Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/01/2020-16:23:00 PM
Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
(MPI) – Ngày 26/12/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành Quyết định số 1903/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên là 1.284,88 km2. Các quận nội thành chiếm diện tích 246,71km2, các huyện ngoại thành chiếm diện tích 1.038,17 km2 huyện Hoàng Sa có diện tích 305 km2.

Mục tiêu lập quy hoạch là công cụ để chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, căn cứ để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 05 năm và hằng năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Đồng thời là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống, làm việc cũng như giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của thành phố Đà Nẵng. Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển, xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn thành phố hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các tiềm năng, lợi thế bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

Đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược, hướng tới phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong dài hạn. Tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và quy hoạch thành phố Đà Nẵng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển nhanh và bền vững.

Nguyên tắc lập quy hoạch phải đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật quy hoạch, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật quy hoạch.

Bên cạnh đó, đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch thành phố với chiến lược và kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sự kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành/lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển được dựa trên mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, tính kết nối liên ngành, lĩnh vực và liên vùng.

Đảm bảo tính bền vững trong lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực thực hiện của thành phố thời kỳ 2021-2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các phương án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đồng thời, đảm bảo tính liên tục, kế thừa của quy hoạch thời kỳ trước và tính ổn định. Nội dung quy hoạch sẽ chọn lọc, kế thừa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước (trong đó có cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030) cũng như các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trước đó…

Nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của thành phố, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển thành phố, phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn thành phố, lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, phát triển đô thị, thị xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, khu kinh tế, công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao…

Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tại Quyết định, UBND thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng trong quá trình lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 864
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)