Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/05/2019-10:05:00 AM
Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đầu tư công
(MPI) – Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) diễn ra ngày 28/5/2019.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, tiếp thu những vấn đề Đại biểu quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là dự án Luật quan trọng nên cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chủ trì và phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp thứ 6 theo tinh thần lắng nghe và phân tích kỹ để Kỳ họp lần này có một dự án Luật tốt nhất. Về cơ bản, các ý kiến góp ý của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 6 đã được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn chỉnh trong Dự thảo lần này. Dự thảo đã được xây dựng một cách công phu từ việc lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến rộng rãi nhiều vòng, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ và các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Tạo cho rằng, về tên gọi dự án Luật với các nội dung sửa đổi được tiếp thu bổ sung lần này rất hoàn thiện, tập trung vào một số nội dung lớn nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai, quản lý, điều hành về đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh việc phân cấp cho chính quyền địa phương, tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Đặc biệt, quy định rõ về trách nhiệm trước Nhân dân, đất nước của các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Tạo tán thành phương án 2 tại Điều 59 của dự thảo Luật là thẩm quyền trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách nhà nước, tức là quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua. Nếu quy định phương án Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn có thể phát sinh những khó khăn do quy trình lọc dự án, thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án và các đơn vị không thể chuẩn bị kịp thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án tại thời điểm báo cáo Quốc hội, chỉ có thể tổng hợp được các dự án chuyển tiếp và một số dự án hoàn thiện thủ tục và chủ chương đầu tư. Việc Quốc hội phê duyệt điều chỉnh danh mục mức vốn cho từng dự án là không thực tế và không có tính khả thi khi các đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu số lượng lớn tài liệu trong thời gian ngắn để có thể đưa ra các quyết định chính xác nhất.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nguyên nhân của việc giải ngân chậm, một số dự án chậm tiến độ chính là do khâu tổ chức thực hiện, thực hiện giải phóng mặt bằng chậm và do năng lực nhà thầu còn hạn chế. Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, vấn đề đánh giá hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công là quan trọng. Để chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công, củng cố niềm tin và bảo đảm an sinh của cử tri, của Nhân dân, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần bổ sung tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư công, đồng thời rà soát các luật chuyên ngành khác, nhất là Luật xây dựng để bổ sung quy định về hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, Luật đầu tư công năm 2014 lần đầu tiên quy định về đầu tư công trung hạn nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, phân khúc, cào bằng, lãng phí, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tình trạng xin cho và việc sửa đổi Luật đầu tư công lần này nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đầu tư công.

Làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) thể hiện sự tâm huyết, mang tính xây dựng nhằm thiết kế bộ luật phù hợp, đúng với các quy định của Hiến pháp và các luật liên quan theo tinh thần cải cách hành chính, phân cấp nhiều hơn và nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công một cách tốt hơn.

“Trong giai đoạn qua, việc ban hành Luật đầu tư công là bước tiến quan trọng trong việc thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc và chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện như các đại biểu đã nêu và tôi hết sức đồng tình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hiện nay, việc chuẩn bị các dự án đầu tư công đều do các bộ, ngành, địa phương thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình lên Chính phủ để trình Quốc hội. Thực tế cho thấy, việc triển khai các dự án ở địa phương có rất nhiều vấn đề, kể cả vấn đề yếu kém về chất lượng, tùy tiện trong điều chỉnh, quyết định, vấn đề lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ. Do vậy, Luật đầu công ra đời đã chấn chỉnh điều đó. Nhiệm kỳ 2011 - 2015, chúng ta có 20 nghìn dự án nhưng đến nay còn 9600 dự án. Điều này cho thấy chúng ta đã cắt giảm số lượng dự án, tập trung để chống đầu tư dàn trải, nợ đọng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ những vấn đề trong thực hiện dự án đầu tư công như trong quá trình thực hiện nhiều dự án của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh vấn đề không xử lý được vì không có trong danh mục dự án, trong kế hoạch trung hạn nên không được điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn và không có nguồn phân bổ.

Về vấn đề giao vốn, giải ngân vốn chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề này là do các cấp, các ngành thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt. Do vậy, không đủ thủ tục để giao và khi triển khai dự án, việc tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hồ sơ triển khai rất chậm. Để khắc phục tình trạng giải ngân chậm, hằng năm Chính phủ thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra, đôn đốc, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Việc sửa đổi Luật cũng nhằm góp phần khắc phục những khó khăn nêu trên, nêu cao tinh thần, trách nhiệm hơn của người đứng đầu khi quyết định, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án một cách rõ ràng hơn.

Về thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hoàn toàn đồng ý thẩm quyền này thuộc về Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách và đầu tư. Quốc hội là cơ quan quyết định và phê duyệt, giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách. Đồng thời, quyết định tổng mức đầu tư của 5 năm, quyết định cơ cấu đầu tư theo ngành, địa phương, vùng, miền và tiêu chí, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên. Sau đó, Chính phủ phải điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết. Quốc hội thực hiện chức năng giám sát.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra thực trạng với khối lượng gần 10 nghìn dự án được triển khai trong nhiệm kỳ 5 năm như hiện nay thực tế luôn phát sinh những thay đổi và các bộ, ngành, địa phương phải điều chỉnh dự án liên tục và nếu dự án có bất kỳ sự điều chỉnh nào đều phải báo cáo Quốc hội.

“Nếu như vậy thì khối lượng công việc rất khổng lồ. Mỗi một dự án kéo dài trong 5 năm, chúng ta chỉ cần điều chỉnh 3, 4, 5 lần nhân 10 nghìn dự án lên thành rất lớn. Tôi hình dung nếu Quốc hội làm việc này thì khối lượng công việc sẽ rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về thời điểm trình, phê duyệt kế hoạch đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc khóa trước chuẩn bị kế hoạch và khóa sau phê duyệt kế hoạch là có lý. Tuy nhiên, nếu chưa phê duyệt được kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm thì không thể phê duyệt được kế hoạch hằng năm, ảnh hưởng đến tính liên tục của các dự án và có thể tác động đến vấn đề phát triển kinh tế.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của dự thảo Luật. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến rất sâu về các nội dung của Dự thảo. Đồng thời đề nghị Tổng thư ký Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cùng cơ quan chức năng sẽ soạn thảo nội dung để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống công nghệ thông tin./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2268
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)