(MPI) – Đây là một trong những nội dung Quy chế cho vay gián tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được Hội đồng Thành viên Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành theo Quyết định số 07/QĐ-HĐTV ngày 24/10/2019.
|
Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: MPI |
Theo Quy chế, việc lựa chọn ngân hàng theo tiêu chí tính lành mạnh về tài chính là một yếu tố quan trọng mà mọi ngân hàng phải tuân thủ, được đánh giá dựa trên phương pháp CAMELS. Năng lực hoặc kinh nghiệm nội tại của ngân hàng là yếu tố đánh giá năng lực, kinh nghiệm và mức độ phù hợp của từng ngân hàng khi tham gia dự án.
Đồng thời, mức độ cam kết của ngân hàng với Quỹ trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Quỹ là đánh giá mức độ sẵn sàng của từng ngân hàng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV. Quản lý và quản trị điều hành là yếu tố phi tài chính quan trọng của ngân hàng để đảm bảo tính lành mạnh tài chính trong dài hạn của ngân hàng. Bảng tiêu chí chấm điểm được quy định cụ thể tại Quy chế.
Bên cạnh đó, Quỹ có thể sử dụng các thông tin, báo cáo ngân hàng công khai theo quy định pháp luật hoặc thông tin, báo cáo đã được kiểm toán do ngân hàng cung cấp để đánh giá ngân hàng theo các chỉ tiêu trong bảng tiêu chí chấm điểm được quy định tại Quy chế. Căn cứ vào bảng tiêu chí chấm điểm, hằng năm Quỹ sẽ chọn và công khai danh sách các ngân hàng.
Trên cơ sở kết quả chấm điểm, Quỹ sẽ lựa chọn và ký Hợp đồng khung cho vay gián tiếp với ngân hàng đáp ứng tiêu chí lựa chọn ngân hàng của Quỹ cụ thể: Thông tin về pháp nhân của Quỹ và ngân hàng, địa điểm, thời điểm ký thỏa thuận; Các thỏa thuận về phí cho vay gián tiếp, hoàn trả gốc và lãi, cách thức phối hợp xử lý, hiệu lực sửa đổi của hợp đồng khung cho vay gián tiếp; Quyền và nghĩa vụ của từng bên trong quá trình thực hiện cho vay gián tiếp, cách thức giải quyết tranh chấp, vướng mắc, vi phạm phát sinh trong quá trình thực hiện và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định tại Quy chế; Hợp đồng khung cho vay gián tiếp sẽ có hiệu lực kể từ khi được ký kết cho đến khi thanh lý Hợp đồng cho vay gián tiếp cuối cùng, tức là khi tất toán toàn bộ nghĩa vụ của các bên đối với tất cả các giao dịch cho vay gián tiếp cụ thể; Hợp đồng khung cho vay gián tiếp của Quỹ ký với từng ngân hàng có thể được điều chỉnh hoặc không thay đổi do hai bên thỏa thuận.
Trong hợp đồng khung cho vay gián tiếp có nội dung được dẫn chiếu từ Quy chế cho vay gián tiếp này và trong trường hợp Quy chế cho vay gián tiếp được sửa đổi, bổ sung thì Quỹ và ngân hàng vẫn phải thực hiện mọi quy định theo những nội dung mà Hợp đồng khung cho vay gián tiếp đã dẫn chiếu từ Quy chế cho vay gián tiếp cũ đối với các khoản vay đã thực hiện giải ngân.
Sau khi Quỹ và ngân hàng ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp mới theo Quy chế cho vay gián tiếp được sửa đổi, bổ sung thì sẽ áp dụng đối với Hợp đồng cho vay gián tiếp mới được ký kết giữa Quỹ và ngân hàng kể từ thời điểm Hợp đồng khung cho vay gián tiếp mới có hiệu lực.
Đối với những hợp đồng cho vay gián tiếp đã ký trước khi hợp đồng khung cho vay gián tiếp mới có hiệu lực, nếu cần thiết, Quỹ và ngân hàng có thể ký phụ lục hợp đồng để điều chỉnh nội dung theo hợp đồng khung cho vay gián tiếp mới dẫn chiếu từ Quy chế cho vay gián tiếp được sửa đổi, bổ sung.
Về hoạt động giám sát của Quỹ, Quỹ thực hiện hoạt động giám sát định kỳ và đột xuất đối với tất cả các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhận nguồn vốn cho vay gián tiếp của Quỹ. Đối tượng giám sát của Quỹ bao gồm các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của Quỹ, các DNNVV nhận vốn vay từ nguồn vốn cho vay gián tiếp của Quỹ.
Quỹ thực hiện việc giám sát định kỳ theo quý hoặc đột xuất đối với các ngân hàng nhận vốn từ nguồn vốn cho vay gián tiếp của Quỹ, bao gồm: Giám sát việc sử dụng nguồn vốn cho vay gián tiếp của Quỹ; Giám sát việc hoàn trả gốc, lãi đối với từng khoản vay; Giám sát tính đầy đủ, chính xác và trung thực trong hồ sơ của ngân hàng đề nghị nhận vốn cho vay gián tiếp của Quỹ; Giám sát sự phù hợp giữa hồ sơ của ngân hàng trong việc đề nghị nhận vốn cho vay gián tiếp của Quỹ với hồ sơ đề nghị vay vốn của doanh nghiệp; Các nội dung giám sát khác phù hợp với quyền và nghĩa vụ của Quỹ và ngân hàng. Giám sát thông qua báo cáo và trực tiếp kiểm tra hồ sơ, tài liệu do ngân hàng hoặc các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp.
Đồng thời, Quỹ thực hiện việc giám sát theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với DNNVV trong việc sử dụng nguồn vốn cho vay gián tiếp của Quỹ, bao gồm: Giám sát mục đích sử dụng vốn vay; Giám sát việc triển khai thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh đã vay vốn từ nguồn vốn cho vay gián tiếp của Quỹ. Giám sát này thông qua báo cáo và trực tiếp kiểm tra hồ sơ, tài liệu do DNNVV, ngân hàng hoặc các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp, kết hợp với việc tham quan thực địa cơ sở của DNNVV có sử dụng vốn để đánh giá trực quan hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Việc lựa chọn địa điểm thăm quan thực địa sẽ triển khai ngẫu nhiên, hoặc khi có thông tin về kết quả tích cực hay tiêu cực từ nguồn vốn vay nhưng phải tuân thủ theo quy định của Quỹ.
Về hoạt động giám sát của ngân hàng đối với DNNVV, ngân hàng thực hiện việc giám sát DNNVV thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động giám sát của các tổ chức tín dụng và theo quy định nội bộ của ngân hàng. Ngân hàng có thể mời đại diện Quỹ cùng tham gia giám sát DNNVV.
Việc xử lý sai phạm đối với Quỹ, Quỹ phải chịu phí phạt cho số ngày chậm chuyển vốn cho ngân hàng để giải ngân cho DNNVV khi hồ sơ đề nghị chuyển vốn đáp ứng đầy đủ theo quy định. Phí phạt chậm chuyển vốn được tính bằng 100% lãi suất cho vay trong hạn nhân với số vốn phải chuyển trong đợt nhân với số ngày thực tế chậm chuyển chia 365 ngày.
Việc xử lý sai phạm đối với ngân hàng, tùy theo mức độ sai phạm của ngân hàng, áp dụng biện pháp xử lý với các hình thức sau: Phạt giải ngân chậm cho DNNVV so với kế hoạch giải ngân đã cam kết theo quy định của Quy chế; Phạt trả gốc, lãi chậm theo cam kết đối với từng hợp đồng cho vay gián tiếp theo quy định của Quy chế; Thu hồi vốn vay gián tiếp khi Quỹ giám sát phát hiện ngân hàng không tuân thủ các điều khoản cam kết trong hợp đồng khung cho vay gián tiếp và hợp đồng cho vay trực tiếp theo quy định đối với các trường hợp là hồ sơ ngân hàng đề nghị nhận vốn cho vay gián tiếp không phù hợp, chính xác thông tin với hồ sơ đề nghị vay vốn của DNNVV dẫn đến việc xác định sai đối tượng hỗ trợ của Quỹ; Ngân hàng và DNNVV sử dụng vốn sai mục đích; Các sai phạm khác dẫn đến nguy cơ mất vốn của Quỹ.
Việc xử lý sai phạm đối với DNNVV, trong trường hợp sử dụng vốn vay không đúng như cam kết trong hợp đồng tín dụng, Quỹ có quyền yêu cầu ngân hàng đưa ra các biện pháp xử lý sai phạm theo quy định của ngân hàng và hợp đồng tín dụng. Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện việc hoàn trả gốc và lãi cho Quỹ theo đúng quy định của Quy chế. Trong trường hợp không tự giải quyết được bằng thương lượng, các bên có thể đưa vụ việc ra Tòa án nhân dân nơi bị đơn có trụ sở để giải quyết. Luật áp dụng là Pháp luật Việt Nam.
Đối với rủi ro tín dụng, ngân hàng xem xét, quyết định các biện pháp xử lý rủi ro đối với dư nợ cho vay gián tiếp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trườg hợp DNNVV lâm vào tình trạng nợ xấu, mất khả năng thanh toán khoản vay hoặc DNNVV không thực hiện đúng các điều kiện vay vốn trong hợp đồng tín dụng ký giữa ngân hàng và DNNVV, ngân hàng có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của Quy chế./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư