Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/09/2019-20:37:00 PM
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tại Sapporo
(MPI) – Trong khuôn khổ Ngày Việt Nam tại Sapporo, ngày 17/9/2019, tại thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Chính quyền tỉnh Hokkaido tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tại Sapporo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và bà Takahashi Harumi, Thống đốc tỉnh Hokkaido ký kết
Biên bản ghi nhớ ngày 07/8/2017

Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Chính quyền tỉnh Hokkaido cảm ơn đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về việc ký kết Biên bản ghi nhớ về giao lưu hợp tác kinh tế giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và tỉnh Hokkaido. Qua đó, đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và tỉnh Hokkaido nói riêng, của Việt Nam và Hokkaido nói chung.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển rất tốt đẹp, hợp tác chính trị, đối ngoại với sự tin cậy cao là nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển thành công và mở rộng hợp tác về văn hóa, giao lưu Nhân dân ngày càng sâu sắc.

Tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Nội đã cập nhật về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, trong ba thập niên (1986 - 2017) GDP của Việt Nam đạt bình quân 6,63%, năm 2018 tăng 7,08%. Kim ngạch thương mại đạt 480 tỷ USD, xuất siêu 6,7 tỷ USD. Chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Dân số Việt Nam đạt gần 95 triệu người, số người lao động có độ tuổi dưới 35 chiếm trên 60% lực lượng lao động và đây là một lực lượng lao động trẻ, được đào tạo có chất lượng.

Việt Nam luôn chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các Hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra những thị trường rộng lớn về xuất nhập khẩu, vốn đầu tư..., góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của quốc gia.

Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, nhất quán; đơn giản hóa các thủ tục Thuế, thông quan hải quan; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động có chuyên môn, tay nghề cao; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao tính kết nối giữa các vùng, miền địa phương của Việt Nam; thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, từng bước nâng cao tỉ lệ cung ứng nội địa.

Toàn cảnh Diễn đàn

Phó Cục trưởng Nguyễn Nội cho biết, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, chuyển thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao; chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu... cùng với yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Tỉnh Hokkaido đứng đầu Nhật Bản với thế mạnh trong nông nghiệp, thủy hải sản và đào tạo nguồn nhân lực cũng chính là một trong những lĩnh vực Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh Hokkaido tìm kiếm địa điểm đầu tư, đối tác có năng lực để làm nhà phân phối tại Việt Nam cho một số sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh như: cá tươi, khoai tây, cà chua…

Tại Diễn đàn, Lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Quảng Ninh đã giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tích cực đầu tư vào địa phương.

Đại diện của JETRO chia sẻ về kết quả điều tra khảo sát thực trạng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á năm tài chính 2018, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong ba năm gần đây tăng kỷ lục, trong đó 65% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 70% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các nước khác (Phi-lip-pin: 60%, Trung Quốc: hơn 42%, Thái Lan: 47%,...). Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa thấp và chi phí nhân lực đang tăng lên là một trong những điều quan ngại của doanh nghiệp Nhật Bản.

Ngay sau Diễn đàn, Phiên kết nối doanh nghiệp đã diễn ra rất sôi động./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1486
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)