(MPI) - Ngày 03/10/2019 đã diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan tổ chức. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và đồng chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn.
Đồng chủ trì phiên toàn thể có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Diễn đàn còn có sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo từ cơ quan Nhà nước, bộ, ban, ngành, địa phương, các đại sứ quán, các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng các chuyên gia, doanh nhân hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, năng lượng, sản xuất, vận chuyển, giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin…
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 là diễn đàn có quy mô lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Diễn đàn sẽ đưa ra cái nhìn tổng quát về tình hình triển khai số hóa trong thời đại 4.0 tại Việt Nam, cập nhật những xu hướng mới trong công nghệ và đề xuất những giải pháp về chuyển đổi số quốc gia trong các ngành kinh tế, chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước.
Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức với các mục đích công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0; Tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam; Triển lãm, giới thiệu các thành tựu, giải pháp công nghệ của CMCN 4.0 cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam; Kết nối kinh doanh và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực của CMCN 4.0 giữa các nhà đầu tư quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
|
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, CMCN lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Nước ta không thể đứng ngoài cuộc mà cần có chủ trương, chính sách để chủ động tham gia, phát huy có hiệu quả các cơ hội, đối phó với thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều tên gọi khác nhau.
Đối với Việt Nam, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị khóa XII đã chỉ đạo nắm bắt về cuộc CMCN lần thứ 4. Hàng loạt các công trình nghiên cứu, diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức để làm rõ bản chất, phân tích và dự báo tác động của cuộc CMCN này tới các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế. Nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN lần thứ 4 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4" với mục tiêu là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN lần thứ 4 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Với chủ đề "Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN lần thứ 4", phiên Diễn đàn cấp cao tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4" và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia CMCN 4.0 của Việt Nam, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số. Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao bao gồm Báo cáo tổng quan và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng điểm, chính phủ số và xã hội số.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm quan gian hàng triển lãm. Ảnh: MPI |
Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra 05 hội thảo chuyên đề với các bài trình bày từ các chuyên gia tư vấn quốc tế cũng như các tập đoàn lớn tập trung vào các ngành và nhóm giải pháp chính: Sản xuất, Thành phố thông minh, Năng lượng, Tài chính – Ngân hàng & Kinh tế số. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong vận hành và lắng nghe chia sẻ giải pháp từ các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các nhà cung cấp giải pháp.
Bên lề Diễn đàn diễn ra Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 với nhiều gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế. Song hành với hội thảo và triển lãm là hoạt động Kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư