Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/10/2019-08:15:00 AM
Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô
(MPI) - Nhằm thúc đẩy thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, ngày 22/10/2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô”.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng phụ trách CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, Hội thảo nhằm mục đích cập nhật, đánh giá tác động của các chính sách hiện hành như chính sách thuế, hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô.

Chia sẻ về thực trạng chính sách tài chính đối với ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù đã có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp ô tô, song nhìn chung, ngành công nghiệp này của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015 - 2018 đạt 10%. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Về tình hình tiêu thụ xe ô tô năm 2018-2019, sản lượng tiêu thụ xe tại Việt Nam hiện chỉ ở mức dưới 300 nghìn xe/năm, Thái Lan tiêu thụ khoảng 1 triệu xe/năm. Hiện nay, nhu cầu mua sắm ô tô của người dân Việt Nam đang ngày càng cao, 6 tháng đầu năm 2019 tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn nhiều mức trung bình 65-70% của các nước trong khu vực và mức 80% của Thái Lan. Ngành sản xuất phụ tùng ô tô mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa...

Về thực trạng ngành công nghiệp ô tô và phát triển ô tô, bà Nguyễn Thị Hải Bình cho biết, số doanh nghiệp lắp ráp nhiều, quy mô thị trường nhỏ, trong khi giá bán cao và chất lượng còn hạn chế so với xe nhập khẩu. Công nghiệp ôtô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào phân công sản xuất của các tập đoàn toàn cầu và chưa làm chủ được công nghệ lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, truyền động... Thị trường chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện quy mô lớn. Cần có sự thay đổi nhanh và nhiều của chính sách thuế, đặc biệt là các chính sách thuế đối với linh kiện. Sự thiếu đồng bộ trong một số chủ trương, chính sách. Thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, trong đó có thuế suất, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc các loại xuống 0%.

Về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035, bà Nguyễn Thị Hải Bình cho biết, đến năm 2020, Việt Nam đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035, đáp ứng trên 65% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hải Bình đã chỉ ra một số định hướng cũng như giải pháp như ban hành các chính sách mới, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ôtô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các chính sách tài chính khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô với mức độ ưu đãi phù hợp với quy mô đầu tư để thúc đẩy đầu tư quy mô lớn.

Ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính nhằm khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường dựa trên các quy định cụ thể về dung tích động cơ, lượng phát thải, tiêu chuẩn Euro và các tiêu chuẩn về an toàn, khuyến khích phát triển các dòng xe cỡ nhỏ và các dòng xe thế hệ mới. Sửa đổi các chính sách về thuế, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ôtô điện (bao gồm cả chính sách cho người mua). Thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước, giảm thuế với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước, ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô. Tập trung chính sách tài chính nhằm phát triểm cụm phụ tùng, linh kiện hoặc khu công nghiệp ô tô theo chuỗi giá trị.

Trình bày về nội dung hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Trưởng ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, áp lực cạnh tranh sản xuất, tiêu thụ xe ô tô của Việt Nam với các nước trong khu vực lớn và trực tiếp. Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng, ngang với Thái Lan, Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều điểm bất lợi trong sản xuất xe ô tô, khiến giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu khá nhiều.

Ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, ngành sản xuất linh kiện có nhiều xu hướng tích để phát triển và cần được hỗ trợ để giảm chi phí khấu hao và chi phí nhập khẩu. Ngành công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cũng cần được hỗ trợ tín dụng, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, được tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế để có thêm động lực phát triển.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần có ưu đãi về tín dụng, như Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên cho doanh nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ. Các chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ Chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp, sự hỗ trợ kết nối về vốn, công nghệ, thị phần sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thực trạng, bất cập và hạn chế trong triển khai thực hiện các chính sách như chính sách thuế, chính sách tài chính đối với ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô. Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược Công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2550
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)