(MPI) – Đây là chủ đề của phiên thảo luận thứ hai tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển (VRDF) 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAid) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2019 tại Hà Nội.
Tại Phiên thảo luận 2, các đại biểu đã tập trung thảo luận về đổi mới sáng tạo: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam; Xây dựng nền kinh tế công nghệ thông tin; chuyển đổi cơ cấu trong nền kinh tế Hàn Quốc; Công nghệ, đổi mới sáng tạo và các tổ chức của tương lai; Đầu tư mạo hiểm - động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo; Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
|
GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Nguồn nhân lực là chìa khóa để hiện thực hóa nền kinh tế công nghệ thông tin
Chia sẻ một số nội dung về xây dựng nền kinh tế công nghệ thông tin: Chuyển đổi cơ cấu trong nền kinh tế Hàn Quốc, GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST) cho biết, Hàn Quốc là một trong những đối thủ mạnh về bằng sáng chế liên quan đến công nghệ thông tin, 1 trong 3 quốc gia hàng đầu trong 20 lĩnh vực công nghệ thông tin mới nổi, một trong những quốc gia đã thiết lập được vai trò dẫn dắt toàn cầu trong sản xuất công nghệ thông tin được kết nối nhiều nhất - cố định và di động. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đứng đầu trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về đóng góp của ngành công nghiệp công nghệ thông tin vào GDP, một trong số ít các quốc gia OECD có các website của Chính phủ “một cửa”, nằm trong số các quốc gia OECD vận hành hệ thống thuế trực tuyến; xếp thứ 2 trên thế giới, sau Ai-len về chỉ số phát triển công nghệ thông tin của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU 2016), ITU 2017 và vượt trội các nước thu nhập cao về cơ sở hạ tầng và sử dụng công nghệ thông tin...
Theo GS. Sungchul Chung, với kinh nghiệm của Hàn Quốc, nguồn nhân lực là chìa khóa để hiện thực hóa nền kinh tế công nghệ thông tin. Trong nền kinh tế công nghệ thông tin, cần “lực lượng lao động tri thức” chứ không phải “lực lượng lao động công nghiệp”. Một quốc gia phải được chuẩn bị về mặt công nghệ để thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế công nghệ thông tin. Tính sẵn sàng về công nghệ chỉ có thể có được thông qua nghiên cứu và phát triển, học hỏi, điều này đòi hỏi năng lực và đầu tư hấp thụ công nghệ lớn.
Để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế công nghệ thông tin, chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ trong quá trình thiết kế chính sách mà cả khi xây dựng cơ sở hạ tầng. Kinh nghiệm của Hàn Quốc chứng minh rằng, cạnh tranh cũng mang lại hiệu quả trên thị trường dịch vụ truyền thông nên cần khuyến khích tư nhân hóa và tự do hóa các ngành thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, lãnh đạo chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, xây dựng sự đồng thuận trong cả nước về định hướng, tầm nhìn, thiết kế, thực thi và ý chí mạnh mẽ để biến tầm nhìn thành hành động...
Đầu tư mạo hiểm - Động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo
Trình bày những vấn đề về đầu tư mạo hiểm - Động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, ThS. Thạch Lê Anh, Người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) cho biết, khi nói đến đổi mới sáng tạo mà không nói đến thị trường vốn thì không có sự đổi mới sáng tạo, mà nguồn vốn ở đây là nguồn vốn về đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam chưa có thị trường vốn đầu tư mạo hiểm mà chủ yếu Việt Nam vốn từ các Ngân hàng thương mại, mà những vốn này không thể giúp cho các doanh nghiệp có thể yên tâm đổi mới sáng tạo.
Đầu tư mạo hiểm tại Mỹ mỗi năm có thể thu về từ 60 đến 70 tỷ USD. Con số trên chỉ chiếm 0,23% đến 0,37% GDP của Mỹ nhưng lại tạo ra đến 21% GDP. Các doanh nghiệp được đầu tư bởi quỹ đầu tư mạo hiểm tạo ra 11% việc làm Mỹ. Trong tổng số 1.330 công ty đã thực hiện IPO từ năm 1979 đến năm 2013, 43% được đầu tư bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm.
|
ThS. Thạch Lê Anh, Người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
“Chúng tôi là nhà đầu tư rất mong Việt Nam có hành lang cho đầu tư mạo hiểm, Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cho đến nay là không đủ. Chúng ta có thể có các công ty quản lý quỹ, hoặc các công ty đầu tư nhà nước thông qua công ty quản lý quỹ để đầu tư cho các start-up. Chúng tôi mong muốn thật sự có một thị trường vốn dành cho start-up và có một bộ luật dành cho đầu tư mạo hiểm. Nếu như được phép, chúng tôi sẵn sàng đầu tư với Chính phủ”. ThS. Thạch Lê Anh chia sẻ.
Tại Việt Nam, một số rào cản hướng tới nền kinh tế tri thức do tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ tăng trưởng GDP còn ở mức thấp, khả năng thương mại hóa công nghệ rất hạn chế. Các nhà khoa học không muốn hoặc không biết cách kinh doanh, thương mại hóa công nghệ và thậm chí cũng không có động lực để kinh doanh. Star-tup là công cụ tốt để giải quyết các vấn đề thương mại hóa công nghệ nhưng hiện tại đang gặp phải khó khăn khi thị trường vốn của Việt Nam quá sơ khai để họ có đủ nguồn lực thực hiện thương mại hóa công nghệ.
Về thị trường vốn cho đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư thiên thần và Quỹ đầu tư mạo hiểm là nguồn cung cấp vốn phổ biến ở một số nước nhưng chưa phát triển tại Việt Nam, với nguyên nhân là thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam vẫn còn sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và các Quỹ đầu tư đã hoạt động ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư trong nước. Vì vậy năng lực cạnh tranh quốc gia suy giảm, khả năng mắc bẫy thu nhập trung bình.
Cơ hội để Việt Nam tăng trưởng GDP ở giai đoạn hiện tại chính là tăng trưởng năng suất lao động thực và một trong những yếu tố để tăng trưởng năng suất lao động thực TFP nhanh nhất chính là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ bằng việc tạo thị trường vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam cho các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Từ những phân tích trên, Nhóm chuyên gia VSV đề xuất Chính phủ Việt Nam 2 vấn đề lớn đó là sớm soạn thảo và ban hành Luật đầu tư mạo hiểm và Thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước để kêu gọi đồng đầu tư từ nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam... Bên cạnh đó, Chính phủ cần đóng vai trò thu hút khối tư nhân cùng đầu tư vào thị trường Startup. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ Star-tup và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam mà còn cả trong khu vực và trên thế giới... Như vậy, nếu Chính phủ tiên phong trong việc xây dựng được thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước, các Star-tup sẽ có thể kêu gọi được đầu tư trên chính quê hương của mình và Việt Nam sẽ giữ lại được tất cả những Star-tup triệu đô trong tương lai.
Trí tuệ nhân tạo đang bắt đầu được phát triển rất tích cực tại Việt Nam
|
GS. Massimo Piccardi, Trưởng khoa xử lý và phân tích tín hiệu. Ảnh: MPI |
Chia sẻ về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, GS. Massimo Piccardi, Trưởng khoa xử lý và phân tích tín hiệu cho biết, trí tuệ nhân tạo đang bắt đầu được phát triển rất tích cực tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam, số lượng kỹ sư có trình độ cao còn ít, cơ sở hạ tầng dữ liệu và chất lượng dữ liệu còn hạn chế, một số doanh nghiệp chưa có động lực đầu tư vào AI để tự động hóa vì chi phí lao động tại Việt Nam còn thấp. Nhà máy thông minh tại Hải Phòng của GE trong ngành công nghiệp sản xuất là một ví dụ về nhà máy sản xuất tiên tiến, đã khai thác các công nghệ như AI, IoT, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây, sử dụng lực lượng lao động hơn 1.000 người. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các công nghệ xử lý hình ảnh bằng AI của Viettel đang giúp nông dân đánh giá sự phát triển của cây lúa. Trong lĩnh vực dịch vụ, bệnh viện điện tử của FPT cung cấp một hệ thống quản lý bệnh viện toàn diện để quản lý tất cả các hoạt động từ đăng ký khám đến xuất viện, và đã được hơn 400 bệnh viện và phòng khám sử dụng.
AI dường như đang phát triển rất tích cực ở Việt Nam, nhưng nhiều bên liên quan vẫn kêu gọi tiếp tục đầu tư và phát triển. Theo GS. Massimo Piccardi, câu hỏi mở sẽ là làm thế nào để tăng nguồn lực cho hoạt động đào tạo lực lượng lao động lành nghề mới. Một sáng kiến đáng chú ý theo hướng này là Chương trình Học bổng Khoa học và Công nghệ đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài do Vingroup cung cấp, với tối đa 100 học bổng toàn phần một năm trong giai đoạn 2019-2030, làm thế nào để thúc đẩy, gia tăng nguồn lực cho các dự án nghiên cứu chung giữa Việt Nam và các tổ chức nghiên cứu nước ngoài? Biên bản ghi nhớ được ký gần đây giữa Việt Nam và Ô-trây-li-a về hợp tác chuyển đổi kỹ thuật số và xây dựng năng lực. Những sáng kiến theo hướng này sẽ giúp Việt Nam đi đầu trong quá trình chuyển đổi AI trong hiện tại và tương lai./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư