Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/10/2019-13:44:00 PM
Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX
(MPI) - Nhằm đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển kinh tế tập thể sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó xác định phương hướng, mục tiêu và giải pháp cụ thể trong những năm tiếp theo, ngày 14/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu với thành phần bao gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tiêu biểu… Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội và các đầu cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Kinh tế tập thể (KTTT) với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm HTX, liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), THT) là thành phần kinh tế quan trọng trong 05 thành phần kinh tế đã được Đảng và Nhà nước xác định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng (từ Đại hội lần thứ IV): “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”, “KTTT phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, các THT phát triển tương đối ổn định về số lượng, cũng như đa dạng hình thức hoạt động, không chỉ ở những nơi chưa có tổ chức HTX mà còn ở cả những địa bàn HTX khá phát triển, rộng khắp mọi miền cả nước. Mô hình THT phù hợp với nhu cầu của người nông dân, lao động nghèo, đặc biệt là người nông dân, lao động nghèo ở vùng nông thôn và miền núi, mang tính chất thời vụ hoặc vụ việc, hợp tác với nhau theo hợp đồng hợp tác…

Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố đến ngày 31/12/2018 cả nước có 101.405 THT (58.467 THT trong lĩnh vực nông nghiệp và 42.938 THT phi nông nghiệp). Nhìn chung, xuất phát từ nhu cầu phát triển của kinh tế hộ và điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi địa bàn, THT được thành lập với hình thức tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động khá đa dạng. Hoạt động của THT chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống. THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. Đồng thời, THT đã phát huy giá trị tinh thần về xã hội, văn hóa, như khuyến khích tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo báo cáo tổng kết Nghị quyết của 63 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/12/2018, toàn quốc có 22.861 HTX (13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng 8.513 HTX (khoảng 59%) so với năm 2003, trong khi số thành viên HTX giảm 358.246 người (khoảng 5,6%) so với năm 2003. Trong 5 năm trở lại đây, từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm.

Mặc dù khó khăn nhưng hiệu quả hoạt động của các HTX những năm gần đây ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của HTX năm 2018 tăng lên so với thời điểm năm 2003. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 đạt 4.477,3 triệu đồng/HTX, tăng 3.622,7 triệu đồng (gấp khoảng 4,2 lần) so với năm 2003.

Nhìn chung, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, khu vực HTX đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng, nhiều HTX có quy mô toàn xã, huyện. Nhiều loại hình HTX mới được thành lập như HTX môi trường, HTX trường học, HTX y tế… Trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao. Một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của HTX. Thông qua HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhờ đó, thu nhập của người lao động cũng như của thành viên, hộ thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới, Phát triển KTTT, HTX nhấn mạnh, Đại hội Đảng lần thứ VI đã nêu, phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần, trong đó, kinh tế nhà nước và KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, trung ương xác định trong KTTT thì HTX luôn giữ vai trò nòng cốt.

Phát triển KTTT đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) lần đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về KTTT (Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002) với mục tiêu đưa KKTT thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển HTX đã chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và đến nay cơ bản các bộ ngành, địa phương đã thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, những ý kiến đóng góp, giải pháp đề xuất tại Diễn đàn KTTT, HTX năm 2019 và Hội nghị này sẽ là những biện cứ khoa học quan trọng để hoàn thiện Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị ban hành những quyết sách, chủ trương mới cho phát triển KTTT, HTX, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã trình bày tóm tắt Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã trình bày các tham luận và đưa ra các khuyến nghị chính sách về phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới.

Đặc biệt, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chỉ đạo và nhấn mạnh đây là Hội nghị quan trọng để củng cố niềm tin và đổi mới cách làm. Qua đó, phát huy tốt hơn và tiếp tục nâng cao vai trò thực chất của KTTT trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta. Về cơ bản, HTX đã đạt được đồng thuận về vai trò, ý nghĩa mang tầm chính trị, văn hóa, đóng góp vào việc xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng, vì lợi ích thiết thực của mỗi thành viên trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KTTT, HTX./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3877
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)