(MPI) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cũng như các nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: MPI |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mặc dù 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã rất nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đề ra. GDP đạt 6,79%, cao so với cùng kỳ từ năm 2011-2017. Tình hình giá cả thế giới và nhu cầu điều chỉnh các vật tư trong nước rất lớn nhưng các cán cân kinh tế lớn của nền kinh tế vẫn được đảm bảo. Lạm phát bình quân thấp nhất trong 3 năm qua… Các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội được thực hiện nhất quán, kịp thời. Trong thành tích chung của cả nền kinh tế thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói chung đã đóng góp vai trò rất quan trọng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị quyết 01, 02. Nghị quyết được xây dựng chuyên nghiệp, bài bản, khoa học, chất lượng tốt, bao quát được tất cả các nhiệm vụ, trình bày súc tích, ngắn gọn, đáp ứng được thời gian để tổ chức Hội nghị toàn quốc ngay từ ngày đầu của năm 2019, góp phần triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn.
Chất lượng chuẩn bị các báo cáo phục vụ các phiên họp của Chính phủ, điều hành của Chính phủ tiếp tục có tiến bộ hơn nhiều so với những năm trước, có tính bao quát cao hơn; cập nhật đầy đủ tình hình kinh tế thế giới, khu vực, trong nước và đưa ra nhận định, đề xuất giải pháp cụ thể.
Về vai trò của Bộ trong việc hoàn thiện xây dựng thể chế, chính sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ là cơ quan có nhiệm vụ trọng yếu về vấn đề này và Bộ đã hoàn thành rất nhiều việc, vừa kiện toàn hệ thống pháp luật để khắc phục những vướng mắc, bất cập vừa có những đề án để hoàn thiện thể chế, chính sách để hướng tới tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta sẽ có những thay đổi rất lớn, tác động sâu sắc từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, Bộ đã chủ trì soạn thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) và được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ phiếu tán thành đạt 90,7%, thể hiện sự đồng thuận cao của các Đại biểu Quốc hội đối với những đề xuất cải cách, đổi mới của Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư công. Luật đã bám sát thực tiễn, phản ánh trực tiếp nhu cầu thực tiễn theo tinh thần thể chế phải đi vào cuộc sống, tôn trọng ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, để có chất lượng dự án Luật đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.
Bộ cũng đã trình nhiều Đề án quan trọng như: Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, Bộ đã nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng để đánh giá tình hình 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và xây dựng Đề án "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030".
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức thành công Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019), kết nối chặt chẽ Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy các chính sách trao đổi, hợp tác. Bên cạnh đó, việc lần đầu tiên xây dựng và tổ chức công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình doanh nghiệp Việt Nam và sắp tới sẽ đưa ra được bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương.
Bộ thực hiện tốt vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ (Tổ 1317), chủ động, tích cực phối hợp trong việc theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và quốc tế, việc thay đổi chính sách của các nền kinh tế chủ yếu, nhận diện rõ thời cơ, thách thức, dự báo các tác động, chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đối sách, giải pháp phù hợp nhằm khơi thông động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, nỗ lực trong hỗ trợ đổi mới, phát triển doanh nghiệp, thu hút, sử dụng FDI, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời làm tốt vai trò quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới, giảm nghèo… Đặc biệt, Bộ làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị, phục vụ nhiều hoạt động, công việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập, xây dựng Đề cương chi tiết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 trình Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Bộ Chính trị và Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiếp tục bám sát mục tiêu, kiên trì, phấn đấu làm sao để năm 2019 tốt hơn năm 2018. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục quán triệt phương châm hành động của Chính phủ đề ra trong năm 2019, đặc biệt là tinh thần bứt phá. Tiếp tục thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01, 02, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội và Kết luận của Trung ương đối với phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2019 cũng như Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, tiếp tục khơi thông động lực tăng trưởng và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ, luôn thể hiện tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa.
Với tư cách là tổng tham mưu trưởng về kinh tế của cả nước, Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ đã phát huy được vai trò của mình và cần tiếp tục phát huy, chủ động và có nhiều phối hợp hơn nữa, đặc biệt là về tài khóa, tiền tệ, thương mại gắn với các cân đối lớn để có đánh giá, phân tích, đề xuất kịp thời trong việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông động lực tăng trưởng, nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kế phải xác định nhiệm vụ chính là xây dựng thể chế, chính sách để vận hành toàn ngành kinh tế. Xây dựng thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển là nhiệm vụ, chức năng bao trùm của Bộ. Đặc biệt là xây dựng chính sách để phát triển mô hình kinh tế mới trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội để rút ngắn khoảng cách phát triển với điều kiện là chúng ta phải xác định đúng và đi đúng đường.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là Trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, phải đi đầu, tiên phong trong cải cách và đổi mới thể chế. Đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thành lập tổ công tác nhằm rà soát những vướng mắc trong thể chế gây cản trở sự phát triển của cả nước và đưa ra định hướng khắc phục. Đồng thời, đưa ra danh mục thử nghiệm thể chế để đón bắt xu hướng mới, phương thức mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ khẩn trương hoàn thiện dự án Luật PPP, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Tổ chức hội nghị tập huấn Luật đầu tư công (sửa đổi), thực hiện rà soát những vướng mắc trong giải ngân. Vấn đề quy hoạch là nội dung quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư phát triển, do vậy cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vấn đề chuyển tiếp và hướng dẫn lập các quy hoạch, làm tốt để khơi thông động lực phát triển.
Tập trung đẩy nhanh giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ODA, phải tạo chuyển biến căn bản về lĩnh vực này để bắt đầu từ năm 2020 khi Luật đầu công (sửa đổi) có hiệu lực, tạo bước chuyển mới trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến phát triển doanh nghiệp, triển khai hiệu quả Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Chủ trì và công bố Sách trắng khu vực hợp tác xã. Đồng thời, làm tốt hơn vai trò thu hút FDI, xây dựng bộ lọc để lựa chọn các dự án FDI, tránh các dự án gian lận thương mại, đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Sớm xây dựng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để trình Chính phủ, Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương 11 (khóa XII) và Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 8.
Thực hiện vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, tổng hợp đầy đủ kết quả khảo sát thực tế, nghiên cứu, chắt lọc kết quả đã đặt hàng tại các cơ quan, vụ, viện để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt chất lượng cao nhất.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tại Bộ và Ngành, bởi muốn làm tốt nhiệm vụ thì phải quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là năm nay Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Đồng thời, phải kiện toàn bộ máy cán bộ, tổ chức ngang tầm với tình hình mới. Tăng cường tiết kiệm, thực hiện chống lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông, công khai, minh bạch thông tin, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh trong thực thi công vụ của cán bộ.
Phó Thủ tướng mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ động hơn, nhanh nhạy hơn; đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn; quyết liệt, sâu sát, “đeo bám” hơn trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trách nhiệm, tận tụy hơn trong thực thi nhiệm vụ được giao; nhanh hơn về tiến độ, chất lượng hơn với các sản phẩm, nhiệm vụ được giao.
“Mong ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm đổi mới để gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong 6 tháng cuối năm, đóng góp vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo tiền đề để có bước phát triển tốt hơn trong năm 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư