1. Kinh tế:
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 năm 2019 tăng 1,2% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,24% so cùng kỳ; trong đó một số ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh có mức tăng trưởng tốt, tăng trên 11% (Sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 12,9%, Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 13,2% , Dệt tăng 11,8%...).
- Về xây dựng: Tập trung rà soát tiến độ triển khai các công trình thoát nước khắc phục tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Chỉ đạo triển khai biện pháp đảm bảo an toàn dọc các tuyến sông, suối/rạch, kênh/mương trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh.
- Về sản xuất nông nghiệp 8 tháng đầu năm:
+ Trồng trọt:
* Cây hàng năm: diện tích gieo trồng Cây lúa vụ Đông xuân là 16.281 ha, tăng 1,87% (+300 ha), nguyên nhân vụ Đông Xuân tăng là do chủ động được nguồn nước và khâu chuẩn bị đất tốt nên diện tích tăng khá; Tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu 2019 toàn tỉnh là 61.914 ha, giảm 4,53% (-2.938 ha) so cùng kỳ, nguyên nhân giảm do một số diện tích trồng lúa giao đất dự án khu dân cư và làm đường giao thông; đặc biệt diện tích ngô năm nay giảm nhiều do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh đó thời tiết mưa nhiều, một số diện tích bị ngập úng không xuống giống được và do mưa trên diện rộng khiến nhiều diện tích cây trồng bị đổ ngã, ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng.
* Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có là 173.089,85 ha, giảm 0,99% so cùng kỳ, Trong đó diện tích cây ăn quả giảm 1,65%; Cây công nghiệp lâu năm giảm 0,68%, nguyên nhân diện tích cây lâu năm giảm do một số cây lâu năm như điều, tiêu, cao su do giá thấp nên người dân chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác; mặt khác hiện nay một số diện tích cây lâu năm ở thành phố Long Khánh, huyện Thống Nhất, Trảng Bom chuyển sang đất qui hoạch dự án, do vậy xu hướng cây lâu năm giảm dần.
+ Chăn nuôi:
* Tình hình dịch tả lợn Châu phi diễn biến phức tạp, dịch lan rất nhanh, nguy cơ lây nhiễm ở tất cả các địa phương rất cao. Đến ngày 12/8/2019, toàn tỉnh có 2.708 hộ chăn nuôi thuộc 118 xã của 11 huyện, thành phố xuất hiện dịch với tổng số heo bị chết và tiêu hủy khoảng 266 ngàn con.
* Tổng đàn gia súc có đến tháng 8/2019 là 2.409.317con, giảm 118.498 con (-4,69%) so cùng kỳ. Trong đó, heo đạt 2.331.684 con, giảm 4,8% tương đương giảm 117.622 con. Nguyên nhân, tổng đàn heo giảm do dịch tả heo Châu Phi đang bùng phát và lây lan trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, do số heo bị dịch chết nên các hộ chăn nuôi không thực hiện tái đàn, làm cho đàn heo giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu thị trường về mặt hàng heo hơi đang tăng nhanh do cung cấp thêm cho các tỉnh phía Bắc, khiến nguồn cung thiếu hụt. Hiện nay, giá heo hơi có xu hướng tăng dần, giá heo đến ngày 16/8 tăng lên mức 40.000 đến 42.000 đồng/kg.
* Tổng đàn gia cầm có đến thời điểm tháng 8/2019 là 25.298,7 ngàn con, tăng 5,84% so cùng kỳ. Trong đó gà đạt 23.900,45 ngàn con, tăng 5,95% và chiếm 94,47% tổng đàn gia cầm. Do thị trường tiêu thụ xã hội và xuất khẩu ổn định và có xu hướng tăng, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn
+ Về thủy lợi:
* Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung triển khai các dự án, công trình thủy lợi như: Dự án Tiêu thoát lũ xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh; Chương trình Điều tra, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về lĩnh vực thủy lợi phục vụ cho công tác quản lý trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo kế hoạch; Đề án rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025; Xây dựng và lắp đặt hệ thống giám sát tự động các hồ chứa trên địa bàn tỉnh theo tiến độ thực hiện trong năm 2019:
* Về thiệt hại do thiên tai: Từ ngày 08/8/2019 đến ngày 12/8/2019, do mưa lớn thượng nguồn Sông Đồng Nai, Sông La Ngà, Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ và sự cố công trình Thủy điện Đak Ka, dẫn đến mực nước Sông Đồng Nai dâng cao, gây ngập lụt các khu vực thuộc địa bàn huyện Tân Phú, huyện Định Quán, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, gây thiệt hại về người và sản xuất của người dân.
+ Về Lâm nghiệp: Tình hình lâm phận trên toàn tỉnh ổn định, công tác quản lý bảo vệ rừng được duy trì và tăng cường; trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ vi phạm lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng; các kế hoạch, dự án, đề án, phương án được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Do đang mùa mưa kéo dài trên diện rộng, độ ẩm cao, khả năng xảy ra cháy rừng thấp, trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Về Công tác trồng và chăm sóc, nuôi dưỡng rừng: Trong tháng 8/2019 tiếp tục có mưa nhiều, thuận lợi cho việc trồng rừng, các đơn vị lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng rừng để đạt kế hoạch năm 2019. Dự ước trong tháng 8 diện tích rừng trồng mới đạt 712 ha tăng 6,68% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đạt 3.332,07 ha, giảm 5,45% so với cùng kỳ.
- Về chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trong tháng 8/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Lang Minh – Xuân Lộc; Xuân Thiện, Quang Trung - Thống Nhất; Tân Bình, Hiếu Liêm – Vĩnh Cửu (mục tiêu nghị quyết TU, HĐND tỉnh năm 2019 là 5-7 xã). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 8 tháng đạt 115.684,8 tỷ đồng, tăng 11,81% so cùng kỳ. Các hoạt động du lịch, diễn ra sôi nổi, chất lượng dịch vụ tiếp tục được các đơn vị quan tâm đầu tư để thu hút du khách đến tham quan, vui chơi giải trí. So với cùng kỳ, số lượt khách tăng 10,3% và doanh thu dịch vụ du lịch, tăng 15,6%.
- Tháng 8/2019 tình hình giá cả tương đối ổn định. Chỉ số giá tháng 8 tăng nhẹ ở mức 0,03% so tháng trước; so cùng tháng năm trước tăng 2,28%; tăng 2,17% so tháng 12 năm trước; chỉ số giá bình quân 8 tháng tăng 2,55% so cùng kỳ.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2019 đạt 1.773,82 triệu USD, tăng 5,41% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 12.762,1 triệu USD, tăng 5,22% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 333,24 triệu USD, tăng 3,72%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.986,17 triệu USD, tăng 4,99%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10.442,69 triệu USD, tăng 5,31% so cùng kỳ. Nguyên nhân xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng thấp, do ảnh hưởng của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống giá thế giới giảm như: Hạt điều, tiêu, cà phê, cao su... Ngoài ra, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.
Một số ngành hàng xuất khẩu 8 tháng tăng, giảm so cùng kỳ như sau: Cao su ước tăng 38,9%; Giày, dép các loại tăng 15,32%; Máy móc thiết bị tăng 14,98%; Sản phẩm từ chất dẻo tăng 8,87%; Hạt tiêu tăng 6,14%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 6,95%; Sản phẩm gỗ …; Xơ, sợi dệt giảm 5,61%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 4,45%; Hạt điều giảm 7,35%; Cà phê giảm 13,39% so cùng kỳ.
Về thị trường xuất khẩu: chủ yếu tập trung vào thị trường chủ lực truyền thống như: Hoa Kỳ đạt 490,7 triệu USD, chiếm 29,6%; Nhật Bản đạt 188,3 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc đạt 187,5 triệu USD, chiếm 11,3%; Các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu khá như: Hàn Quốc, Bỉ, Hong Kong, Thái Lan, Đức, Úc… chiếm tỷ trọng từ 2,3% đến 5,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng 8 đạt 1.504,71 triệu USD, tăng 8,11% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 10.663,78 triệu USD, tăng 1,11% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 186,6 triệu USD, tăng 1,08%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.830,57 triệu USD, tăng 0,92%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8.646,6 triệu USD, tăng 1,15% so cùng kỳ. Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu 8 tháng tăng thấp là do giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh từ 11,65% đến 39,65% so cùng kỳ. Mặt khác do xuất khẩu tăng thấp nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất giảm.
Thị trường nhập khẩu trong tháng 8/2019 chủ yếu ở các nước: Trung Quốc ước đạt 306,9 triệu USD, chiếm 21,2%; Hàn Quốc ước đạt 243,6 triệu USD, chiếm 16,8%; Đài Loan ước đạt 164,7 triệu USD, chiếm 14,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các thị trường khác cũng có kim ngạch nhập khẩu khá cao như: Hoa Kỳ; Nhật Bản; Thái Lan; Brazil; Indonesia, Malaysia…. chiếm tỷ trọng từ 2% đến 10% tổng kim ngạch nhập khẩu.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2019;
+ Thu ngân sách trên địa bàn đạt 34.398,5 tỷ đồng, đạt 63% dự toán năm và tăng 17% cùng kỳ, trong đó:
* Thu nội địa (đã trừ tiền sử dụng đất 2.455,3 tỷ đồng, thu xổ số số kiến thiết 1.021,5 tỷ đồng) là 23.399 tỷ đồng, đạt 63% dự toán và tăng 29% cùng kỳ
Thu tiền sử dụng đất, đạt 164% dự toán năm, tăng 83% so với cùng kỳ;
Thu xổ số kiến thiết đạt 69% dự toán năm, bằng 94% so với cùng kỳ
* Thu xuất nhập khẩu: 10.900 tỷ đồng, đạt 64% so với dự toán và tăng 12% so cùng kỳ
+ Tổng chi cân đối ngân sách địa phương là 11.567,2 tỷ đồng, đạt 56% dự toán đầu năm và tăng 01% cùng kỳ. Trong đó: chi đầu tư phát triển 4.088,2 tỷ đồng, đạt 59% dự toán, bằng 91% cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 7.451 tỷ đồng, đạt 61% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ.
- Tập trung huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 8 tháng đầu năm đạt 62.220,3 tỷ đồng, tăng 53,7% so với cùng kỳ, đạt 66,5% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách chiếm 6,16% tổng vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 35,5%, còn lại là nguồn vốn đầu tư từ dân cư, doanh nghiệp và vốn ODA.
Đối với nguồn vốn từ ngân sách, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo công tác giải ngân, theo đó tổng nguồn vốn đầu công trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 18.785.253 triệu đồng, đã thực hiện giải ngân (kể cả thu nộp quỹ) là 19% kế hoạch. Nếu tính riêng kế hoạch 2019 (không kể chuyển nguồn từ năm 2018 chuyển sang là 4.512,810 tỷ đồng) là 25% kế hoạch. Chi tiết cụ thể, gồm:
a. Vốn đầu tư công cấp tỉnh năm 2019 tổng số là 15.810,678 tỷ đồng, gồm:
a.1. Vốn đầu tư công do UBND tỉnh trực tiếp giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 sau điều chỉnh là 11.297,868 tỷ đồng, gồm:
- Vốn trong cân đối ngân sách địa phương là 4.266,938 tỷ đồng. Trong đó:
+ Nguồn vốn do UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho từng dự án là 3.538,282 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân đến hết 31/8/2019 là 1.221,803 tỷ đồng, đạt 34,5% kế hoạch.
+ Nguồn thu tiền sử dụng đất nộp quỹ là 600 tỷ đồng. Đến hết 31/8/2019 đã thu là 984 tỷ đồng, đạt 164% kế hoạch.
- Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu là 53,740 tỷ đồng (trong đó vốn năm 2018 chuyển sang năm 2019 là 12,810 tỷ đồng) bố trí cho 02 dự án (Dự án Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng, dự án khởi công mới và Dự án Đường Hương lộ 10, dự án chuyển tiếp). Đến hết 31/8/2019 là 2,252 tỷ đồng, đạt 4,2% kế hoạch.
- Vốn Trái phiếu Chính phủ là 11.490 tỷ đồng (trong đó vốn năm 2018 chuyển sang năm 2019 là 4.500 tỷ đồng) bố trí cho 01 dự án quan trọng quốc gia (Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành). Đến hết 31/8/2019 là 233,251 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch
b. Vốn đầu tư công do UBND cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch là 3.103,231 tỷ đồng, giải ngân đến hết 31/8/2019 là 1.355,565 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch.
- Về thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Biên Hòa: UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 03/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
- 8 tháng đầu năm thu hút đầu tư trong nước đạt 8.899 tỷ đồng, bằng 70,6% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2018 là 12.600 tỷ đồng); Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1,21 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2018 đạt 1,208 tỷ USD
- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.536 doanh nghiệp, tăng 6,3% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký kinh doanh khoảng 26.827 tỷ đồng.
Về triển khai Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1: ngày 20/8/2019 UBND tỉnh có văn bản số 9622/UBND-KT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trước khi phê duyệt Quy hoạch tỉnh để sớm thực hiện chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - Thương mại – Dịch vụ và cải thiện môi trường.
Về quy hoạch bổ sung mở rộng các khu công nghiệp: Qua đề xuất của UBND các huyện thành phố, các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự kiến bổ sung một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn đến 2030 định hướng đến 2050, theo đó ngoài các KCN hiện có dự kiến bổ sung một số KCN tại huyện Long Thành ( tại các xã Phước Bình, Bình An, Tân Hiệp); huyện Cẩm Mỹ ( xã Xuân Quế); huyện Trảng Bom (xã Bàu Xéo); huyện Nhơn Trạch (xã Phước An); mở rộng các KCN hiện có tại các huyện Thống Nhất, Tân Phú.
- Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường: Xem xét, ban hành Quyết định phân cấp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc các khu xử lý chất thải thực hiện xây dựng các công trình, hạng mục xử lý chất thải theo tiến độ cam kết.
2. Văn hóa – xã hội:
Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; các chính sách, an sinh xã hội; các chế độ chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách, người có công tiếp tục được triển khai đồng bộ, trong 8 tháng đầu năm 2019 giải quyết việc làm cho 66.339 lượt người, đạt 83% kế hoạch năm, tăng 0,55% so với cùng kỳ năm 2018; hộ trợ giải quyết cho 224 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo vay mới với số tiền 8,295 tỷ đồng.
Công tác phòng chống dịch bệnh: So với tháng trước, trong tháng 8/2019 ghi nhận số ca mắc bệnh Sốt xuất huyết và Sởi giảm, tuy nhiên số ca mắc bệnh Tay chân miệng tăng 48,4%. Lũy kế, 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ, Bệnh Tay chân miệng giảm 4,5%, số ca mắc Sốt xuất huyết tăng 2,66 lần, Bệnh Sởi tăng 55,9 lần.
Tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 ở các cấp học THCS và THPT.
- Công tác nội vụ: phê duyệt Đề án vị trí việc làm của các Sở: Thông tin Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ; điều chuyển biên chế của các đơn vị sự nghiệp sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện.
Công tác tư pháp, thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được các ngành quan tâm thực hiện theo quy định, thực hiện công khai minh bạch trên lĩnh vực hoạt động của địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.
3. Quốc phòng – an ninh:
- Công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Về tình hình tai nạn giao thông: Tháng 8, xảy ra 26 vụ, làm chết 19 người, bị thương 12 người, so với tháng 07/2019 tăng 01 vụ, tăng 02 người chết, tăng 01 người bị thương. Lũy kế 8 tháng, xảy ra 200 vụ, làm chết 154 người, bị thương 124 người, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 55 vụ.
- Về tình hình cháy, nổ: Cháy: Xảy ra 01 vụ, so với tháng trước không tăng, giảm, không có thiệt hại về người, thiệt hại 01 xe ô tô 16 chỗ. Nguyên nhân đang điều tra; Nổ: Trong kỳ không xảy ra./.
Website Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai