Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/12/2019-07:51:00 AM
Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh
(MPI) - Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam năm 2019 diễn ra ngày 09/12/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là kênh đối thoại hết sức hiệu quả nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi và hợp tác hiệu quả, thành công giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế; giữa các doanh nghiệp với nhau trong lĩnh vực du lịch, các lĩnh vực khác có liên quan. Qua đó, góp phần thúc đẩy hiệu quả đầu tư, kinh doanh và nâng cao chất lượng công tác hoạch định và thực thi chính sách.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đây là diễn đàn đối thoại công - tư cấp quốc gia hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với ngành du lịch, ngành mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến các ngành, các lĩnh vực, có mối quan hệ chặt chẽ với du lịch như giao thông vận tải, nhất là lĩnh vực hàng không, bất động sản, thương mại, dịch vụ.

Chúng ta đang ở thời điểm chuẩn bị kết thúc năm 2019 và được dự kiến sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện. Trong đó, ngành du lịch có bước phát triển hết sức mạnh mẽ và bứt phá, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sự tăng trưởng du lịch, dịch vụ du lịch và hàng không trong thời gian qua thực sự rất ấn tượng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự tăng trưởng đó vẫn chưa thể hiện hết được tính bền vững, tính hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch các vùng, miền. Chất lượng các sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các giải pháp quản lý tiên tiến, hiệu quả… Do vậy, trong thời gian tới còn rất nhiều việc cần phải làm để giúp ngành du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, bền vững và mang lại hiệu quả cao hơn cũng như đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bài toán làm thế nào để nâng cao năng suất lao động gắn với ứng dụng các nền tảng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh liên kết, hợp tác theo chuỗi, tăng cường trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường,… là nội dung “nóng” tại các diễn đàn, đối thoại chính sách của nhiều ngành, lĩnh vực và ngày càng quan trọng đối với ngành du lịch, dịch vụ, hàng không trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là cơ hội để các bên liên quan thảo luận, nhận diện ra các rào cản, thách thức để tìm ra các giải pháp khả thi hiệu quả và quan trọng hơn nữa là đưa ra các giải pháp để thực hiện nhanh nhất với chi phí thấp nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau Diễn đàn này cần có báo cáo và đề xuất các giải pháp thực sự có chất lượng các Bộ, ngành có liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, lựa chọn một số nội dung ưu tiên, gắn với các vấn đề nguồn nhân lực kết hợp với nguồn lực công - tư trong việc triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ và ủng hộ tối đa, đồng hành cùng các bên liên quan để thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng đổi mới tư duy cách tiếp cận trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019 với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh" do Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Báo VnExpress tổ chức.

Diễn đàn có sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ; Đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các ban Đảng và Quốc hội; Lãnh đạo các hãng hàng không quốc gia và các doanh nghiệp hàng không dẫn đầu ASEAN; Đại diện tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO; Các tỷ phú trong ngành du lịch; doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư trong nước và quốc tế...

Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Du lịch 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp cộng đồng, ngành du lịch đã có bước phát triển vượt bậc.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Trong đó, các nhóm chỉ số tăng hạng nhiều nhất: Mức độ mở cửa quốc tế (15); Sức cạnh tranh về giá (13); Hạ tầng hàng không (11) so với năm 2017.

Năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng 6 trong 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới; được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại Lễ trao thưởng Du lịch thế giới năm 2019.

Tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018. Đây là lượng khách cao kỷ lục của một tháng, gấp 1,5 lần lượng khách tháng 01/2017, gấp 2 lần so với lượng khách tháng 11/2016. 11 tháng đầu năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong khi đó theo Tổ chức Du lịch thế giới lượng khách quốc tế đến châu Á tăng khoảng 5%. Dự kiến cả năm 2019 du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 720 nghìn tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác thỏa thuận giữa các bên để phát triển sản phẩm, dịch vụ, cải tạo hạ tầng, quảng bá điểm đến. Đáng chú ý đó là hợp tác giữa Tổng cục Du lịch với Hội đồng Tư vấn du lịch về thành lập, vận hành hai văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh và Ốt-xtrây-li-a.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra 4 phiên thảo luận theo các chủ đề: Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách; Cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách; Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến; Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch.

Mục tiêu hướng đến của Diễn đàn là thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia. Thống nhất các giải pháp cơ bản và chương trình hành động để nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam lên 10 - 15 bậc tới năm 2021; Tăng tỉ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch từ 8,39% GDP năm 2018 lên trên 10% GDP năm 2021. Đồng thời, cải thiện các bài toán cấp bách về đầu tư, quảng bá, thu hút khách du lịch từ các thị trường chiến lược và mục tiêu. Hiện thực hóa sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung hay còn gọi “Bầu trời mở ASEAN”, trước mắt ưu tiên các nước tiểu vùng sông Mekong (CLMTV)./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2493
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)