(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra ngày 20/7/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng, Nghị quyết số 13-NQ/TW ra đời, đánh dấu bước tiến mới quan trọng về tư duy và chủ trương phát triển KTTT ở nước ta, chỉ rõ mục tiêu đưa KTTT thoát khỏi tình trạng yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, từ năm 2002 đến nay, với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về KTTT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn chủ động, tiên phong trong việc tuyên truyền nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức về các chủ trương, quan điểm phát triển, chính sách phát triển KTTT bằng nhiều hình thức. Đồng thời, đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển KTTT và đã đạt được những kết quả nhất định.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, nhìn chung, KTTT có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình KTTT phát triển đa dạng trên các lĩnh vực; nội dung, phương thức hoạt động của các HTX đã có nhiều đổi mới; KTTT từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.
Trong đó, mô hình KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang chiếm ưu thế về số lượng và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống của thành viên và cộng đồng, với số lượng HTX chiếm khoảng 62% tổng số HTX cả nước, thu hút và đem lại lợi ích cho gần 3,8 triệu thành viên, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động chủ yếu ở nông thôn.
HTX đang trở thành mô hình hoạt động phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân nông thôn. Các HTX nông nghiệp đang có xu hướng xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, mô hình liên kết giữa hộ nông dân - HTX- doanh nghiệp, ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như thực hiện việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao đời sống cho thành viên là nông dân, đồng thời là cầu nối để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và sự hỗ trợ của Nhà nước đến với nông dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Phần lớn HTX quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn. Nhiều HTX vẫn trong tình trạng "bình mới, rượu cũ". Mô hình HTX cũ còn nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiệu quả hoạt động của các HTX tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Một số HTX nông nghiệp còn thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Việc hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu đối tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho HTX còn lúng túng, chưa hiệu quả.
Trình độ về quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX hạn chế, số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo trình độ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 46%), đa số là cao tuổi, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, thiếu nhạy bén trong hoạt động, không xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên phần lớn do việc nhận thức về vai trò, giá trị và bản chất của mô hình HTX kiểu mới một số nơi còn chưa thống nhất, dẫn đến công tác quản lý, ban hành cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ… chưa trọng tâm, chưa đúng, chưa đi vào cuộc sống của các HTX và người dân.
Bên cạnh đó, do tâm lý mặc cảm về mô hình HTX thời bao cấp còn nặng nề, trong khi số lượng hợp tác xã, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, cộng đồng chưa nhiều. Người dân chưa thực sự tin vào HTX, chưa tích cực tham gia, hợp tác với HTX để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thứ trưởng Võ Thành Thống cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội biến đổi không ngừng, tri thức đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý HTX để bắt kịp với nhu cầu thị trường là hết sức cần thiết. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ có vai trò quyết định, giúp cho HTX năng động hơn, sáng tạo hơn và đổi mới mạnh mẽ hơn. Bên cạnh sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của bản thân các HTX, cần tập trung nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội để hỗ trợ phát triển KTTT.
Về tổng thể, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của KTTT, kinh tế HTX phải thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết tại Đại hội XII đã đề ra: “tiếp tục đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ”.
Do đó, trong thời gian tới, phương hướng phát triển KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung vào năm nội dung. Một là, tập trung phát triển các HTX nông nghiệp có trình độ quản lý hiện đại để áp dụng tối đa lợi thế của hội nhập quốc tế và ưu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các HTX nông nghiệp cũng cần phải tự đổi mới và phát triển lớn mạnh để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường.
Hai là, phát triển các HTX nông nghiệp trên tinh thần lấy hợp tác làm trọng tâm để thúc đẩy sự liên kết ngang trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển KTTT mà nòng cốt là HTX trên các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển và cơ cấu kinh tế của từng địa phương với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Nhân rộng các mô hình KTTT hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX- nông dân, chú trọng ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ, thông tin.
Ba là, từng bước thay đổi phương thức hỗ trợ cho khu vực HXT, từ “cho không” sang “cho vay”, từ hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất sang hỗ trợ về nhận thức, về định hướng, về phương thức hoạt động, tạo sự chủ động, tích cực cho các HTX nông nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bốn là, phát triển KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, phải tập trung xây dựng các HTX và Liên hiệp HTX gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, có giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm đó.
Năm là, phát triển các HTX sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu. Xu thế và nhu cầu sản phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là các hàng nông sản đòi hỏi các HTX nông nghiệp cũng phải nỗ lực, chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ khó phát triển bền vững, khó cạnh tranh trên thị trường. HTX nông nghiệp là mô hình tốt trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Cùng với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào HTX trong nông nghiệp, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, Thứ trưởng Võ Thành Thống tin rằng, trong thời gian tới các HTX nông nghiệp ở nước ta sẽ phát triển thêm vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư