(MPI Portal) - Tiếp nối kết quả Đối thoại chính sách Việt - Nhật về kết cấu hạ tầng diễn ra vào tháng 4/2012, chiều ngày 14/11, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Đối thoại Việt - Nhật về Kết cấu hạ tầng lần thứ hai, với nội dung tập trung bàn về cảng biển và đường bộ.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Buổi đối thoại đã diễn ra với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki, cùng đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam và đại diện phía Nhật Bản.
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của vấn đề kết cấu hạ tầng đối với mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam. Lĩnh vực này trước đây dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước, tuy nhiên hiện nay do nguồn ngân sách hạn hẹp cùng với chủ trương của Chính phủ mở rộng các nguồn vốn đầu tư khác, lĩnh vực kết cấu hạ tầng đang được chú trọng thu hút, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Bộ trưởng cũng đồng thời nhấn mạnh hiệu quả đầu tư của Nhật Bản đối với các kết cấu hạ tầng tại Việt Nam, các kết cấu hạ tầng lớn đặc biệt là về giao thông vận tải đều có dấu ấn của Nhật Bản.
Đáp lời Bộ trưởng, Đại sứ Nhật Bản Tanizaki nhấn mạnh trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhu cầu về cảng biển và đường bộ là rất lớn, theo đó cần chú trọng thông tin dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cụ thể các bước kế hoạch và các mục tiêu về thời gian thực hiện,
Về vấnđềtầm nhìn dài hạn đối với các dự án kết cấu hạ tầng, Đại sứ cho rằng khi đưa ra quyết định đầu tư về hạ tầng, cần xem xét các mục tiêu chung và dài hạn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đang tồn tại ở các dự án hạ tầng tại Việt Nam, do chỉ xem xét các bối cảnh ngắn hạn và những mục tiêu trước mắt.
Theo phần trình bày của Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải, quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam dài 258.106 km, trong đó có 104 tuyến đường quốc lộ với 18.650km. Các mục tiêu Quy hoạch phát triển đường Quốc lộ đến năm 2020 bao gồm: Nâng cấp và cải tạo mạng lưới đường cao tốc phù hợp với phân loại kỹ thuật (khoảng 5.428 km); Mở rộng và xây mới đường cao tốc để đáp ứng nhu cầu giao thông lớn, ưu tiên mở rộng quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ; Xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc, kết nối Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các cửa cảng biển và cửa giao thông cao điểm (khoảng 1.697 km); Hoàn thành đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh và phần nâng cấp tại Tây Nguyên; Xây dựng hành lang và đường cao tốc ven biển, biên giới đất liền; Nâng cấp các tuyến đường quốc tế phù hợp với đặc điểm kỹ thuật khu vực; Triển khai Quỹ đường bộ, tiến hành nghiên cứu phát triển giai đoạn hai của Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Theo đó, nhu cầu vốn để triển khai quy hoạch đến năm 2020 dự kiện khoảng 938.877 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2012-2015 xấp xỉ 369.300 tỷ đồng (92.500 tỷ đồng/năm), giai đoạn 2016-2020 xấp xỉ 569.577 tỷ đồng (114.000 tỷ đồng/năm).
|
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki.Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Do nhu cầu vốn cho xây dựng hạ tầng rất lớn, Đại sứ Nhật Bản bày tỏ sự đồng thuận với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rằng cần thu hút nguồn lực từ bên ngoài đặc biệt là khu vực tư nhân, mà một trong những yếu tố quan trọng để thành công là hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này tham gia đầu tư dự án.
Trong bối cảnh đường bộđang ngày càng xấu đi do mật độ tham gia giao thông ngày càng tăng, bảo trì đường bộ đang trở thành một nhiệm vụ cấp thiết của Việt Nam. Các vấn đề về bảo trì đường bộ ở Việt Nam chủ yếu do thiếu hụt ngân sách (thường chỉ được phân bổ 60-80% ngân sách được đề xuất), năng lực kỹ thuật còn yếu kém; bên cạnh đó là các bất cập có liên quan tới thủ tục hành chính, hệ thống văn bản pháp lý phức tạp, chồng chéo; nhiều rào cản trong giới thiệu công nghệ mới… Từ đó, JICA đề xuất hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức liên quan đếnthu thậpvà xây dựng cơ sở dữ liệu đường bộ; Hệ thống quản lý mặt đường (hỗ trợ kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm cho dự toán ngân sách nhà nước); Hệ thống quản lý cầu Việt Nam (thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu cầu trong cả nước); Khung hoạt động và bảo trì đường cao tốc. Các dự án khác như triển khai dựa trên Hợp đồng bảo trì đường bộ do WB thí điểm hỗ trợ, Quỹ bảo trì đường bộ do Chính phủ Việt Nam bắt đầu triển khai vào tháng 01/2013 nhằm giải quyết ngân sách cho bảo trì đường bộ.
Đối với triển khai dịch vụ logistics, ông Mitsutaka, một chuyên gia đến từ JICA đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy định trong kinh doanh vận tải hàng hóa. Các quy định về kinh doanh vận tải hàng hóa cần được thực hiện và quản lý một cách thích hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics và đảm bảo an toàn các tàu chở hàng.
Kết thúccuộc đối thoại, hai Bên đồng ý rằng sẽ tiếp tục đẩy nhanh triển khai các dự án theo hình thức PPP, sử dụng vốn đầu tư ODA của Nhật Bản mà điển hình là 2 dự án cảng Lạch Huyện, Hải Phòng và cảng Cái Mép – Thị Vải, Bà Rịa – Vũng Tàu.
|
Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Bên lề cuộc đối thoại Việt – Nhật về kết cấu hạ tầng lần thứ 2, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanazaki đã gửi công hàm cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, liên quan đến 6 dự án đầu tư với tổng vốn cho vay khoảng 1,2 tỷ Yên, bao gồm: 3 dự án đang triển khai (Dự án cải tạo tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, Dự án xây dựng Cảng Cái Mép – Thị Vải ở phía Nam, Dự án đường kết nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân), 3 dự án mới (Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3, Dự án cải thiện hệ thống thủy lợi Bắc Việt Nam).
Trong bối cảnh Nhật Bản cũng gặp rất nhiều khó khăn và nhu cầu về phát triển cũng đang rất cấp bách, nguồn vốn hỗ trợ mà Nhật Bản dành cho Việt Nam là dựa trên mối quan hệ hữu nghị thân thiết và đặc biệt gắn kết giữa hai nước. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Nhật Bản và đồng thời khẳng định rằng Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn hỗ trợ từ Nhật Bản./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư