(MPI) – Theo Báo cáo kết quả PAR Index năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các Bộ được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80% và nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 70% đến dưới 80%.
|
Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ. Nguồn: moha.gov.vn |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xếp trong nhóm thứ nhất, có giá trị điểm số tăng cao nhất là 8.11% (từ 72.61% năm 2017 lên 80.72% năm 2018)
Ngày 24/5/2019, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS). Theo Báo cáo kết quả PAR Index năm 2018 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các Bộ được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%, bao gồm 14 Bộ, cơ quan ngang bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tài chính; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Ngoại giao; Khoa học và Công nghệ; Nội vụ; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch và Đầu tư. Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 04 Bộ, cơ quan ngang bộ: Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Y Tế và Giao thông vận tải.
Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt được là 82.68%. Năm 2018 không có Bộ nào có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 70%. Tuy nhiên, chỉ có 08 Bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cao nhất với kết quả là 90.57%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả Chỉ số cải cách hành chính thấp nhất với giá trị 75.13%. Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cao nhất (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với Bộ có kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 thấp nhất (Bộ Giao thông vận tải) là 15.44% (Năm 2017 khoảng cách này là 20.23%). So sánh giá trị Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 với năm 2017 cho thấy, có 15 đơn vị tăng điểm số so với Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giá trị điểm số tăng cao nhất là 8.11% (từ 72.61% năm 2017 lên 80.72% năm 2018). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất tại Chỉ số cải cách hành chính năm 2018, tuy nhiên, giảm 1.79% điểm số so với năm 2017 và 2.11% so với năm 2016.
Chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội
Trong thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã dần được cải thiện, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Thông báo số 196/TB-VPCP ngày 22/5/2019 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính,trong năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm công tác cải cách hành chính và đã có sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra từ đầu năm. Đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Nhiều nghị quyết liên quan đến cải cách hành chính đã được Chính phủ ban hành, nhất là về công tác xây dựng thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước và đã tiếp tục có nhiều chỉ đạo yêu cầu làm rõ và xử lý các thông tin về vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và các sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức do cơ quan báo chí đăng tải. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy được hiệu quả trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng…
Năm 2018 cũng tiếp tục ghi nhận những nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý với quyết tâm đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN - 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Trên tinh thần tự nguyện, các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động và đạt được những kết quả như: đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tham gia ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, công bố Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính... Một số cơ quan thành viên cũng có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác của Hội đồng như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Liên đoàn Luật sự Việt Nam...
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định, thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp... Các bộ cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách.
“Bứt phá” để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Để tạo “bứt phá” trong hoạt động cải cách hành chính trong thời gian tới nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tại Thông báo số 196/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, tiếp tục chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra chuyên ngành…
Thứ hai, tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, phản ánh về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các thủ tục hành chính đã ban hành. Trong đó lưu ý các ý kiến góp ý phải rõ ràng, cụ thể, giải pháp nêu ra phải phù hợp và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền có thể quyết định được ngay.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào đánh giá theo chuyên đề, ví dụ: chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, chuyên đề đánh giá về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của doanh nghiệp, bảo đảm khách quan, hiệu quả, thực chất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố, công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Thứ tư, chủ động tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện đúng và trúng những vấn đề đang là nút thắt, rào cản, đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, trong đó tập trung giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh… để lan tỏa tinh thần cải cách, tạo động lực mới tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng phát triển đất nước./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư