Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/08/2019-16:39:00 PM
Sửa đổi Luật doanh nghiệp: Hướng tới mục tiêu nâng cao cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông và thành viên của doanh nghiệp
(MPI) - Ngày 30/8/2019, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã trình bày tóm tắt Tờ trình Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8/6/2018 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 28/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thực hiện Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Trong quá trình soạn thảo Luật này, cơ quan soạn thảo đã tiến hành tổng kết thi hành Luật nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp hoàn thiện, tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, qua tổng kết, đánh giá thi hành Luật doanh nghiệp cho thấy, Luật doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,75 lần (so với 74.842 doanh nghiệp năm 2014) và số vốn đăng ký thành lập mới tăng gấp 3,4 lần (so với 432.286 tỷ đồng năm 2014).

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng từ hạng 125 năm 2014 lên hạng 104 trên 190 quốc gia năm 2019, số thủ tục phải thực hiện giảm từ 10 xuống còn 09 thủ tục, thời gian thực hiện giảm từ 34 ngày xuống chỉ còn 17 ngày. Quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89 trên 190 quốc gia (so với thứ hạng 117 năm 2014 và thứ hạng 169 năm 2013). Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ, một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành.

Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư. Các nội dung còn khiếm khuyết hoặc cần thay đổi để hoàn thiện tốt hơn nữa. Cụ thể, một là, một số thủ tục hành chính để đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không còn cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường.

Hai là, một số quy định của Luật về quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình, thậm chí tạo thêm rào cản, bị cổ đông lớn và công ty lạm dụng gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông khác. Bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty. Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thúc đẩy và huy động vốn đầu tư.

Ba là, về tổ chức lại, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Thực tiễn thực hiện Luật Doanh nghiệp cho thấy quy định về nội dung này có một số bất cập, hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể là: Quy định về chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp (các Điều 192 và 193) không bao quát được hết các phương thức, các trường hợp chia, tách doanh nghiệp trên thực tế, dẫn đến hạn chế quyền, lựa chọn của doanh nghiệp trong tổ chức lại doanh nghiệp.

Bốn là, về doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã xác định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn”. Nhìn chung, quy định của Luật doanh nghiệp 2014 đã phản ánh và thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết.

Tuy nhiên, một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để thực hiện đầy đủ, chính xác theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, cụ thể là: Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật doanh nghiệp, khái niệm doanh nghiệp nhà nước mới chỉ bao gồm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chưa có quy định xác định loại doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối. Các quy định về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối cũng cần được rà soát lại, bổ sung, sửa đổi để thực hiện các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình đối với cả doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo chỉ đạo của Nghị quyết.

Năm là, quy định về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh còn thiếu rõ ràng; hộ kinh doanh hiện cũng đang phải chịu nhiều hạn chế về quyền kinh doanh và phạm vi hoạt động. Điều này đã làm hạn chế đáng kể việc phát huy tối đa lợi ích kinh tế từ nguồn lực đầu tư của mô hình kinh doanh này. Do đó, cần thiết phải hoàn thiện khung khổ pháp luật về hộ kinh doanh nhằm mục tiêu thúc đẩy và tạo cơ hội để phát huy tối đa hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư; đa dạng hóa hình thức đầu tư để tăng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mọi chủ thể kinh doanh, mọi hình thức kinh doanh. Từ những phân tích nêu trên về bất cập, khiếm khuyết của Luật doanh nghiệp đã cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, sửa đổi Luật doanh nghiệp còn nhằm mục tiêu xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực thông lệ tốt phổ biến quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra bằng mức trung bình của ASEAN 4.

Mục tiêu cụ thể của sửa đổi Luật doanh nghiệp là tiếp tục làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp, cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh. Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức, quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế.

Yêu cầu của việc xây dựng Luật là tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 trong việc hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật doanh nghiệp gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQCP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cắt giảm thời gian, chi phí trong khởi sự kinh doanh; nâng cao mức độ an toàn và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhanh chóng, ít tốn kém đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Luật sửa đổi 60 điều; bãi bỏ 02 điều, 05 khoản và 02 điểm; bổ sung 01 chương và 08 điều vào Luật doanh nghiệp. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu gồm: Nội dung về đăng ký doanh nghiệp (Chương I và II); Công ty trách nhiệm hữu hạn (mục 1 và 2 Chương III); Doanh nghiệp nhà nước (Chương IV); Công ty cổ phần (Chương V); Công ty hợp danh (Chương VI); doanh nghiệp tư nhân (Chương VII); Hộ kinh doanh (Bổ sung Chương VIIa); Tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp (Chương IX).

Đồng thời, để thực hiện Luật Căn cước công dân, dự thảo Luật quy định cá nhân được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho bản sao thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác khi thực hiện thủ tục hành chính quy định tại Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi một số quy định của 02 luật khác có liên quan để phù hợp với nội dung sửa đổi về khái niệm doanh nghiệp nhà nước tại Luật này, đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định áp dụng chuyển tiếp các nội dung mới của luật.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi luật tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong luật hiện hành trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh, gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Hiện nay là thời điểm thích hợp để có tổng kết, đánh giá hoạt động của hộ kinh doanh để có ứng xử phù hợp. Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện, nếu điều chỉnh thì phảigiải quyết được những vấn đề phát sinh hiện nay, bảo đảm được điều kiện phát triển cũng như bảo đảm quản lý, quản lý không phải là tạo ra các thủ tục, hàng rào gây cản trở mà tạo ra môi trường bình đẳng phát triển. Trong đó cần lưu ý đến quy định về thuế, đăng ký kinh doanh./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2490
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)