(MPI) - Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kinh tế năm 2018 có sự chuyển biến rất tích cực, thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực của tất cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và địa phương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết và có đóng góp lớn góp phần cho Chính phủ nghiên cứu, hoạch định, đề ra các giải pháp trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, đây là những ý kiến góp phần chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập, tồn tại cần phải lưu ý trong giai đoạn tới.
Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ với phương châm của năm 2018 là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả thì kết quả đạt được của năm 2018 rất tích cực và đáng ghi nhận, nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và 9 chỉ tiêu vượt.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh ba kết quả chủ yếu. Thứ nhất, kinh tế vĩ mô được giữ vững, ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thịnh vượng. Quy mô nền kinh tế chất lượng tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng đã được nâng lên đáng kể.
Thứ hai, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội. Việc thực hiện thành công hai mục tiêu vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng tưởng kinh tế đã thêm dư địa để chúng ta thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Các vấn đề bức xúc của xã hội được giải quyết.
Thứ ba, vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, mở rộng hoạt động quốc tế đã góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích của đất nước. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của cộng đồng quốc tế, được tín nhiệm để tổ chức nhiều hội nghị quốc tế quan trọng.
Đạt được những kết quả nêu trên là do kế thừa được những thành tựu to lớn, quan trọng và có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước. Bên cạnh đó là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả hơn của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Phát huy được đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của Nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển, đáp ứng mong đợi của xã hội. Cùng với đó là sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Liên quan đến một số vấn đề tồn tại và hạn chế được đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng kể trong năm 2018, nhưng nền kinh tế vẫn đang còn tồn tại hạn chế mà trong đó có những vấn đề đã tích tụ, tồn đọng từ lâu, tác động và gây hậu quả tiêu cực, tạo nên bức xúc xã hội, không dễ một sớm một chiều khắc phục được ngay. Hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trình độ khoa học công nghệ, quản lý chưa tốt dẫn tới việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa trở thành động lực để phát triển bứt phá và đưa kinh tế Việt Nam tiến nhanh, tiến xa trên trường quốc tế và khu vực. Việc cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực tiếp tục có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn có những yếu tố thiếu bền vững, hoạt động sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thay vì đổi mới công nghệ, chưa tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chưa kết nối được hiệu quả thông suốt từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, chi phí dịch vụ hậu cần logistics còn cao...
Những tác động và biến đổi về văn hóa xã hội môi trường diễn ra nhanh và phức tạp hơn, làm nảy sinh nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh xã hội thông tin, mỗi luồng thông tin đều có khả năng tiếp cận một cách đơn giản, dễ dàng hơn so với trước đây, tốc độ lan truyền tin nhanh chóng, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về cải cách, tư duy quản lý, đổi mới bộ máy, công cụ quản lý để thích ứng và theo kịp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên không đơn giản, cần kết hợp giữa những giải pháp ngắn hạn và dài hạn, cần có những giải pháp căn cơ để thực hiện, phát huy các giá trị về văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam. Đồng thời, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó phải có vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương. Nhất là các đồng chí lãnh đạo đứng đầu các địa phương, các vị đại biểu Quốc hội của các đoàn đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện, giám sát các chương trình, chính sách và các dự án đầu tư triển khai trên địa bàn, địa phương mình.
“Chúng tôi mong các vị đại biểu Quốc hội cùng các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ giám sát, đôn đốc và thúc đẩy việc triển khai thực hiện ở địa phương để chúng ta cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư