(MPI) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ngày 02/5/2019 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” dưới sự đồng chủ trì của Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các hiệp hội, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghệ số.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, phát triển ngành công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thịnh vượng. Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu khách quan đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Kinh tế số phát triển cùng với các hiện tượng mới nổi như công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp chính xác. Các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin - truyền thông.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, Việt Nam đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh liên quan về khung pháp lý, an toàn, an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng cao, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Chính phủ điện tử. Mặt khác, kinh tế số gắn liền với tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính, ngân hàng, …) mà công nghệ số được áp dụng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, tạo ra nền tảng cho sự phát triển nhảy vọt của xã hội loài người, thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp,…
Nhận thức tầm quan trọng của Kinh tế số nói riêng và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, Chính phủ Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và xây dựng các chính sách để Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác các lợi ích tiềm năng này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số. Các chính sách này sẽ hướng tới xây dựng các yếu tố nền tảng cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, nâng cao năng suất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, các chính sách tạo dựng nền tảng cho kinh tế số và tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm xây dựng nền tảng thể chế, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng các cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực. Đối với vấn đề xây dựng nền tảng thể chế, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng các khung thể chế thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới có tiềm năng, cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số. Hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư nguồn lực cho thi hành pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đối với vấn đề phát triển hạ tầng kết nối, khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G và đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao quốc gia và tăng băng thông internet quốc tế; xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, ví dụ dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Tăng cường hạ tầng internet ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa bằng ngân sách, quỹ dịch vụ, quỹ viễn thông công ích và các hình thức tham gia đầu tư khác từ các thành phần xã hội.
Đối với xây dựng các cơ sở dữ liệu, cần tập trung đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau, đổi mới cách làm để nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đã quy định tại Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 và các cơ sở dữ liệu cần thiết khác. Đồng thời, xây dựng chính sách, thể chế cho hoạt động thu thập, quản lý, kết nối, chia sẻ và thương mại hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác dữ liệu vì mục đích kinh tế. Cùng với đó là xây dựng chính sách, thể chế cho hoạt động thu thập, chia sẻ và khai thác dữ liệu của doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân và vừa đảm bảo dữ liệu được khai thác để phát triển Kinh tế số.
Đối với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo để tăng nhanh số lượng các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin, nhất là các chuyên ngành an ninh mạng, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, truyền thông và giải trí, mô hình hóa, tự động hóa, điều khiển học. Xây dựng các chương trình đào tạo cao đẳng, đại học theo hướng đa ngành để đào tạo kỹ năng tổng hợp gồm kỹ thuật số - chế tạo - quản trị. Xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động với hình thức phù hợp để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm…
Hội thảo dành phần lớn thời gian cho đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số. Kết quả Hội thảo cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để giúp các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế số và chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư