(MPI) – Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hàn Quốc, ngày 29/10/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất. Diễn đàn do Hãng Truyền thông Hàn Quốc Newsis tổ chức nhằm giới thiệu tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác giữa hai nước và kết nối kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc.
Diễn đàn có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Phát triển doanh nghiệp, công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc Kim Jong Gu, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc Kim Yong Rae, Chủ tịch Hãng Truyền thông Newsis Kim Hyung Ki, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú và hơn 400 đại biểu phía Hàn Quốc tham dự là Lãnh đạo các Cơ quan Chính phủ, Quốc hội, giới tri thức, học giả, doanh nghiệp quan tâm đến hợp tác kinh tế với Việt Nam.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI
|
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, được vun đắp bằng tình hữu nghị và những nỗ lực chung của Chính phủ và Nhân dân hai nước. Sự tin cậy, tình cảm chân thành và những mối liên kết gắn bó qua thời gian đã tạo nên quan hệ gần gũi giữa Nhân dân hai nước.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ thông tin đã cùng Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Kang-hyeon chủ trì kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 17 tại Hà Nội với kết quả rất thiết thực, hiệu quả và thành công. Qua đó, cùng tìm ra cách giải quyết các vướng mắc, khó khăn và mở ra hướng đi mới thúc đẩy quan hệ hợp tác nói chung giữa hai nước.
Hàn Quốc hiện là nơi sinh sống, học tập và lao động của gần 150 nghìn người Việt Nam, trong đó, hàng chục nghìn người coi Hàn Quốc là quê hương thứ hai của mình. Việt Nam cũng trở thành điểm đến để đầu tư, kinh doanh, học tập và sinh sống của hơn 150 nghìn người Hàn Quốc, đứng đầu trong các nước Asean.
Trên nền tảng chia sẻ những lợi ích cốt lõi trong hợp tác song phương và đa phương, với tính bổ trợ cao của hai nền kinh tế, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư lớn nhất, đối tác hợp tác phát triển song phương và du lịch lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. “Có thể nói chúng ta là những “đồng minh” về hợp tác kinh tế và phát triển”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận định.
Với hơn 66 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò tích cực trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng đến năng lượng, ô tô đến hàng không vũ trụ, bất động sản đến tài chính ngân hàng, startups đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, logistics đến dịch vụ... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, xuất khẩu, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Ba thập kỷ trước khi mới đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung vào những dự án công nghiệp nhẹ, xuất khẩu. Đến nay, đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ gắn với mục tiêu xuất khẩu mà còn hướng đến thị trường và doanh nghiệp trong nước.
|
Ảnh: MPI
|
Hiện đang có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, cung cấp linh kiện và cùng phát triển sản phẩm cho các thương hiệu ô tô bản địa. Đồng thời cũng là những đối tác chiến lược của những Tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Kebhanabank sở hữu 15% cổ phần BIDV, SK sở hữu 6% cổ phần của Vingroup... Đây không chỉ là những dự án hợp tác để tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn mở ra một chương mới, khi doanh nghiệp hai nước cùng hướng đến thị trường khu vực và thế giới.
Cùng với các hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, dự kiến đạt khoảng 70 tỷ USD vào năm 2019. Việt Nam là một trong hai nước thuộc Asean duy nhất có Hiệp định FTA song phương với Hàn Quốc (cùng Xinh-ga-po), kim ngạch thương mại song phương chiếm 50% tổng kim ngạch giữa Hàn Quốc và Asean.
Việt Nam - Hàn Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng của nhau, với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàn Quốc cung cấp nguồn linh kiện, máy móc thiết bị thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam. Việt Nam là điểm tựa để các Tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên (1986 - 2018) đạt bình quân 6,74%. Trong đó, năm 2018 tăng 7,08%, cao nhất trong một thập kỷ; năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định. Dân số Việt Nam đạt hơn 96,2 triệu người; trên 60% lực lượng lao động có độ tuổi dưới 35, được đào tạo tiếp cận kỹ thuật, công nghệ và xu thế mới. Mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,8%/năm. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD.
Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột: thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Chỉ số đổi mới sáng tạo được Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) đánh giá tăng 12 bậc.
|
Ảnh: MPI
|
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng khá, đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%. Các chỉ số kinh tế quan trọng đạt và vượt chỉ tiêu. Tháng 7/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trường nhanh nhất khu vực Asean năm 2019 và sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 7% trong thời những năm tới.
Thị trường Việt Nam đang có những thay đổi căn bản và tăng nhanh về sức mua dựa trên nền tảng thu nhập bình quân đầu người. Quy mô GDP Việt Nam tiệm cận mức 300 tỷ USD. Tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số và đang tăng nhanh, tạo nên một thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ hấp dẫn đứng thứ 6 toàn cầu (theo A.T.Kearney). Đến năm 2025 sẽ có 49% dân số sống ở các đô thị; tỷ lệ hộ gia đình thu nhập cao tăng lên gần 25%.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng tin tưởng rằng thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch kinh doanh thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các thương hiệu Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong 10 nước có số người sử dụng internet cao nhất toàn cầu với 61 triệu người dùng thường xuyên. Ngoài ra, với dân số trẻ, năng động, Việt Nam dành ưu tiên cao nhất phát triển nền kinh tế số dựa trên đổi mới, sáng tạo. Việt Nam đã ban hành Chiến lược Công nghiệp 4.0. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ USD năm 2025 với các lĩnh vực tiềm năng như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến,... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc hợp tác, liên kết và hỗ trợ tài chính với các đối tác trong nước.
Việt Nam tiếp tục kiên định chính sách hội nhập quốc tế và đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam cùng Hàn Quốc đang tích cực đàm phán hướng đến mục tiêu ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2019, mở ra nhiều cơ hội mới cho đầu tư, thương mại trong khu vực kinh tế rộng lớn, có quy mô dân số lớn nhất và tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu.
Việt Nam đã tham gia và được đánh giá là nước tận dụng được nhiều lợi ích nhất trong Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định có những tiêu chuẩn cao, toàn diện, là bảo đảm pháp lý quan trọng, giảm thấp rủi ro cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam cũng là nước Asean thứ hai (sau Xinh-ga-po) và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), mở thêm cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế nói chung và Hàn Quốc nói riêng đến Việt Nam để tiếp cận thị trường EU.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam đã thu hút được gần 360 tỷ USD tổng vốn đăng ký từ 132 đối tác quốc tế. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, các dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, vươn lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, dần hình thành sự liên kết với doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
|
Ảnh: MPI
|
Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nêu rõ, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài", thể hiện điểm mới là bình đẳng, cùng có lợi, chủ động có định hướng hợp tác và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được xác định là “bộ phận hợp thành quan trọng” của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện một cách “chủ động, có chọn lọc”, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Để hiện thực hóa Chiến lược trên, Chính phủ đang hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, phê duyệt các dự thảo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hướng tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án FDI có chất lượng. Đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những dự án đầu tư có tính chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam.
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư quốc gia và cải thiện chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, nhất quán. Đơn giản hóa các thủ tục thuế, hải quan...; Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động có chuyên môn, tay nghề cao, giảm dần sự phụ thuộc vào lợi thế “nhân công giá rẻ”; Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao tính kết nối giữa các vùng, miền, địa phương của Việt Nam; Thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, từng bước nâng cao tỉ lệ cung ứng nội địa và phát triển chuỗi giá trị trong nước.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng hoan nghênh và đánh giá cao Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với mục tiêu thúc đẩy thịnh vượng chung, con người và hòa bình. Trong đó, xác định Việt Nam là một trong những đối tác trọng tâm của chính sách này. Việt Nam cũng luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại; Coi cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hàn Quốc được coi là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới (theo bảng chỉ số sáng tạo toàn cầu Bloomberg 2017), Việt Nam được coi là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng động hàng đầu Asean.
Việt Nam và Hàn Quốc có độ mở kinh tế lớn, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các quốc gia đang diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đang được tái cấu trúc mạnh mẽ. Hai nước cũng đang tìm động lực hợp tác, phát triển mới cho kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo, dịch vụ chất lượng cao. Trong quá trình đó, Việt Nam khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc, đẩy mạnh hợp tác toàn diện từ phát triển thương hiệu, sản xuất, thị trường trong chuỗi giá trị, phát huy và kết hợp thế mạnh của mỗi nước. Đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới - cơ khí chính xác, nông nghiệp - chế biến thực phẩm, ICT, năng lượng, phát triển hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh, y tế, sinh học, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa DNNN, các dự án khởi nghiệp...
Hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc luôn đem lại lợi ích tốt đẹp cho mỗi bên, không chỉ trong các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư và còn mở sang các hoạt động thể thao, văn hóa, giáo dục và giao lưu Nhân dân. Một Việt Nam phát triển là cơ hội cho Hàn Quốc, một Hàn Quốc thịnh vượng là cơ hội cho Việt Nam phát triển.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục vai trò đầu mối, dẫn dắt quá trình cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, kinh doanh thành công, hiệu quả đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bên lề Diễn đàn, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã chủ trì buổi Tọa đàm với hơn 20 doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tại Tọa đàm, hai bên đã trao đổi về các cơ hội đầu tư, giải đáp đề xuất của doanh nghiệp trong các vấn đề về năng lượng, giao thông, hạ tầng, công nghiệp chế tạo...
|
Ảnh: MPI
|
Trước đó, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) Kim Ki Mun. Hai bên đã trao đổi về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế toàn cầu. Đồng thời, thống nhất xây dựng cơ chế hợp tác để tiếp tục thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc đầu tư hiệu quả, thành công tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng đã làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Máy nông nghiệp Hàn Quốc (KAMICO) Kim Sil Gil, Lãnh đạo Tập đoàn Hanwha, Đại diện Công ty LG về việc hợp tác, thu hút đầu tư trong các dự án về năng lượng, máy nông nghiệp, Pin thế hệ mới, hàng không vũ trụ…/.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư