(MPI) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tư duy đổi mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tinh thần tích cực và các hành động của Chính phủ đã được Bộ vận dụng, lan tỏa tốt trong các công việc của mình, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong điều hành.
Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã vượt lên chính mình, tiên phong đổi mới tư duy và hành động có hiệu quả.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội nghị có đại diện đông đảo các Bộ, ngành, địa phương thể hiện sự quan tâm đối với Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê. Kết quả báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Ngành có nhiều kết quả rõ nét với tinh thần chung là tư duy đổi mới của Bộ. Những phương châm, hành động của Chính phủ đã được Bộ vận dụng tốt trong các công việc của mình. Đặc biệt là việc sử dụng công nghệ trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội, cụ thể như việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm Điều hành của Bộ,… đây là những vấn đề rất quan trọng.
Thủ tướng điểm lại một số nét nổi bật của nền kinh tế như hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu đạt kỷ lục. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong khi môi trường kinh doanh quốc tế phức tạp, khó lường thì không dễ dàng khi đạt được kết như vậy. Đạt được điều này là nhờ chính sách đúng đắn, sáng tạo, kiên định trong điều hành, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh, hướng vào sản xuất kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực để phát triển và có chính sách tiền tệ đúng hướng, linh hoạt. Việt Nam không chỉ tăng trưởng thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới mà đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, thể thao, văn hóa đạt nhiều kết quả, nhất là đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Tăng trưởng kinh tế toàn diện cả về cung và cầu. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng. Chất lượng tăng trưởng tốt hơn, năng suất lao động tăng, cơ cấu kinh tế tốt, thu ngân sách vượt, nhất là thu ngân sách Trung ương và đây là lần đầu tiên 100% địa phương đều vượt thu…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ của Việt Nam tăng lên trong năm 2019. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, doanh nghiệp FDI giải ngân trên 20 tỷ đô la. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 34%... Đây là những tiền đề quan trọng để bước vào năm 2020. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng - ninh của đất nước, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng đã có những đóng góp quan trọng thiết thực. Toàn Ngành đã vượt lên chính mình, tiên phong đổi mới tư duy và hành động có hiệu quả.
Tâm huyết, cải cách mạnh mẽ, tập thể đoàn kết, đồng lòng
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
“Tôi đánh giá cao tâm huyết của các đồng chí và đây cũng là đánh giá chung của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có sự hợp tác tốt với các Bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII, Bộ có “nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý rất nặng nề, yêu cầu cao”. Để thực hiện các nội dung công việc này sẽ mất rất nhiều thời gian và dành nhiều tâm huyết. Bộ đã triển khai khối lượng công việc, đề án rất lớn, đạt chất lượng cao, tiến độ đề ra và đạt tỷ lệ 100%. Công tác cán bộ, chuyển giao lãnh đạo cán bộ chủ chốt nắm bắt nhiệm vụ nhanh, hoàn thành khối lượng công việc lớn.
Bộ đã cố gắng tập trung xây dựng thể chế chính sách quản lý đầu tư công, trình Quốc hội nhiều dự án Luật, nhất là Luật đầu tư công (sửa đổi). Đây là bước đột phá. Bộ đã có những đóng góp tích cực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là thúc đẩy triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ đã rất công phu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật quy hoạch, đây là Luật khó, nhiều vấn đề phức tạp để đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng thời, chủ động trong việc xây dựng Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Trong xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, Bộ đã có nhiều tham mưu quan trọng như xây dựng Đề án Kinh tế chia sẻ, tổ chức thành công Quỹ đầu tư khởi nghiệp, tích cực xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở trong và ngoài nước. Xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm Điều hành, hội nghị thu hút nhân tài… Bộ đã tổ chức lấy ý kiến khách quan, khoa học của các cán bộ lão thành Cách mạng, các chuyên gia trong và ngoài nước về xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bộ có rất nhiều thành công, nhiều tiến bộ về đổi mới tư duy, sáng tạo và hành động. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tập thể đoàn kết, thống nhất, đóng góp nhiều cho nền kinh tế.
Với vai trò Thường trực Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào, với khối lượng công việc rất lớn nhưng vẫn đảm bảo giải ngân 100% số kinh phí đã bố trí cho các chương trình, dự án. Bộ đã đảm nhận và hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ. Cùng với cả nước, năm 2019 Bộ đã đạt những kết quả tốt hơn so với năm 2018, đóng góp vào thành công chung của cả nước.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chia vui và đặc biệt biểu dương những kết quả quan trọng ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt được. Đồng thời bày tỏ tán thành với chủ đề Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả để triển khai công tác trong năm 2020. Thủ tướng cũng biểu dương các địa phương đã có những hoạt động rất mạnh mẽ trong việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn lực. Đây chính là tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cụ thể là các Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương.
Tiếp tục có những tham mưu để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển
Để tháo gỡ hơn những nút thắt còn tồn tại, nhất là những vấn đề mới phát sinh, Thủ tướng đề nghị, đối với việc triển khai về đầu tư công còn vướng mắc về thể chế và tổ chức thực hiện, có nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao nhưng cũng có nhiều địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp. Do vậy, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục có những tham mưu để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Thủ tướng cũng đề cập đến những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng, lập kế hoạch, quản lý đầu tư công; Quản lý đấu thầu; hợp tác xã; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước; việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công nghiệp công lập; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại Đối thoại Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp còn phàn nàn về thủ tục hành chính thuế, tiếp cận vốn… Doanh nghiệp chính là động lực tăng trưởng, do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục tìm hiểu kịp thời các giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ đề xuất định hướng tham mưu mà còn chỉ đạo “sát sàn sạt” để các vấn đề đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Chủ trương 1, biện pháp 10, đôn đốc, kiểm tra 20 thì các chính sách mới đi vào cuộc sống. Thủ tướng lấy ví dụ về chủ trương kinh tế ban đêm, vậy thì triển khai kinh tế ban đêm ở các địa phương như thế nào, quản lý thế nào kinh tế ban đêm, một nguồn tăng trưởng mới của đất nước.
Hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045
Thủ tướng chỉ rõ, khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng thịnh vượng vào năm 2045 là một thực tế, không phải là khát vọng viển vông. Do vậy, không ai khác hơn mà chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực.
Trong bối cảnh, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Đây cũng là cơ hội nếu Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội. Vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng. Thủ tướng đặt vấn đề, cần làm gì để tận dụng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần khuyến nghị chính sách hỗ trợ với các địa phương như thế nào để các địa phương thực sự xem Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số là nền tảng, động lực để chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh bền vững.
Mặc dù nhiều nút thắt được tháo gỡ, một số động lực đã được khơi thông nhưng nhìn chung, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông. Thủ tướng đề nghị năm 2020, cần phải tháo gỡ được một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế. Cần tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, tập trung xây dựng chính sách, pháp luật, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chủ trương lớn.
Thủ tướng cũng lưu ý đến nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam cũng như các vấn đề về văn hóa xã hội nổi lên, có thể kìm hãm phát triển bền vững trong dài hạn. Chênh lệch giàu nghèo có sự gia tăng. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, chưa giàu đã già. Thu hút nguồn lực xã hội trong bối cảnh này rất quan trọng.
Xung phong, đi đầu trong việc giải các bài toán lớn, có đầu bài khó
Thủ tướng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò như một nhà toán học, Bộ phải xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.
Năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, mặc dù đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng Thủ tướng nhấn mạnh rằng, tuyệt đối không được tự mãn, lơ là, chủ quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2020 sớm về đích, làm sao để có thể tạo ra bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, các ngành, đặc biệt các địa phương để nhanh chóng đưa Nghị quyết 01, 02 và nhiều nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020. Đây là nhiệm vụ lớn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hệ thống ngành Kế hoạch, Đầu tư, Thống kê nghiên cứu xem cần có các chính sách có tính đột phá lớn như thế nào để Việt Nam tăng hạng hơn nữa trong năm 2020 về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Ngân hàng Thế giới đánh giá tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới, vậy làm sao để vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu, làm cho tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực cho phát triển mạnh mẽ đất nước.
Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổ chức nghiên cứu xây dựng, đề xuất thể chế thực sự đột phá cho liên kết vùng về cả cơ chế tổ chức, tài chính, ngân sách, quản trị, con người. Làm thế nào để các vùng không bị cát cứ. Đồng thời, lên kế hoạch tái đào tạo đội ngũ cán bộ ngay cả trong Bộ mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Cùng với đó, Bộ cần nghiên cứu thúc đẩy việc lồng ghép có hiệu quả hơn nữa 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vào Chiến lược quốc gia của các địa phương để sự phát triển của Việt Nam không lạc nhịp với xu hướng của thế giới.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Lãnh đạo các Bộ, ngành thăm quan Trung tâm điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Trung tâm Điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm được xây dựng trên nền tảng công cụ tiện ích phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, trong đó hệ thống phần mềm thông minh được coi là hạt nhân. Việc xây dựng Trung tâm này sẽ mang lại hiệu quả như tái hiện toàn bộ hoạt động của tổ chức từ tổng quát đến chi tiết theo thời gian thực thông qua số liệu, từ đó hỗ trợ cho lãnh đạo chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, kịp thời. Cung cấp các công cụ tổng hợp, phân tích, dự báo, báo cáo, từ đó đưa ra bức tranh toàn cảnh các kịch bản trong công tác quản lý điều hành nghiệp vụ. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của Ngành đầy đủ, tập trung với mức độ số hóa cao. Kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các cấp trong Ngành với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương thông qua nền tảng tích hợp dịch vụ quốc gia. Hỗ trợ xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển Ngành, kinh tế - xã hội cả nước trung và dài hạn một cách bền vững. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Ngành chủ động nắm bắt cơ hội trong việc triển khai các công việc phù hợp với xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra những đóng góp to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư