Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/08/2019-16:51:00 PM
Nghiên cứu và phát triển, Đổi mới và Tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam
(MPI) – Nhằm tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 01/8/2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu và phát triển, Đổi mới và Tăng trưởng kinh tế: kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam”.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Trong quá trình xây dựng Dự thảo, Bộ đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế và Hàn Quốc là một trong những quốc gia được học hỏi. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ thông tin và kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải đón đầu, tận dụng cơ hội mới, chủ động áp dụng công nghệ 4.0 và cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi.

“Nội dung của Hội thảo phù hợp với khuôn khổ tư duy được đặt ra trong dự thảo Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, có thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trình độ sản xuất hiện hành, đặc biệt lưu ý đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế”, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Chia sẻ một số nội dung của nền kinh tế sáng tạo và Chính sách công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Hàn Quốc, ông Park Seung Chang, Chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học công nghệ thông tin đạo đức của Hàn Quốc (KITELA) cho biết, Hàn Quốc tiếp tục giữ vững danh hiệu là quốc gia đứng đầu trong Chỉ số Sáng tạo Bloomberg 2019 (Bloomberg 2019 Inovation Index), tiếp theo là Đức với những nỗ lực cải cách trong nghiên cứu và giáo dục, đã giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiến sát gần đến vị trí của Hàn Quốc trong bảng xếp hạng.

Mặc dù khoảng cách dẫn đầu đã bị thu hẹp một phần, song Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí số 1 trong xếp hạng Chỉ số Sáng tạo Bloomberg trong nhiều năm liền. Chỉ số này đánh giá, xếp hạng các nền kinh tế thế giới sử dụng các số liệu như chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), sự tập trung của các công ty công nghệ cao…

“Tại Hàn Quốc, các tập đoàn lớn như Samsung và Hyundai đã có những điểm xếp hạng cao trong một số lĩnh vực hoạt động sáng chế, giáo dục đại học, sản xuất giá trị gia tăng và một số lĩnh vực khác để duy trì vị thế của mình. Bên cạnh đó, các nước bắc Âu, trong đó có Thụy Điển vươn lên vị trí số 2 và Phần Lan tăng đột biến các công ty công nghệ cao và lọt vào top 5”, ông Park Seung Chang chia sẻ.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Về chính sách ICT của Hàn Quốc, năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2019-2023 với 03 nội dung nhằm bảo đảm nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo, tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ sự phát triển của các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ.

Ông Park Seung Chang cho rằng, Chính phủ 3.0 là một mô hình mới cho hoạt động của Chính phủ nhằm thúc đẩy chia sẻ một cách tích cực các thông tin công cộng và loại bỏ các rào cản hiện có giữa các cơ quan của Chính phủ để hợp tác tốt hơn. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm động lực thúc đẩy quản trị quốc gia và cung cấp dịch vụ cá nhân hóa cho từng công dân. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm và hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo.

Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển E-Gov qua 06 giai đoạn: Khởi động, xây dựng nền tảng, đi vào vận hành, nhân rộng mô hình, phát triển theo quỹ đạo chung và Chính phủ 3.0. Từ giữa năm 1980-1990, Hàn Quốc đã xây dựng 05 Hệ thống thông tin cơ bản quốc gia, Mạng máy tính mở rộng và Thúc đẩy việc sử dụng vào năm 1987. Từ giữa năm 1990-2000, xây dựng cơ sở hạ tầng cho truyền thông thông tin tốc độ cao, ban hành Đạo luật khung về xúc tiến thông tin vào năm 1995. Từ năm 2001-2002, Chính phủ Hòa Quốc đã đưa ra 11 sáng kiến lớn cho E-Gov, ban hành Đạo luật Chính phủ điện tử năm 2001. Từ năm 2003-2007, Hàn Quốc thực hiện 31 dự án lộ trình, đặt nền móng cho liên kết và tích hợp nhiều cơ quan chính phủ. Từ năm 2008, Hàn Quốc tập trung vào thiết lập Kế hoạch tổng thể về tin học quốc gia và thực hiện 12 nhiệm vụ dựa trên các nguyên tắc mở cửa, chia sẻ và hợp tác. Hơn nữa, Hàn Quốc cũng đã phát triển Chính phủ điện tử bằng cách thiết lập các kế hoạch xúc tiến của Chính phủ thông minh và thực hiện các dự án liên quan. Hiện nay, Hàn Quốc cho phép truy cập công khai hơn vào cơ sở dữ liệu của Chính phủ, mở rộng sự tham gia của người dân, tăng cường liên lạc giữa các cơ quan Chính phủ và cung cấp các dịch vụ công bằng cách điều chỉnh mô hình Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 để phát triển E-Gov.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ cũng như thảo luận những nội dung như: Nghiên cứu, phát triển và hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Chính phủ 3.0 của Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam…/.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1395
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)