Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/10/2012-08:00:00 AM
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam
(MPI Portal) – Sáng 17/10, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có buổi tiếp ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam. Tham dự buổi tiếp có ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, cùng đại diện các đơn vị trong Bộ có liên quan.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao vai trò của IMF đối với Việt Nam. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới nên những biến động của kinh tế thế giới đều ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới hợp tác giữa Việt Nam - IMF ngày càng chặt chẽ hơn, định kỳ cần có những cuộc trao đổi hai bên về những nhận định của IMF về tình hình kinh tế thế giới, những quan điểm xử lý những chính sách vĩ mô.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Bộ trưởng cho biết thời gian qua khi triển khai chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có những biện pháp về chính sách tiền tệ rất mạnh mẽ để ổn định kinh tế vĩ mô như việc thắt chặt tín dụng, dư nợ tín dụng năm 2010 là trên 30%, sang tới năm 2011 dư nợ tín dụng là 12–14%, sang năm 2012 thì 6 tháng đầu năm là âm, tới thời điểm hiện nay là 1-2% ở mức rất thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm từ năm 2011. Nhưng bên cạnh đó để lại nhiều khó khăn không nhỏ là trên 40.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, thu ngân sách năm nay giảm chưa từng có, mất cân đối, kèm theo thất nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra năm 2012 là 15-17%, nhưng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đang ở mức âm. Theo như dự kiến của Ngân hàng nhà nước, tăng trưởng tín dụng cả năm 2012, sẽ chỉ ở mức 6-8%. Mặc dù, mức tăng trưởng tín dụng thấp như vậy, nhưng tổng nguồn cung tiền ra thị trường trong quý IV năm 2012có thểsẽ vẫn rất lớn. Nếu vậy thì lạm phát có thể tăng mạnh trở lại, tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực bất động sản, nợ xấu tiếp tục tăng cao. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn đều ở tình trạng khó khăn về tài chính.
Một vấn đề khác được đặt ra là huy độngtiền gửikhoảng hơn 12%, dư nợ tín dụng là 2,5%. Do vậy còn khoản 10% vẫn cònnằm trong ngân hàngmà chưa đưa ra được để phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lãi suất tín dụng đã giảm, nhưng số doanh nghiệp tiếp cận tới nguồn vốn này rất thấp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Ổn định kinh tế vĩ mô là nguyên tắc ưu tiên số một” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, nợ xấu khoảng 8,6% là còn xa so với thực tế. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan làm chính sách. Các chính sách tiền tệ phải phù hợp với chính sách tài khóa. Phải cân đối hài hòa giữa vĩ mô với tăng trưởng nhất là trong xử lý tình huống (cần có các biện pháp hợp lý). Bộ trưởng đưa ra quan điểm đó là “Ổn định kinh tế vĩ mô là nguyên tắc ưu tiên số một” và vừa qua, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, hệ quả là tiềm ẩn nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô.
Một loạt các chính sách bất hợp lý trong thời gian qua đã được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định là cân đối tích lũy tiêu dùng của Việt Nam trong một thời gian dài là không hợp lý. Chính vì việc chạy theo tăng trưởng kinh tế ở mức cao, dẫn tới kinh tế vĩ mô của Việt Nam luôn mất ổn định thể hiện như chính sách tiền tệ bất hợp lý. Dư nợ tín dụng tăng trưởng quá mức, chính sách tài khóa cũng chưa được tốt, tất cả với mục đích nhằm cho mục tiêu tăng trưởng. Chính sách phân cấp đầu tư dàn trải, 63 địa phương là 63 đơn vị làm kinh tế. Việc quyết định đầu tư xây dựng quá nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp dẫn tới áp lực đầu tư lớn và rất dàn trải trong khi đó nguồn lực của Trung ương còn hạn hẹp và bị phân tán ra nhiều địa phương, dẫn tới đầu tư công dàn trải kém hiệu quả.
Kết quả là chất lượng tăng trưởng thấp và rất nhiều mục tiêu mang tính then chốt của đất nước lại không đủ nguồn lực để triển khai. Chưa nói đến việc làm chính sách phân tán, không đồng bộ, cái nọ đá cái kia. Nhiệm vụ của Chính phủ Việt Nam hiện nay cần khắc phục những điểm yếu đó.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng cho biết rất ủng hộ chính sách tiền tệ Ngân hàng nhà nước Việt Nam thực hiện trong thời gian qua. Phải có một chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ với dư nợ tín dụng hợp lý, phải giải quyết được nợ xấu và giải ngân thực hiện đều trong 12 tháng.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam cần phải nâng cao được năng suất tổng hợp, đưa khoa học công nghệ vào làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất thấp.

Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng thời gian qua Việt Nam có quá nhiều mục tiêu phát triển cho nền kinh tế như mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu về lạm phát, mục tiêu tăng trưởng tín dụng,… Vậy những mục tiêu đó có nhất quán với nhau không? Mục tiêu nào không nhất thiết phải đưa thành mục tiêu, và mục tiêu nào là số một, mục tiêu nào nên giữ lại, mục tiêu nào không nên giữ, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những mục tiêu chính ở cấp Quốc gia.
Ông Sanjay Kalra còn đưa ra khuyến nghị, Việt Nam không nên chấp nhận một mục tiêu tăng trưởng thấp, cần đưa mục tiêu tăng trưởng cao hơn về trung hạn gắn với cải cách cơ cấu vì Việt Nam có lực lượng lao động trẻ rất dồi dào, nhiều tiềm năng, ổn định về chính trị và vị trí quan trọng trong khu vực.
Kết thúc buổi tiếp, Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cám ơn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã dành thời gian tiếp, đồng thời nhất trí với quan điểm của Bộ trưởng là giữa IMF và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có những cuộc trao đổi định kỳ về tình hình kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam để có những dự báo về tình hình kinh tế một cách xác thực giúp cho việc đưa ra những chính sách hiệu quả cho Việt Nam./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1992
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)