(MPI) – Ngày 26/9/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Tham vấn dự thảo Quyết định về hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV Việt Nam đến năm 2030”.
|
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường Đào Đình Tân.
Ảnh: Mai Phương (MPI) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Đình Tân cho biết, việc giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) là hoạt động thu thập, cập nhật thông tin, số liệu thường xuyên và định kỳ về tình hình thực hiện các mục tiêu PTBV. Qua đó, xác định được tiến độ thực hiện cũng như thực hiện và theo dõi những hoạt động đang được thực hiện và xem xét đến các nguồn lực đã được sử dụng để thực hiện và xác định các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu PTBV.
Đồng thời, xác định mức độ, kết quả đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu và các rào cản, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm cũng như đánh giá giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được mối liên quan giữa kết quả đầu ra với các hoạt động, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mục tiêu PTBV.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên viên Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc về PTBV (HLPF) được tổ chức hằng năm nhằm theo dõi và đánh giá việc thực hiện CTNS 2030 và Các mục tiêu PTBV (SDGs) ở cấp độ toàn cầu thông qua Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện (Báo cáo VNR) của các nước được trình bày.
Việt Nam là một trong 47 quốc gia tiến hành việc xây dựng và tham gia trình bày thành công Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu PTBV tại Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc vào tháng 7 năm 2018 tại New York, Mỹ.
Báo cáo được xây dựng nhằm chia sẻ bài học kinh nghiệm, tiến độ thực hiện 17 mục tiêu PTBV của Việt Nam với các nước trên thế giới và được các nước đánh giá cao về công tác chuẩn bị nội dung trình bày.
Công tác giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV đang bước đầu được hình thành theo Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê PTBV tại Thông tư 03/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019. Dự kiến, trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành Quyết định về hướng dẫn giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu PTBV.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hình thành một số văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV tại Việt Nam. Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện khá nghiêm túc việc ban hành Kế hoạch hành động của mình trong việc triển khai CTNS 2030. Việt Nam tích cực tham gia vào các diễn đàn toàn cầu, khu vực để chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI) |
Hiện nay nhu cầu tài chính cho thực hiện các mục tiêu SDGs là rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu SDGs đến 2030. Báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương về công tác triển khai thực hiện CTNS 2030 hầu hết đều cho thấy việc huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu PTBV rất khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách công đang khó khăn. Hiện chưa có một dòng ngân sách riêng cho việc triển khai thực hiện CTNS 2030. Cơ chế phối kết hợp và huy động sự tham gia của các bên hiện nay chưa được hình thành và vận hành thông suốt. Việc tổ chức thực hiện CTNS 2030 tới nay vẫn theo chiều từ trên xuống, kể cả trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách chưa thực sự chủ động…
Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, trong thời gian tới cần tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển bền vững. Thúc đẩy lồng ghép các mục tiêu PTBV trong Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành và vận hành hiệu quả hệ thống thống kê về PTBV. Đồng thời, hình thành quỹ hỗ trợ PTBV hoặc có cơ chế tài chính để hỗ trợ ban đầu cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tổ chức liên quan trong thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030.
Trình bày dự thảo Quyết định về hướng dẫn giám sát, đánh giá các mục PTBV Việt Nam đến năm 2030, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho biết, dự thảo Quyết định quy định về việc hướng dẫn các bên liên quan tham gia giám sát, đánh giá và nội dung giám sát, đánh giá. Đồng thời, quy định các biểu mẫu giám sát, đánh giá, quy trình giám sát, đánh giá và chế độ báo cáo giám sát, đánh giá.
Theo Dự thảo, nguyên tắc giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV phải gắn với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV. Việc giám sát và đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV phải căn cứ vào bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam, các chỉ tiêu PTBV của bộ, ngành và địa phương (nếu có) và lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030 để thu thập số liệu và cần huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực, chủ động của tất cả các bên liên quan nhằm đảm bảo tính bao trùm, không để ai bị bỏ lại sau.
Đồng thời, việc giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, giữa trung ương và địa phương trong hoạt động giám sát, đánh giá nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững.
Các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác giám sát, đánh giá phải đầy đủ, kịp thời, chuẩn xác, trung thực và minh bạch. Đảm bảo khách quan, khoa học trong thu thập, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin, dữ liệu về thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu PTBV, lồng ghép với quá trình giám sát, đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp. Kết quả giám sát, đánh giá thực hiện các các mục tiêu PTBV phải được lưu trữ một cách hệ thống.
Dự thảo quy định nội dung giám sát, đánh giá thực hiện lồng ghép các mục tiêu PTBV trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong chiến lược, chính sách, quy hoạch kế hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương cũng như các kết quả thực hiện 17 mục tiêu PTBV và 115 mục tiêu cụ thể tại Quyết định số 622/QĐ-TTg theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 681/QĐ-TTg và theo bộ chỉ tiêu thống kê PTBV được quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại Kế hoạch hành động quốc gia và việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương.
Về quy trình giám sát, đánh giá, Dự thảo quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức, đoàn thể ở trung ương và của địa phương.
Về chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đối với Báo cáo thực hiện các mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động, Dự thảo quy định chậm nhất ngày 15 tháng 12 hằng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, đoàn thể gửi Báo cáo thực hiện các mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp. Chậm nhất ngày 31 tháng 01 của năm tiếp sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thực hiện các mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động của năm báo cáo.
Về Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu PTBV (VNR), chậm nhất ngày 30 tháng 5 của năm trình bày Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu PTBV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu PTBV. Báo cáo PTBV theo chuyên đề, báo cáo đột xuất khác, thực hiện theo yêu cầu hoặc quy định cụ thể của từng báo cáo. Đối với mục tiêu cụ thể thông qua việc lồng ghép, huy động của tư nhân tạo tiền đề thúc đẩy khó khăn, cơ chế phối hợp chủ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đưa ra các khuyến nghị, tham vấn nhằm hoàn thiện dự thảo Quyết định về hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV Việt Nam đến năm 2030./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư