Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/01/2020-19:22:00 PM
Năm 2020: Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
(MPI) – Ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Ảnh minh họa. Đức Trung (MPI)

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Hằng năm, Chính phủ đã ban hành và quyết liệt triển khai nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các Bộ, ngành, địa phương ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động và tích cực hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Năm 2019, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện. Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 3,5 điểm và 10 bậc với 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc. Chỉ số Đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Môi trường kinh doanh cải thiện 1,2 điểm. Năng lực cạnh tranh ngành du lịch cải thiện thêm 4 bậc. Tuy vậy, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta còn ở thứ hạng thấp, đứng thứ 5 hoặc thứ 6 trong ASEAN, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN.

Theo Nghị quyết, năm 2020, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết để tiếp nối Nghị quyết số 02 (năm 2019) và các Nghị quyết số 19 (các năm 2014 - 2018) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu cải thiện thứ bậc trên các bảng xếp hạng: Môi trường kinh doanh theo xếp hạng EoDB (của WB) lên 10 bậc; Năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của WEF) lên 5 bậc; Đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của WIPO) lên 3 - 4 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 - 15 bậc.

Cụ thể, về cải thiện Môi trường kinh doanh theo EoDB trong năm 2020, phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh (A1) lên 10 - 15 bậc, chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (A2) lên 7 - 10 bậc. Cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Cấp phép xây dựng (A3); rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng trên thực tế xuống còn 120 ngày. Cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng (A4). Nâng xếp hạng chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư (A5) lên 7 - 10 bậc. Cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Tiếp cận điện năng (A6). Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản (A7) lên từ 10 - 15 bậc; rút ngắn tổng thời gian thực hiện đăng ký tài sản trên thực tế xuống còn không quá 30 ngày. Nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới (A8) lên 5 - 10 bậc. Nâng xếp hạng chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9) lên 5 - 7 bậc. Nâng xếp hạng chỉ số Giải quyết phá sản doanh nghiệp (A10) lên 7 - 10 bậc.

Về cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0 trong năm 2020, cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (B1), nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên từ 5 - 7 bậc. Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin (B5) lên từ 2 - 3 bậc. Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6) lên từ 5 - 10 bậc. Nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) lên từ 3 - 5 bậc. Nâng xếp hạng chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10) lên từ 2 - 3 bậc.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019. Các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các Bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.

Trong đó, rà soát và hoàn thiện tài liệu, tổ chức tập huấn, hướng dẫn để bảo đảm các bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ, thống nhất về mục tiêu, các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, mẫu biểu báo cáo. Ban hành Tài liệu hướng dẫn hoặc Kế hoạch hành động bổ sung (nếu cần thiết) trước ngày 15/02/2020. Tiếp tục hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời, chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố kết nối với các tổ chức quốc tế có liên quan; cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết bảo đảm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác; thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá, xếp hạng hằng năm.

Trước ngày 20/6 và trước ngày 20/02/2020, các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ số được phân công trong 6 tháng và một năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp vào báo cáo chung về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết. Nội dung báo cáo cần bám sát yêu cầu của Nghị quyết. Đồng thời, nêu chi tiết những sáng kiến, cải cách đã được triển khai và kết quả đạt được, trong đó đánh giá tác động về cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, nêu rõ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi và đề xuất, kiến nghị.

Để cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019. Công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá, hoàn thành trong tháng 01/2020. Với các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa từ năm 2020 trở đi, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, phấn đấu đến hết năm 2020, thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: Áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; công bố công khai danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; hình thức công khai phải đảm bảo phù hợp, dễ tiếp cận; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Trong quý I năm 2020 công bố công khai, đầy đủ trên Trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng kèm theo Bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi cắt giảm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020…

Theo Nghị quyết, để tổ chức thực hiện, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tại bộ, cơ quan, địa phương. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo. Trước ngày 20/6 và trước ngày 20/12/2020, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 6 tháng và một năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 tháng và cuối năm.

Từng Bộ, ngành, địa phương thực hiện truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí chủ động hỗ trợ các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức truyền thông. Đồng thời, quán triệt, phổ biến Nghị quyết sâu rộng trong các ngành, các cấp. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết.

Chính phủ yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo. Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI)./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2309
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)