Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/06/2019-17:48:00 PM
Vietnam Venture Summit 2019: Bước phát triển mới cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam
(MPI) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho phát triển, nhận thấy sự cần thiết và ý nghĩa của việc tạo dựng một diễn đàn để gặp gỡ, đối thoại và kết nối giữa Chính phủ Việt Nam và các quỹ đầu tư quốc tế nhằm phát triển tiếp tục hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Golden Gate Ventures ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển start-up và các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Ảnh: MPI

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng và chất lượng

Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), trong năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 (cùng số thương vụ) và gấp 6 lần năm 2016. Riêng đối với đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu, Báo cáo của KrAsia, Bain&Co cho thấy, Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư trong năm 2018, gấp đôi của năm 2017.

Dự kiến trong các năm tới, các startups giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn với ước tính của các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD. Như vậy có thể thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 startups, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startups. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 startups.

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp như: Tập đoàn VinaCapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD). Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ… Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Các yếu tố tạo nên sự thành công của start-up bao gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa vẫn còn tiếp tục được hoàn thiện từng bước. Mặc dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới và trong khu vực.

Bên cạnh những nỗ lực đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp thời gian qua, Chính phủ cần có chủ trương và chiến lược cụ thể nhằm tiếp cận một cách chủ động với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Việt Nam cần những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển công nghệ thông tin

Ngày 10/6/2019, Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) được tổ chức tại Hà Nội nhằm thu hút các nhà đầu tư, quảng bá Việt Nam là điểm đến tiềm năng của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Quảng bá đến các Quỹ đầu tư lớn trên thế giới về môi trường kinh doanh Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và chia sẻ quan điểm phát triển của Chính phủ. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua kết nối các bên trong hệ sinh thái, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp khởi nghiệp khi đầu tư xuyên biên giới, mở rộng hoạt động ra khu vực và toàn cầu. Đối thoại về những chính sách hỗ trợ, nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong các nhóm ngành khác nhau: công nghệ tài chính, công nghệ nền tảng, thương mại điện tử... Kết nối giữa các quỹ đầu tư của nước ngoài với cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, kết nối chặt chẽ hơn Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, thúc đẩy các chính sách trao đổi, hợp tác giữa Chính phủ với các quỹ đầu tư trong tư vấn, tham mưu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam trên các khía cạnh: đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ...

Tại Diễn đàn, Quỹ đầu tư DT&I Hàn Quốc đã quyết định đầu tư cho Propzy, là một start-up trong lĩnh vực cung cấp giải pháp thuê - mua bất động sản không trung gian, minh bạch với số tiền 1,4 triệu USD trong quý II năm 2020. Với vai trò đồng chủ trì Diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Golden Gate Ventures sẽ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển start-up và các tổ chức hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Quỹ Golden Gate Ventures cũng công bố tổng mức đầu tư cho các start-up Việt Nam trong thời gian 3 năm tới là 10.000 tỷ đồng vào hoạt động đầu tư khởi nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổ chức SG Innovate đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để tạo lập và phát triển các start-up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chuyên sâu. Ngoài ra, Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ thông tin về Quỹ mới nhất của EU, trị giá 3 tỷ euro dành cho các start-up.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, tổ chức liên quan đã cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn, mang lại những bước phát triển mới cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Chia sẻ về vấn đề được nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm liên quan đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có nền chính trị ổn định tạo nên nền hoà bình và thịnh vượng, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 cao nhất kể từ năm 2008 và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra cơ hội mới cho tất cả mọi người cùng sản xuất, kinh doanh, phát huy giá trị của mình. Từ các start-up đến những doanh nghiệp, nhà đầu tư đều tìm thấy ở Việt Nam cơ hội kinh doanh, cơ hội hoàn thiện bản thân, cống hiến, lập nghiệp và đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, dân tộc, rộng hơn là cả thế giới.

Để duy trì được những lợi thế này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh, giữa các địa phương với nhau và giữa Việt Nam với các nước. Thứ hai, Việt Nam rất cần những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển công nghệ thông tin và những ngành kinh tế ứng dụng nhiều công nghệ thông tin. Tương lai của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up chủ yếu dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thứ ba là tiếp tục chú ý tốt hơn đến giáo dục, khoa học - công nghệ, vốn là một trong những điểm thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, start-up công nghệ, bằng những điều kiện đảm bảo rất cụ thể, nhất là các chính sách về kinh tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, Diễn đàn lần này là tín hiệu rất đáng mừng khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực sự vào cuộc với cộng đồng start-up để đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực.

Phó Thủ tướng mong muốn các quỹ đầu tư mạo hiểm thực sự đổi mới, có những thích nghi cần thiết để cùng đồng hành, phát triển sản phẩm với các doanh nghiệp start-up. Với cộng đồng doanh nghiệp start-up, nhu cầu cuộc sống, công việc chính là những cơ hội, là “mảnh đất” để các start-up dấn thân. Đầu tiên là giải quyết nhu cầu của chính người dân trong nước nhưng mỗi start-up không nên giới hạn mình ở trong nước. Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng start-up ở Việt Nam tăng cường kết nối với nhau với sự hỗ trợ của Chính phủ. Làm sao để các start-up khởi nghiệp ở Việt Nam thuận lợi nhất, không phải tìm cách ra nước ngoài để lập công ty vì những quy định pháp luật không đủ tốt. Bên cạnh đó, các start-up rất cần sự hợp tác, “nâng đỡ” của những doanh nghiệp “đàn anh”.

Vai trò của toàn xã hội, trong đó có vai trò của truyền thông, hãy cổ vũ cho sự sáng tạo, tạo cơ hội cho những ý tưởng mới khác lạ, nhiều lúc là khác biệt, được khẳng định. Chúng ta cần cổ vũ cho những tấm gương thành công và cả những người thất bại nhưng đã đứng lên truyền cảm hứng sáng tạo đến cộng đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, các start-up Việt Nam sẽ có bước phát triển mới. Không dừng lại ở các phong trào, sự kiện mà đi vào các chính sách cụ thể, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Nhiều sáng kiến của các start-up Việt Nam sẽ đi ra bên ngoài, thay đổi thế giới tốt đẹp hơn./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 6398
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)