Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý II năm 2019, nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động và tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết và Chỉ thị. Tính đến ngày 26/6/2019, 85% tổng số các nhiệm vụ đã được hoàn thành, 15% đang được triển khai tích cực.
Về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành đã tích cực rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm các điều kiện doanh thuộc lĩnh vực quản lý, đạt tỷ lệ vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Đồng thời, hoàn thành công bố các thủ tục hành chính bị bãi bỏ trên cổng thông tin điện tử và ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước. Một số lĩnh vực đã đạt tỷ lệ doanh nghiệp tham gia rất cao như kê khai, nộp thuế điện tử đạt 99%-99,98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Cơ chế một cửa quốc gia tính đến 27/5/2019, đã có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối, xử lý gần 2,2 triệu bộ hồ sơ cho doanh nghiệp. Nhiều bộ, ngành đã hoàn thành cổng dịch vụ công để thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, ngày 24/6/2019, Hệ thống e-Cabinet chính thức đi vào hoạt động, đây sẽ là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những bất cập, mâu thuẫn trong quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang được các bộ, ngành tiếp tục khẩn trương rà soát và sửa đổi bổ sung trong các đạo luật như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, Luật đất đai… Nhiều địa phương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hằng tháng, hằng quý, hoặc tối thiểu 6 tháng một lần và liên tục đổi mới hình thức đối thoại như đối thoại theo chuyên đề kết hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách cho doanh nghiệp.
Về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sau một năm rưỡi kể từ khi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã cơ bản được ban hành đầy đủ. Đồng thời, để khẩn trương đưa một số chính sách quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị định về bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Luật này và Nghị quyết của Quốc hội về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV. Ở cấp địa phương, tính đến ngày 20/6/2019, đã có 50/63 địa phương đã và đang xây dựng các kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV với nhiều chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh/thành phố. Hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp ở các địa phương ngày càng trở nên sôi động, góp phần từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Ở cấp Trung ương, các bộ, ngành tiếp tục triển khai tích cực các chương trình, đề án hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ học sinh, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và xây dựng Nghị định về cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ngay từ cuối tháng 12/2018 và đầu năm 2019, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý. Đồng thời, thực hiện cắt giảm các khoản phí, lệ phí có liên quan đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp; xây dựng chính sách tiền lương linh hoạt, trả lương theo năng suất, chất lượng công việc; rà soát chi phí cầu đường, tiếp tục triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án BOT và ban hành văn bản hướng dẫn lộ trình triển khai giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Vềbảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, trong quý II/2019, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn không để hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với các Hiệp định tự do thương mại và các cam kết quốc tế khác như các luật để thực thi CPTPP, các giải pháp trong quá trình thẩm định, rà soát pháp lý để vận dụng hợp lý các quy định linh hoạt trong các cam kết quốc tế để bảo vệ tối đa lợi ích của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Báo cáo, mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ cho DNNVV.
Theo đó, Bộ Kế hoạch vàĐầu tư đưa ra đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án triển khai các chính sách trọng tâm của Luật hỗ trợ DNNVV. Khẩn trương thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư cho DNNVV và xây dựng các gói hỗ trợ DNNVV để tận dụng cơ hội, lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do. Tạo đột phá trong thúc đẩy hộ kinh doanh đăng ký thành doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như triển khai quyết liệt công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn không để hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Về thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Xây dựng khung thể chế thí điểm cho mô hình kinh doanh mới trong một số lĩnh vực có tiềm năng rủi ro cao.
Ban hành Chiến lược Quốc gia về tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Đề án số hóa quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư