Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/12/2019-14:05:00 PM
Khuyến nghị chính sách của Nhóm đối tác phát triển cho dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Để phục vụ cho việc hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 06/12/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo Khuyến nghị chính sách của Nhóm đối tác phát triển (DPG) cho dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trì Hội thảo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI

Tham dự Hội thảo có Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam Kamal Malhotra, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Osmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick, Tham tán, Trưởng Bộ phận hợp tác phát triển Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam Sebastian Paust cùng đại diện các tổ chức Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam,… cùng nhiều tổ chức khác. Tham dự Hội thảo có đại diện thường trực Tổ Biên tập, thành viên hội đồng lý luận Trung ương, Tổ Biên tập Văn kiện và một số chuyên gia.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội, trong đó Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Tổ Biên tập cùng các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo và trình Hội nghị Trung ương lần thứ 11 cho ý kiến bước đầu về Dự thảo, trình Đại hội XIII và giao các Tiểu ban tiếp tục, nghiên cứu, hoàn thiện các Báo cáo.

Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội giao Tổ Biên tập về việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học quốc tế và trong nước để tiếp tục hoàn thiện các Dự thảo một cách tốt nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Văn phòng Tổ Biên tập đã nhận được 8 nhóm ý kiến của các đối tác DPG và UNICEF liên quan đến các nhóm vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; Phát triển bền vững (bao gồm cả Biến đổi khí hậu); Các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn; Tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng; Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; Nguồn vốn con người và phát triển xã hội; Tăng cường các thể chế và quản trị nhà nước và các vấn đề liên quan đến trẻ em Việt Nam.

Bộ trưởng cho rằng, đây là Hội thảo quan trọng, nhằm tiếp tục lắng nghe, chắt lọc các ý kiến để hoàn thiện các Dự thảo. Đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề cần khuyến nghị với Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc WB tại Việt Nam Osmane Dione đánh giá cao việc được tham gia ý kiến cũng như đưa ra các nghị trình phát triển đối với Việt Nam trong thời gian tới với mong muốn hỗ trợ Việt Nam giải quyết được những thách thức, tìm ra các giải pháp phù hợp để trở thành quốc gia thu nhập trung bình thành công trong thời gian tới. Đồng thời, đưa ra các kiến nghị để xử lý các thách thức của Việt Nam nhằm tiếp tục thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trình bày về các khuyến nghị chính sách đối với vai trò của khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2021-2030, ông Osmane Dione cho rằng, Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng thông qua tăng cường môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và thể chế thị trường. Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và để khu vực này phát triển, mang lại sự tăng trưởng, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi. Phát triển cơ sở hạ tầng thông qua khu vực tư nhân, trong đó cần sớm thông qua Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất và sẽ tạo ra những cơ hội mới để thu hút đầu tư tư nhân.

Theo ông Osmane Dione, mặc dù Việt Nam đã có cam kết trong nước và quốc tế trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, song việc thực hiện chậm đã gây trở ngại cho việc phân bổ có hiệu quả các nguồn lực tài chính, cơ hội thị trường cho khu vực tư nhân và tăng trưởng năng suất. Do vậy, cần tiếp tục tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào việc nâng cao năng lực thể chế quản lý, năng lực doanh nghiệp. Mặc dù khu vực FDI đã mở rộng đáng kể nhưng nhìn chung vẫn chưa kết nối với khu vực tư nhân trong nước, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực đổi mới và quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy công nghệ, kết hợp đổi mới và bán dịch vụ, sản phẩm của họ cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, cải thiện tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua tăng cường cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, thúc đẩy việc cho vay dựa trên dòng tiền của các tổ chức tài chính và tài trợ theo chuỗi giá trị, hỗ trợ đánh giá tín dụng thay thế thông qua các ứng dụng fintech. Phát triển hệ sinh thái cho doanh nghiệp khởi nghiệp và xúc tác tiếp cận nguồn vốn mạo hiểm.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo được nghe đại diện UNIDO trình bày về mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là một nền kinh tế trong đó giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và chất thải tạo ra được giảm thiểu. Các cấu phần trụ cột tạo nên kinh tế tuần hoàn vốn đã và đang tồn tại ở Việt Nam trong vòng 20 năm qua, với các sáng kiến như tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, khu công nghiệp sinh thái,… Đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam liên quan đến mô hình kinh tế này.

Liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), phát triển bền vững, bao gồm biến đổi khí hậu, đại diện UNDP cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến trong tăng trưởng kinh tế, cải thiện xã hội rộng khắp và bền vững nhằm thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần tiếp tục có các chính sách mục tiêu để tăng cường hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế, hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho nhóm người này.

Về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Nhóm PDG cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh triển khai toàn bộ tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đồng thời, thúc đẩy nhân rộng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua việc tăng cường thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững, thông qua việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chuẩn mực xã hội về việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và thay đổi hành vi theo hướng bảo vệ môi trường…

Liên quan đến nguồn vốn con người, Nhóm đối tác cho rằng, trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được tiến bộ nhanh chóng về tăng trưởng kinh tế và phát triển con người, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nước có thu nhập trung bình thấp và là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được Việt Nam vẫn còn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục giữa các nhóm dân số, gia tăng ô nhiễm, ô nhiễm môi trường, đô thị hóa, di cư, tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và hệ thống bảo trợ xã hội còn yếu… Do vậy, để đảm bảo tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào nguồn vốn con người thông qua giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến cho những khuyến nghị chính sách về nhóm vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; Phát triển bền vững (bao gồm cả biến đổi khí hậu); Các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn; Tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng; Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; Nguồn vốn con người và phát triển xã hội; Tăng cường các thể chế và quản trị nhà nước và các vấn đề liên quan đến trẻ em Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của Nhóm đối tác. Các ý kiến đã bổ sung thêm nhiều kiến thức, vấn đề mới liên quan đến xu thế hiện nay của quốc tế. Các đánh giá, khuyến nghị bám sát với tình hình thực tiễn của Việt Nam, đây là điều rất quan trọng. Các ý kiến tham vấn của các đối tác có ý nghĩa và thiết thực cho việc xây dựng Chiến lược.

Bộ trưởng cho biết, qua hơn 30 năm đổi mới, tầm vóc và vị thế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách thu nhập với các quốc gia… Trước các mục tiêu lớn như vậy còn rất nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam như tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các xu thế bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại, phân chia cấu trúc về sản xuất, thị trường… Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập giữa các vùng miền còn cao, tình trạng biến đổi khí hậu, tái cơ cấu kinh tế, thực hiện các đột phá chưa đạt được như kỳ vọng…

Việt Nam ý thức được rằng, trước những thách thức là cơ hội như vậy đâu là cơ hội của Việt Nam và Việt Nam cần làm gì để thực hiện các cơ hội và vượt qua được các thách thức, khó khăn là nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh và mong muốn nhận được tham vấn của các chuyên gia, đối tác quốc tế. Bởi trên thực tế, Việt Nam đã có các chính sách, thể chế đối với các kiến nghị được các đối tác đưa ra nhưng quan trọng nhất vẫn là thực thi, áp dụng trong thực tiễn.

Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của Nhóm đối tác, giúp Việt Nam xây dựng được Chiến lược mang tính khái quát cao, toàn diện, đầy đủ và triển khai có lộ trình và quan trọng nhất là từ Chiến lược này để xây dựng các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với lộ trình triển khai cụ thể.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc thể hiện các nội dung trong Dự thảo nhằm đảm bảo mối quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững, quan hệ giữa thành thị với nông thôn, công nghiệp với nông nghiệp, khoảng cách giàu nghèo, thu hẹp các khoảng cách để đảm bảo phát triển nhanh bền vững, đảm bảo thu nhập… đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực chúng ta có hạn và phải đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của Nhóm đối tác không chỉ trong việc xây dựng Chiến lược mà còn đồng hành, hỗ trợ nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 6566
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)