(MPI) - Căn cứ kết quả thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Hội trường diễn ra ngày 28/5/2019 về dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi), để có cơ sở tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật, sáng ngày 03/6/2019, các đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hệ thống điện tử về ba nội dung của dự thảo Luật dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Thứ nhất, về tiêu chí, phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C tại Điều 7 và Điều 10 của dự thảo Luật với hai phương án. Phương án 1: giữ như quy định của Luật đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia là 10 nghìn tỷ đồng và tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C cũng như quy định hiện hành. Phương án 2: điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10 nghìn tỷ đồng lên 20 nghìn tỷ đồng và điều chỉnh mức vốn phân loại dự án nhóm A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành.
Kết quả biểu quyết cho thấy, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành phương án giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia và tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C như quy định hiện hành với 429 đại biểu tham gia, chiếm 88,64% tổng số đại biểu, có 367 đại biểu đồng ý, chiếm 75,83%, 57 đại biểu không đồng ý, chiếm 11,78% và 05 đại biểu không tham gia ý kiến.
Thứ hai, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn (được quy định tại Điều 59 của dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi)) có hai phương án. Phương án 1: Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương. Phương án 2: Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.
Kết quả biểu quyết cho thấy, với phương án 1 có 424 đại biểu tham gia biểu quyết, chiếm 87,6%, 234 đại biểu đồng ý, chiếm 48,35%, 174 đại biểu không đồng ý, chiếm 35,95% và 16 đại biểu không tham gia ý kiến, chiếm 3,31%. Phương án 2 có 423 đại biểu tham gia ý kiến, chiếm với 206 đại biểu đồng ý, chiếm 42,56%, 204 đại biểu không đồng ý, chiếm 42,15% và 13 đại biểu không tham gia ý kiến, chiếm 2,69%. Như vậy, với kết quả biểu quyết của hai phương án đều chưa đạt quá 50% tổng số đại biểu tán thành và sẽ được tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để hoàn thiện tại dự thảo Luật.
Thứ ba, về thời gian trình và thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn (được quy định tại Điều 59 của dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi)). Phương án 1: Chính phủ trình Quốc hội dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới tại kỳ họp cuối năm của nhiệm kỳ để Quốc hội cho ý kiến, Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới. Phương án 2: giữ nguyên như quy định của Luật đầu tư công hiện hành, Quốc hội khóa trước quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn kế tiếp tại kỳ họp cuối năm của nhiệm kỳ.
Kết quả biểu quyết cho thấy, các đại biểu Quốc hội tán thành phương án: Chính phủ trình Quốc hội dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới tại kỳ họp cuối năm của nhiệm kỳ để Quốc hội cho ý kiến, Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới. Với 429 đại biểu tham gia biểu quyết, chiếm 88,64% tổng số đại biểu, trong đó có 318 đại biểu đồng ý, chiếm 65,70%, 108 đại biểu không đồng ý, chiếm 22,31% và 03 đại biểu không tham gia ý kiến, chiếm 0,62%.
Dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh sửa có 6 chương, 101 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo được xây dựng theo hướng sửa đổi tập trung vào tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công cũng như tăng cường cải cách hành chính,…
Việc ban hành Luật đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XII về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công, tiếp tục khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật về đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công. Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí.
Cùng với đó là gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước, tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư