(MPI) - Trong khung khổ chương trình Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) năm 2019, chiều ngày 19/9/2019 đã diễn ra phiên toàn thể với chủ đề Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đồng điều hành Diễn đàn.
|
Toàn cảnh Phiên toàn thể. Ảnh: MPI |
Startup Việt Nam sẽ có thể kêu gọi được đầu tư trên chính quê hương
Tham dự sự kiện quan trọng này có đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới, đại diện cơ quan Chính phủ của một số quốc gia trong khu vực và một số quốc gia khác trên thế giới có kinh nghiệm liên quan đến chủ đề lựa chọn, các đối tác phát triển tại Việt Nam, các doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước và nước ngoài,…
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tóm lược kết quả phiên 1 và phiên 2 diễn ra trong buổi sáng với chủ đề “Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập” và “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”. Đồng thời cho biết, tại hai phiên này đã có 10 bài trình bày của các chuyên gia hàng đầu và hai phần thảo luận chung với các ý kiến bình luận, trao đổi rất có giá trị.
Tại phiên thứ nhất về “Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập”, các diễn giả đã nhất trí rằng xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hiện tại cũng như trong giai đoạn sắp tới.
Các tham luận, bình luận, trao đổi đã làm rõ đều cho rằng những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam gắn liền với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến thể chế phát triển liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,... đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng ở vị trí khá cao. Việt Nam cũng tiếp nhận được rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài so với các nước trong khu vực.
Việt Nam đã hình thành được các loại thị trường, trong đó thị trường hàng hóa, dịch vụ là phát triển nhất, vận hành cơ bản thông suốt và có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh trong điều kiện kinh tế thị trường, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, phương thức quản lý được đổi mới, qua đó giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Một nhận định quan trọng của nhiều diễn giả là so với thông lệ quốc tế và yêu cầu của sự phát triển, các thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam về thực chất còn nhiều khiếm khuyết, dẫn đến kìm hãm sự phát triển.
Tại Phiên 2 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm rất có giá trị mà ở đây, kinh nghiệm của In-đô-nê-xi-a và Hàn Quốc là những ví dụ rất tốt để Việt Nam tham khảo. Các diễn giả cũng phân tích, làm rõ và cho rằng thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo luôn đòi hỏi các dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đã đạt được các kết quả tích cực. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ, đào tạo lực lượng lao động mới, hợp tác học thuật…
Để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Việt Nam vẫn còn một số điểm cần cải thiện đó là: số lượng kỹ sư có trình độ cao còn ít; cơ sở hạ tầng dữ liệu và chất lượng dữ liệu còn hạn chế; doanh nghiệp chưa có động lực đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để tự động hóa vì chi phí lao động tại Việt Nam còn thấp.
Đặc biệt, các diễn giả cũng nhận định rằng, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang có dư địa phát triển rất lớn ở Việt Nam và cần được thúc đẩy phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, các diễn giả cũng đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
Các diễn giả cũng khuyến nghị sự tham gia đầu tư trực tiếp của Chính phủ để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng cho Startup. Chính phủ cũng cần xây dựng được thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước, các Startup Việt Nam sẽ có thể kêu gọi được đầu tư trên chính quê hương của mình và Việt Nam sẽ giữ lại được tất cả những Startup triệu đô trong tương lai. Luật Đầu tư mạo hiểm và Thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước cần được xem xét, ban hành để kêu gọi dòng đầu tư từ nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam.
Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam trong việc tiến lên trên chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tăng năng suất
Tại phiên toàn thể, Chuyên gia kinh tế trưởng, WB Pinelopi Koujianou Goldberg trình bày tham luận về kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam trong việc tiến lên trên chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tăng năng suất.
Theo bà Pinelopi Koujianou Goldberg, một chuỗi giá trị là tất cả các khâu, các bước trong kinh doanh để đưa sản phẩm, dịch vụ từ dây chuyền đến nhà kho, người dùng. Các quốc gia có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu theo nhiều cách khác nhau. Để chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiên tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu, mức độ mở cửa thương mại của nền kinh tế và kỹ năng người lao động là nhân tố quyết định. Bên cạnh đó, tham gia sâu vào các hiệp định thương mại sẽ làm tăng trưởng chuỗi giá trị toàn cầu.
Diễn đàn được nghe nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Ma-lai-xi-a K.Yogeesvaran chia sẻ kinh nghiệm vượt bẫy thu nhập trung bình với Việt Nam. Đồng thời cho biết, để trở thành quốc gia có thu nhập cao, Ma-lai-xi-a xác định, phải tăng cường vào vốn con người; chuyển đổi sang các ngành phức hợp, giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến; giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm; tăng cường bền vững môi trường qua phát triển tăng trưởng xanh; cải cách thể chế và quản trị nhà nước; nâng cao năng suất ở cả 3 cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành, doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo để hướng tới thịnh vượng.
Ông K.Yogeesvaran nhấn mạnh, để tăng trưởng bền vững trong dài hạn cần tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo; đổi mới sáng tạo cần được định hướng để tạo giá trị và lợi ích kinh tế; phải cải cách thể chế và quản trị để hình thành hệ sinh thái hỗ trợ và đảm bảo rằng, FDI sẽ đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế trong nước. Cùng với đó, phải cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và tăng cường phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Một Việt Nam không ngừng mơ ước
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAid) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ hai với chủ đề: Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động.
Chia sẻ về “một Việt Nam không ngừng mơ ước”, Thủ tướng cho biết, ước mơ, khát vọng hướng về phía trước dù rất đẹp, nhưng thực tại là những điều chúng ta buộc phải đối mặt, buộc phải vượt qua. Với quan điểm nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình, đánh giá cao nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế. Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế là thứ 6… Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có bản lĩnh vững vàng, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm vừa qua để tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm và hành động mạnh mẽ.Tiếp tục hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể. Ảnh: MPI |
Từng bước biến khát vọng thịnh vượng của Việt Nam thành hiện thực
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn ý kiến chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới để từng bước biến khát vọng thịnh vượng của Việt Nam thành hiện thực thông qua những ưu tiên và hành động cải cách và phát triển phù hợp trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
“Qua những phân tích sâu sắc của Thủ tướng, chúng ta nhận thức rõ hơn về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn mà đất nước đạt được trong thời kỳ chiến lược vừa qua, cũng như những khó khăn, thách thức cả về chủ quan lẫn khách quan mà Việt Nam phải đối mặt trong thời kỳ tới. Cụ thể là nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế. Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần xác định rõ các ưu tiên phát triển và cần hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, cần khắc phục triệt để các hạn chế, tồn tại để phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và toàn nền kinh tế.
Vấn đề cải cách thể, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là những nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và cá nhân Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo rất sát sao trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng phải quyết liệt hành động để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất, kinh doanh…
Thực hiện cải cách thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, thường được gọi tắt là Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã gấp rút hoàn thiện Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược, vạch ra khuôn khổ cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương có sơ sở vững chắc tận dụng cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp những nhận định, đề xuất có giá trị của các diễn giả quốc tế và trong nước tại Diễn đàn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời đưa ra những kiến nghị với Thủ tướng về những bước tiếp theo cần thực hiện để sử dụng hiệu quả những kinh nghiệm, kiến thức quốc tế, những gợi ý, đề xuất phù hợp thu nhận được từ Diễn đàn hôm nay như những đầu vào quan trọng cho việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 cũng như Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Với tư cách là người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ có vai trò tham mưu tổng hợp và luôn nỗ lực đi đầu trong công cuộc cải cách, đổi mới, phát triển đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan phát huy những kết quả đạt được và luôn nỗ lực cao nhất để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Diễn đàn VRDF 2019.
Tại Phiên toàn thể, các đại biểu tập trung thảo luận về chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đạt được năng suất cao hơn: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam; Kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình thông qua đổi mới sáng tạo và khuyến nghị cho Việt Nam; Chuyển dịch Việt Nam lên tầm phát triển mới: Học hỏi từ những hiểu biết quốc tế; Định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045;…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư