Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/09/2019-15:20:00 PM
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng làm việc với một số cơ quan, tổ chức kinh tế quan trọng của Nhật Bản
(MPI) - Nằm trong chuỗi các hoạt động của Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Nhật Bản, ngày 13/9/2019, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã làm việc với một số cơ quan, tổ chức kinh tế quan trọng của Nhật Bản.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng làm việc với bà Yuri Sato, Phó Chủ tịch JETRO

Ảnh: MPI

JETRO được thành lập năm 1958, là cơ quan thuộc Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản với nhiệm vụ chính là xúc tiến quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều giữa Nhật Bản và các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện nay, JETRO có 76 văn phòng tại 57 quốc gia, 45 văn phòng tại Nhật Bản. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN mà JETRO có 02 văn phòng đại diện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 7/2015, JETRO đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của JETRO trong thời gian qua, đặc biệt đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức thành công 04 Diễn đàn xúc tiến đầu tư Việt Nam với quy mô lớn có sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tại Diễn đàn, rất nhiều biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được trao, nhiều dự án quy mô lớn hàng tỷ USD đã và đang được hai bên triển khai tích cực.

Phó Chủ tịch Jetro Bà Sato Yuri cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với JETRO cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản. Các diễn đàn đã được tổ chức thành công, nhận được đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Theo báo cáo điều tra khảo sát thực trạng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á năm tài chính 2018 của JETRO, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá rất tích cực, 65% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 70% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có mong muốn mở rộng họat động kinh doanh. Đây là tỉ lệ cao nhất so với các nước khác (Phi-líp-pin: 60%, Trung Quốc: hơn 42%, Thái Lan: 47%, ...). Điều này cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao Bản báo cáo điều tra thường niên của JETRO với cách làm khoa học, được thực hiện một cách tổng thể, khách quan đã đem lại những thông tin thực sự hữu ích, góp phần đánh giá đúng thực trạng, tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại để kịp thời sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách ngày càng sát thực tế hơn.

Thứ trưởng cũng chia sẻ về mô hình dự án “sister brand” của thành phố Sanjo và đề nghị JETRO cùng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, nhân rộng mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng làm việc với ông Ichikawa, đồng chủ tịch Ủy ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren)

Ảnh: MPI

Keidanren là liên đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản, thành viên gồm 1.340 doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản, 109 hiệp hội công nghiệp và 47 tổ chức kinh tế tầm khu vực và địa phương.

Đồng chủ tịch Ủy ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản cảm ơn Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành thời gian đến thăm Liên đoàn kinh tế Nhật Bản. Trong tháng 12/2019 tới, Liên đoàn kinh tế sẽ cử đoàn công tác với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp thành viên sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Keidanren đối với Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong việc phối hợp tổ chức Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, bắt đầu từ tháng 4/2013, đến nay đang là giai đoạn VII, sáng kiến mang lại hiệu quả cao, nhiều nội dung, khuyến nghị, chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đưa ra đã được các cơ quan, bộ, ngành liên quan của Việt Nam tiếp thu, sửa đổi, bổ sung kịp thời luật pháp, chính sách. Sắp tới là sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật PPP và các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã thông tin về tình hình và những định hướng mới của Việt Nam trong hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 theo nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TW mới được Bộ Chính trị ban hành về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng làm việc với ông Ya-ma-nô Hi-đê-chi, đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Công - Nhật Bản, JCCI

Ảnh: MPI

Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Công - Nhật Bản được thành lập tháng 4/2013 với gần 200 doanh nghiệp thành viên với mục đích đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại của Nhật Bản với các nước ASEAN trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công nói chung và với Việt Nam nói riêng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JCCI đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kinh tế tháng 9/2012. Từ năm 2013, hằng năm hai bên phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam, tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách, nhằm thảo luận về các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Ông Yamano Hidechi, đồng chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Công - Nhật Bản cho biết, theo kết quả khảo sát từ 15 Tập đoàn lớn Nhật Bản do JCCI tiến hành điều tra năm 2018 về tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam khi so sánh với Trung Quốc và Thái Lan, trong đó chi phí nhân công giá rẻ, thị trường mở, nền kinh tế phát triển, chính trị và an ninh ổn định là một trong những yếu tố được các doanh nghiệp đề cập tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao sự hợp tác của JCCI đối với Việt Nam trong việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các Đối thoại thường niên. Đây là kênh đối thoại quan trọng cùng với Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cam kết cùng JCCI luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng để hỗ trợ các hoạt động đầu tư và kinh doanh thuận lợi và có hiệu quả. Ba vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ tăng tỉ lệ nội địa hoá, đào tạo nhân lực chất lượng cao chính là ba đột phá chiến lược mà Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã đến thăm và làm việc với tập đoàn Sojitz, một tập đoàn thương mại tổng hợp lớn của Nhật Bản được thành lập vào năm 2004 trên cơ sở sáp nhập giữa Tập đoàn Nissho Iwai và Tập đoàn Nichimen. Hiện nay, Sojitz có khoảng 350 công ty con và 140 công ty liên doanh trên toàn thế giới với doanh thu 40 tỷ USD; là công ty Nhật Bản đầu tiên thiết lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 1986 và đã đầu tư thành công ở rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam: lĩnh vực thiết bị (ITC, nhà máy sản xuất điện, phụ tùng xe máy), năng lượng (gas và than), hóa chất (Kho hóa chất, nhựa, đất hiếm), hạ tầng (xây dựng KCN) và tiêu dùng (thức ăn gia súc, phân bón, trồng rừng, gỗ ...) và các dự án BOT Sơn Mỹ 1, Phú Mỹ 3, Công ty phân bón Việt - Nhật...

Ảnh: MPI

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đề nghị Sojitz với thương hiệu và lĩnh vực kinh doanh đa dạng của mình sẽ tiếp tục đầu tư, thực hiện các dự án kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Tập đoàn có thế mạnh, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), tham gia vào quá trình thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt./.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1475
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)