Ngày 24/4 đã diễn ra phiên họp “Doanh nghiệp tư nhân và tinh thần kinh doanh” trong khuôn khổ các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) II tại thủ đô Jakarta từ ngày 23-26/4.
|
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Đình Ánh/Vietnam+) |
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 24/4 đã diễn ra phiên họp “Doanh nghiệp tư nhân và tinh thần kinh doanh” trong khuôn khổ các cuộc họp của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) II tại thủ đô Jakarta từ ngày 23-26/4.
Tham dự các cuộc họp có 150 lãnh đạo doanh nghiệp từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đây là sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu nhằm thảo luận các vấn đề hợp tác trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; đồng thời thảo luận về các khuyến nghị của ABAC dự kiến được đệ trình lên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC vào cuối năm nay. Indonesia đã đề xuất chương trình nghị sự chính của ABAC với chủ đề “Khuyến khích nền kinh tế hội nhập ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch của ABAC Indonesia, Anindya N Bakrie cho rằng, diễn đàn này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Indonesia và các nước tham gia dưới nhiều hình thức hợp tác, cả thương mại và đầu tư. Ông khẳng định Indonesia có cơ hội lớn để phát triển bằng cách tận dụng vai trò của nền kinh tế kỹ thuật sốnhằm khuyến khích tăng năng suất và cải thiện cuộc sống của mọi người dân.
Trả lời phóng viên TTXVN bên lề phiên họp Doanh nghiệp tư nhân và tinh thần kinh doanh, ông Wayne Golding Obe, Chủ tịch ABAC của Papua New Guinea, cho biết cần cải thiện quan điểm về khu vực kinh tế tư nhân và đưa vào chính sách phát triển doanh nghiệp của quốc gia. Đó là cách tốt để chắc chắn rằng các công ty tư nhân có tiếng nói đối với chính phủ của mình. Ông Golding Obe nhấn mạnh nếu không có công ty tư nhân thì không thể có nền kinh tế toàn điện, do vậy các nước sẽ cùng nhau chia sẻ kiến thức, nhận thức để tạo ra các cơ hội hợp tác kinh tế trực tiếp giữa các doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Rohana Tan Sri Mahmood, Chủ tịch ABAC của Malaysia, chia sẻ quan điểm rằng thách thức của nền kinh tế kỹ thuật số là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, và đây là khó khăn mà các nước như Việt Nam, Malaysia đều gặp phải. Điều này sẽ chỉ được giải quyết thông qua các chính sách hiệu quả với sự tham gia của khu vực tư nhân. Diễn đàn này đưa ra những quan điểm tầm nhìn kinh doanh để tư vấn cho các nhà lãnh đạo về phương hướng phát triển của đất nước. Bà Sri Mahmood cho biết các nước như Việt Nam, Malaysia có thể thu lợi từ việc hợp tác với nhau và với nước khác. Các nước có thể trao đổi các giá trị toàn cầu, trao đổi lao động có tay nghề, đặc biệt là công nhân trong các ngành công nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia.
APEC là một hình thức hợp tác khu vực quan trọng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng thịnh vượng các nền kinh tế thành viên một cách bền vững thông qua khuyến khích đầu tư và thương mại mở và tự do, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh tích cực và toàn diện.
ABAC được các nhà lãnh đạo APEC thành lập vào năm 1995 và nhóm họp 4 lần mỗi năm để bàn thảo và đưa ra các khuyến nghị cho lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. ABAC đang theo đuổi một chương trình làm việc với chủ đề thúc đẩy hợp tác và tăng trưởng trong khu vực kỹ thuật số để đáp ứng thách thức duy trì sức sống kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đảm bảo mang lại lợi ích cho tất cả các nước. Có hai ưu tiên được đặt ra là chính sách thương mại thúc đẩy tăng trưởng trong kỷ nguyên số và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực./.