con, tăng 1,93% (+14.275 con) so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn trâu ước đạt 272.340 con, bằng 99,12% (-2.420 con); đàn bò ước đạt 480.455 con, tăng 3,6% (+ 16.695 con); Tổng đàn lợn ước đạt 940.320 con, tăng 3,62% (+32.844 con); Tổng đàn gia cầm ước đạt 25.493 nghìn con, tăng 6,35% (+1.522 ngìn con), trong đó đàn gà 21.277 nghìn con, tăng 8,48% (+1.663 nghìn con).
So với cùng kỳ năm trước tổng đàn trâu giảm do chương trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng mở rộng thay cho sức kéo của đàn trâu; tổng đàn bò tăng (thịt bò trở thành thực phẩm ưa chuộng trong đời sống của người dân, hiệu quả kinh tế cao); Tổng đàn lợn tăng do giá thịt lợn hơi tăng lên và đứng ở mức cao (46-50 nghìn đồng/kg), người chăn nuôi có lãi nên đầu tư mở rộng đàn; tổng đàn gia cầm tăng (do nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm ngày càng cao, điều kiện chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình), các hộ gia đình đang cố gắng ổn định và phát triển đàn để phục vụ kịp thời cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tuy nhiên, bò sữa trên địa bàn giảm do Công ty TH Nghĩa Đàn chuyển một số lượng bò sữa về trang trại chăn nuôi của TH Lâm Đồng.
2. Sản xuất lâm nghiệp
Kế hoạch năm 2019, bảo vệ rừng 951.400 ha, khoanh nuôi rừng 76.000 ha, chăm sóc rừng trồng 46.740 ha, trồng mới rừng tập trung 17.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng 57,72%.
Tháng 01 năm 2019, ngành Lâm nghiệp chủ yếu chăm sóc diện tích rừng hiện có, tiến hành triển khai công tác thiết kế, thẩm định phê duyệt hồ sơ, chuẩn bị đất, cây giống để phục vụ cho việc trồng rừng vụ xuân 2019 (tháng 01 trồng rừng tập trung ước đạt 250 ha). Công tác bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường, nhất là chặt phá rừng, khai thác rừng tự nhiên, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái phép,…
Sản lượng gỗ khai thác tháng 01/2019 ước đạt 14.236m3 và chủ yếu từ rừng sản xuất đã đến kỳ khai thác thu hoạch, tăng 1,56% (+ 219 m3); củi 107,4 nghìn ste, bằng 101,41% so với cùng kỳ năm trước; một số lâm sản khác như lá dong, măng tươi, mộc nhĩ, giang đều tăng hơn cùng kỳ năm trước do người dân khai thác để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới.
Trong tháng đã phát hiện và bắt giữ 85 vụ vi phạm lâm luật, trong đó phá rừng 6 vụ, khai thác gỗ và lâm sản 7 vụ, vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã 3 vụ, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 41 vụ. Đã tịch thu 142,78 m3 gỗ các loại (gỗ quý hiếm 9,91 m3), 10 con động vật hoang dã 65 kg. Thu nộp ngân sách 295 triệu đồng.
3. Sản xuất thủy sản
Tháng 1, hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ yếu tập trung chăm sóc cá trong ao hồ phục vụ Tết Kỷ Hợi, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, giống, thức ăn để triển khai kế hoạch nuôi trồng năm 2019. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (không sử dụng bể, bồn) ước đạt 12.716 ha, chủ yếu là diện tích nuôi cá ao, hồ đập thủy lợi. Sản lượng thủy hải sản khai thác và nuôi trồng trong tháng ước đạt 13.005 tấn, tăng 9,11% (+1.086 tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.865 tấn, tăng 5,49% (+201 tấn); sản lượng thủy sản khai thác 9.140 tấn, tăng 10,72% (+885 tấn). Nghề đánh bắt thủy sản đang dần trở thành thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bà con nâng cao ý thức về luật khai thác và bảo vệ nguồn loại thủy sản nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
4. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2019 tăng 9,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,54%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,55% (trong đó ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 19,34%, ngành chế biến sữa và các sản phẩm từ sử tăng 37,57%, ngành sản xuất đồ uống tăng 16,25% do phục vụ Tết Nguyên đán); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,55% do các nhà máy thủy điện Chi Khê, Nhạn Hạc đưa vào sử dụng từ cuối năm 2018; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,05% do các hoạt động của các nhà máy sản xuất nước máy, dịch vụ làm sạch bể phốt và dịch vụ thu gom rác thải đều tăng khá.
Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: sữa tươi ước đạt 19,36 triệu lít, tăng 44,4%; thức ăn gia súc 3.600 tấn, tăng 15,94%; bia chai 4.348 nghìn lít, tăng 103%; quần áo không dệt kim 532,7 nghìn cái, tăng 28,05%; sản phẩm in 502,6 triệu trang, tăng 52,86%; ống nhựa tiền phong 1.500 tấn, tăng 20%; xi măng 420 nghìn tấn, tăng 61,63%; cửa ra vào bằng sắt thép 18.269 m2, tăng 66,66%; điện sản xuất 166 triệu kwh, tăng 12,23%;… Bên cạnh những sản phẩm tăng cao có một số sản phẩm do thị trường tiêu thụ khó khăn, bị động về nguồn nguyên liệu đầu vào nên sản lượng sản xuất ra giảm so với cùng kỳ: đá phiến giảm 3,51%; sợi giảm 22,2%; áo dệt kim giảm 9,85%; vỏ bào gỗ dăm giảm 31,73%; thùng carton giảm 13,54%; phân NPK giảm 56,16%; bê tông tươi giảm 44,12%; tôn hoa sen giảm 15,21%;...
5. Đầu tư và xây dựng
Năm 2019, lĩnh vực đầu tư xây dựng dự báo có khởi sắc hơn, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và địa phương về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5599/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2019, theo đó nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2019 là 5.499,5 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.297,1 tỷ đồng; ngân sách huyện 1.935,8 tỷ đồng, ngân sách xã 1.266,5 tỷ đồng).
Tháng 1, đây là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nên công tác thi công các công trình trọng điểm đang được gấp rút hoàn thành, các công trình, dự án cấp huyện, cấp xã đang được hoàn thiện và trong quá trình nghiệm thu. Dự ước, tháng 01/2019 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 493,1 tỷ đồng, bằng 8,97% kế hoạch năm và tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thực hiện vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 206,8 tỷ đồng, giảm 3,48%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 172,6 tỷ đồng, giảm 0,75% và cấp xã ước đạt 113,7 tỷ đồng, tăng 12,13%.
Một số công trình có vốn đầu tư lớn thực hiện trong tháng như đường giao thông 533 nối đường Hồ Chí Minh; Mở rộng đường giao thông Lê Xuân Đào, Hưng Nguyên; Kênh thoát nước thị xã Cửa Lò; Đường đô thị Phủ Diễn, Diễn Châu; Công viên Thanh thiếu niên thuộc Quần thể lưu niệm Cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong; UBND phường Hưng Bình; Trường THCS phường Quán Bàu; Đường từ Trung tâm huyện Thanh Chương đi Khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ; Hệ thống tiêu thoát lũ Sông Bàu Chèn – Trung Long, Yên Thành; Trường tiểu học Trung Thành, Yên Thành; Trường THCS Hoa Sơn, Anh Sơn; Chợ đêm Phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò; Trường tiểu học Lê Mao, thành phố Vinh; Trường tiểu học Nam Lộc, Nam Đàn;…
6. Thu chi ngân sách:
Dự toán năm 2019 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh là 13.498 tỷ đồng bằng 55,49% dự toán tổng chi, trong đó dự toán thu nội địa 11.798 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 1.700 tỷ đồng. Tháng 01/2019 tổng thu ngân sách ước đạt 1.180 tỷ đồng, bằng 8,74% dự toán cả năm và tăng 10,16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt 1.064 tỷ đồng, bằng 9,02 % dự toán và giảm 0,67 %. Một số khoản thu tăng so với cùng kỳ năm trước như: thu từ khu vực CTN-DV ngoài quốc doanh 427 tỷ đồng, bằng 9,51% dự toán và tăng 7,88%; thu thuế bảo vệ môi trường 90 tỷ đồng, bằng 5,59% dự toán và tăng 18,17%; thu phí và lệ phí 41 tỷ đồng, bằng 16,08% dự toán và tăng 15,76 %; thu tiền sử dụng đất 200 tỷ đồng, bằng 8,47% dự toán và tăng 133,23%;...
Tổng chi ngân sách tháng 01/2019, ước đạt 1.426,2 tỷ đồng, bằng 5,86% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 150 tỷ đồng, bằng 2,89 % dự toán; chi thường xuyên 1.276,2 tỷ đồng, bằng 6,81% dự toán. Chi thường xuyên chủ yếu tập trung chi lương và các khoản có tính chất lương, đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các sự nghiệp như: Chi sự nghiệp kinh tế 140 tỷ đồng, bằng 7,47% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 560 tỷ đồng, bằng 6,96% dự toán; chi sự nghiệp y tế 110 tỷ đồng, bằng 5,21% dự toán; chi đảm bảo xã hội 160 tỷ đồng, bằng 13,81% dự toán và chi quản lý hành chính 220 tỷ đồng, bằng 6,45 % dự toán;…
7. Thương mại, giá cả
Tháng 1, hoạt động thương mại đã bắt đầu nhộn nhịp, không khí mua sắm trước những ngày Tết tăng cao, nguồn hàng dồi dào và đây cũng là tháng các hãng, đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu nên hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Để bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, ngay từ đầu tháng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm đã được các doanh nghiệp dữ trữ và tham gia đăng ký cam kết bình ổn giá nên không có hiện tượng khan hiếm hàng, giá cả ổn định; ảnh hưởng của thời tiết giá rét mùa đông nên nhu cầu về quần áo ấm, máy sưởi, máy sấy tăng cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01/2019 theo giá hiện hành ước đạt 5.379 tỷ đồng, tăng 8,69% so với tháng trước và tăng 21,08% so với cùng tháng năm trước. Nguyên nhân tháng này tổng mức bán lẻ tăng cao do Tết Nguyên đán Kỷ Hợi diễn ra vào đầu tháng 2 nên những hoạt động mua sắm chủ yếu diễn ra trong tháng này (Tết Mậu Tuất năm ngoái rơi vào trung tuần tháng 2). Chia theo nhóm hàng bán lẻ thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu trong tháng ước đạt 1.757 tỷ đồng (chiếm 32,66% tổng số), tăng 23,82% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng may mặc 369,6 tỷ đồng, tăng 25,67%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 710,4 tỷ đồng, tăng 23,73 %; ô tô các loại 820 tỷ đồng, tăng 17,12%; phương tiện đi lại (trừ ô tô..) 371,53 tỷ đồng, tăng 14,33%; xăng dầu 419,1 tỷ đồng, tăng 14,65%...
Trong tháng, hoạt động dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành tăng vì nhu cầu du lịch vui chơi giải trí trong dịp Tết dương lịch tăng và đây cũng là tháng hội họp, tổng kết, giao lưu tất niên nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, nghỉ dưỡng tăng cao. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 01/2019 ước đạt 679,8 tỷ đồng, tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 13,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ lưu trú phục vụ 443,45 nghìn lượt khách, tăng 12,22 % so với cùng kỳ năm trước (323,4 nghìn lượt khách ngủ qua đêm, trong đó có 9,5 nghìn lượt khách quốc tế) với doanh thu 100,72 tỷ đồng, tăng 13,39%; dịch vụ ăn uống 566 tỷ đồng, tăng 12,97%; dịch vu du lịch lữ hành 13,08 tỷ đồng, tăng 16,37%.
Hoạt động dịch khác trong tháng tăng do đây là tháng các hoạt động về cưới hỏi, nhu cầu về làm đẹp, cắt tóc, gội đầu tăng. Dự ước doanh thu hoạt động dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) 518,4 tỷ đồng, tăng 3,22% so với tháng trước và tăng 12,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh doanh bất động sản 198,3 tỷ đồng, tăng 10,43% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ hành chính 87,7 tỷ đồng, tăng 7,15%; dịch vụ y tế 81,3 tỷ đồng, tăng 17,72%; dịch vụ khác 53,2 tỷ đồng tăng 13,62%…
Chỉ số giá tiêu dùng: là tháng giáp Tết nhưng dưới sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng cộng với lượng hàng hóa dồi dào nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2019 giảm 0,05% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 3 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm giao thông giảm 1,69% do trong kỳ có 1 đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu (xăng A95 giảm 5,47%, xăng E5 giảm 6,03%, dầu diezen giảm 9,16%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,11% do giá dầu hỏa giảm 7,52%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%. Có 6 nhóm tăng giá và tăng mạnh nhất nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,78% do nhu cầu mua sắm cho dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi tăng; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,71% do các mặt hàng phục vụ Tết như rượu, bia, nước giải khát tăng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21% (lương thực tăng 0,26%, thực phẩm tăng 0,25%). Có 2 nhóm đứng giá là nhóm bưu chính, viễn thông và nhóm giáo dục.
So với cùng kỳ năm trước chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,10%, tăng mạnh nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 5,15%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% (lương thực tăng 2,01%, thực phẩm tăng 5,29%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,97%; các nhóm khác có mức tăng thấp hơn và có 01 nhóm đứng giá và 2 nhóm giảm giá là nhóm giao thông và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD.
Chỉ số giá vàng so với tháng trước tăng 2,54%, so với tháng 01/2018 tăng 1,28%; chỉ số đô la Mỹ giảm 0,52% so với tháng trước, so với tháng 01/2018 tăng 2,37%.
8. Vận tải
Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 01/2019 ước đạt 7.675,3 nghìn tấn, tăng 16,98 % so với tháng 12/2018 và tăng 11,95 % so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 323 triệu tấn.km, tăng 25,12% so với tháng 12/2018 và tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển tăng khá do Tết Nguyên đán Kỷ Hợi rơi vào đầu tháng hai (Tết Mậu Tuất rơi vào giữa tháng hai), nên tháng này các doanh nghiệp đã tăng cường phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết.
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 01/2019 ước đạt 7.877,8 nghìn lượt khách tăng 17,34% so với tháng 12/2018 và tăng 15,52% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng luân chuyển ước đạt 640,9 triệu lượt khách.km tăng 17,65% so với tháng 12/2018 và tăng 15,99% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hành khách tăng cao do trong tháng nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên và người dân tăng cao, đầu tháng học sinh, sinh viên quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết dương lịch và cuối tháng học sinh, sinh viên, người lao động xa quê trở về nhà để Nghỉ Tết nguyên đán Kỷ Hợi.
Doanh thu vận tải, bốc xếp tháng 01 năm 2019 ước đạt 941,36 tỷ đồng, tăng 18,24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa 608,29 tỷ đồng, tăng 13,82% ; doanh thu vận tải hành khách 192,36 tỷ đồng, tăng 21,3% và doanh thu bốc xếp, dịch vụ vận tải 140,7 tỷ đồng, tăng 36,47%.
9. Một số vấn đề xã hội
a. Dịch bệnh, HIV/AIDS
Trong kỳ từ ngày 10/12/2018 đến 10/01/2019 trên địa bàn toàn tỉnh đã xẩy ra 988 ca tiêu chảy tập trung nhiều các huyện: Thành phố Vinh 182 ca, Quế Phong 102 ca, Kỳ Sơn 140 ca, Tương Dương 119 ca, Diễn Châu 113 ca,... sốt rét xảy ra 8 ca. So với cùng kỳ năm trước số ca tiêu chảy tăng 17,06% (+144 ca); sốt rét tăng 5 ca. Nguyên nhân chính gây ra các vụ tiêu chảy là do thời tiết, uống bia rượu nhiều, ăn các thức ăn chế biến có ướp hoá chất, ôi thiu; rau hoa quả phun thuốc sâu và thuốc kích thích.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Đến ngày 31/12/2018 số người bị nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 11.998 người, trong đó có 9.759 người trong tỉnh. Căn bệnh HIV đã xảy ra ở 449/480 xã/phường/thị trấn của 21 huyện/thành phố/thị xã. Trong tổng số người nhiễm HIV đã có 7.024 người chuyển sang bệnh AIDS và đã tử vong 4.231 người.
b. Trật tự an toàn xã hội
Tháng 01, tình hình trật tự và an toàn xã hội diễn biến phức tạp, nạn buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng kém chất lượng gia tăng. Tính từ 10/12/2018 đến 10/01/2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 149 vụ, bắt giữ 189 đối tượng phạm pháp kinh tế chủ yếu là buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu thu giữ 748 kg pháo nổ như pháo cối, pháo hoa, pháo ông sư; 185 kg OMO giả và nhiều hàng hóa khác. So với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 20,16% (+25 vụ) số đối tượng tăng 17,39% (+28 đối tượng).
Phạm pháp hình sự xảy ra 114 vụ với 171 đối tượng chủ yếu là trộm cắp, cướp giật tài sản công dân, làm giấy tờ, bằng cấp giả, tín dụng đen thu giữ 1xe máy, 34 cây vàng, nhiều bằng cấp giả và nhiều tài sản khác. So với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 7,55% (+8 vụ), số đối tượng tăng 6,88% (+11 đối tượng).
Trong tháng đã bắt giữ 97 vụ 108 đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý, thu giữ 10 bánh hêroin, 2 kg ma túy đá,141 viên hồng phiến, 1.780 viên ma túy tổng hợp, 01 xe máy, 1 khẩu súng kíp. Trong đó: Thành phố Vinh 21 vụ 24 đối tượng; Tương Dương 17 vụ 18 đối tượng ; Quế phong 12 vụ 15 đối tượng và một số huyện khác ….So với cùng kỳ năm trước tăng 55 vụ, tăng 56 đối tượng.
Trong tháng, phát hiện 44 vụ 50 đối tượng sử dụng ma túy. Trong đó: thành phố Vinh 12 vụ 12 đối tượng; thị xã Cửa Lò 12 vụ 14 đối tượng và một số huyện khác. So với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ, tăng 9 đối tượng; hoạt động mại dâm phát hiện 3 vụ 3 đối tượng.
Trong kỳ xẩy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người, bị thương 18 người, ước giá trị thiệt hại 632 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 5 vụ, số người chết giảm 2 người, số người bị thương giảm 8 người; phát hiện 3 vụ đánh bạc và lô đề thu giữ 148 triệu đồng và một số vật dụng khác.
Ngoài ra trong tháng xảy ra 5 vụ cháy, thiệt hại 440 triệu đồng; 24 vụ vi phạm môi trường, chủ yếu là buôn bán, vận chuyển thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành chức năng đã xử phạt 22 triệu đồng./.
Website Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An