Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/10/2019-19:25:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet
(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 24/10/2019, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư công, Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Đến nay, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, các thành viên Chính phủ và đã được Chính phủ thông qua.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận, nguồn nước mặt hằng năm được khai thác chủ yếu từ 3 con sông gồm sông Phan, sông Mương Mán và sông La Ngà. Nguồn nước này phân bổ không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng nước trên các sông rất lớn, gây ra lũ lụt, trong khi vào mùa khô nước sông cạn kiệt, gây khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của Nhân dân trong huyện. Việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước là vấn đề cần được quan tâm nhằm điều tiết nguồn nước, đáp ứng nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt là việc cấp nước sinh hoạt cho trung tâm Thị trấn Thuận Nam và cấp nước cho cây trồng chủ lực là cây thanh long về mùa khô. Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng, hồ chứa nước Ka Pet sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, để phát triển kinh tế - xã hội.

Việc khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước sông Ka Pet nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Nam, một trong những vùng khô hạn, thường xuyên xảy ra hạn hán nhất của tỉnh Bình Thuận và cả nước. Việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pet nhằm tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; nước cho sinh hoạt của người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; cấp nước cho sản xuất công nghiệp của khu công nghiệp Hàm Kiệm II; cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du sông Cà Ty (giảm lưu lượng đỉnh lũ 320m3/s, giảm mực nước lũ 55cm) đi qua thành phố Phan Thiết đồng thời cải thiện môi trường sinh thái do tăng lưu lượng xả nước về hạ du trong mùa khô.

Dự án hồ chứa nước Pa Két thuộc loại công trình cấp II với tổng mức đầu tư của dự án: 585,647 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 - 2024. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư thực hiện gồm nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 theo Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020. Đến giai đoạn sau năm 2020, tỉnh Bình Thuận sẽ cân đối từ nguồn Ngân sách tỉnh từ năm 2021 đến 2025 và cân đối trong tổng nguồn trung ương hỗ trợ cho địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở xem xét toàn diện các vấn đề theo quy định, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 8 thông qua chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Do dự án có quy mô nhỏ tương đương nhóm B và tỉnh Bình Thuận có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án hồ chứa thủy lợi có quy mô tương tự hoặc lớn hơn, đề nghị giao cho UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư Dự án.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh:MPI

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet như ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh, công trình sẽ có tính quyết định trong việc cấp nước không chỉ cho huyện Hàm Thuận Nam mà còn đối với việc cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết và vùng nam Bình Thuận để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp.

Việc đầu tư Hồ Ka Pet sẽ mang đến lợi ích như cấp nước tưới cho 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam. Đồng thời, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường: giảm lũ và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Tỉnh.

Dự án có sử dụng 162,55ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 7, điểm b Khoản 1 Điều 17 Luật đầu tư công, khoản 1 Điều 20 Luật lâm nghiệp thì Dự án Hồ chứa nước Ka Pet thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác. Đồng thời, căn cứ Điều 19 và khoản 1 Điều 21 Luật lâm nghiệp về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác, UBND tỉnh Bình Thuận đã có phương án trồng rừng thay thế với diện tích 1.941,69ha tại 03 địa điểm như Báo cáo tiền khả thi đã nêu.

Qua nghiên cứu hồ sơ Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhận thấy, Dự án đã đáp ứng các quy định của pháp luật về việc trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng sang mục đích khác.

Dự án phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt; Quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2011 - 2020 được phê duyệt; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Bình Thuận được Chính phủ phê duyệt;…

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Dự án, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, việc xây dựng hồ chứa nước lớn là công trình sử dụng lâu dài (tuổi thọ là hàng trăm năm), trên địa bàn thường xuyên chịu khô hạn như huyện Hàm Thuận Nam với các mục tiêu như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo việc làm mới, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hạn chế tình trạng di dân tự do, tạo ổn định xã hội, đảm bảo an ninh trật tự khu vực này. Cùng với đó là cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái khu vực lân cận, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ của Tỉnh.

Qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Báo cáo trồng rừng thay thế, đền bù giải phóng mặt bằng và qua khảo sát thực tế tại vị trí xây dựng Hồ chứa nước và các địa điểm dự kiến trồng rừng thay thế cho thấy diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi tuy là 162,55 ha, chỉ chiếm 0,6% diện tích lâm phần nhưng thuộc ranh giới phía ngoài của khu bảo tồn, chất lượng lượng rừng khu vực này ở mức trung bình, không phải là nơi sinh sống thường xuyên của loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm. Khu vực sẽ là lòng hồ trong tương lai không có dân cư sinh sống (không phải di dân tái định cư), không có tài nguyên khoáng sản, di tích lịch sử văn hóa và công trình kiến trúc phải bảo vệ, bảo tồn.

Điều kiện về địa hình, địa chất khu vực này thuận lợi cho việc xây dựng hồ chứa nước; đập chính được xây dựng dựa trên địa thế tự nhiên giữa 02 vách núi; kênh dẫn là sông, suối tự nhiên nên việc xây dựng ít gây tác động đến môi trường; dung tích hồ được tính toán khoa học, kỹ lưỡng dựa trên cân bằng nước; suất đầu tư xây dựng hồ thấp (chỉ 9 nghìn VNĐ đồng/m3 nước, trong khi các hồ lân cận suất đầu tư từ 14 - 18 nghìn đồng/m3). Đồng thời, 03 khu vực dự kiến trồng rừng thay thế đều là diện tích đất trống nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp của Tỉnh, không có tranh chấp, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện Dự án. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đánh giá Dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững.

Dự án công trình Hồ Ka Pet đáp ứng tiêu chí công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Dự án có quá trình chuẩn bị công phu từ nhiều năm, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Hồ sơ Dự án được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đầu tư, đầu tư công và đất đai. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhất trí cho rằng, dự án Luật đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 này.

Bên cạnh đó, Dự án có nguồn vốn đầu tư thuộc nhóm B (mức đầu tư thấp), chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và hạng mục xây dựng công trình không phức tạp (công trình cấp II), phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Tỉnh. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt trong tổ chức thực hiện Dự án để giảm bớt một số thủ tục hành chính.

Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3851
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)