(MPI) - Ngày 09/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo số 9125/BC-BKHĐT về công tác cải cách hành chính năm 2019.
Đơn giản hóa, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước
Theo Báo cáo, công tác CCHC luôn được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Việc tuyên truyền CCHC được thực hiện thường xuyên, lồng ghép với các công việc chuyên môn cụ thể và đã có nhiều đổi mới theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như tuân thủ các quy định hiện hành.
Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức soạn thảo, hoàn thiện 04 dự án Luật, trong đó, tại Kỳ họp thứ 7 khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư công (sửa đổi) và tổ chức lấy ý kiến, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến 03 Luật là Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ngoài ra, trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư hướng dẫn các hoạt động thuộc phạm vi, chức năng quản lý Nhà nước của Bộ.
Trong công tác rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ đã xây dựng Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi), trong đó, đề xuất bãi bỏ 12 ngành nghề, bổ sung 6 ngành nghề và sửa đổi đổi 19 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các Bộ, ngành cũng đã trình Chính phủ các nghị định đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng cắt giảm và đơn giản hóa trên 50% điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa, nâng cao chất lượng của 108 TTHC trên cơ sở ban hành và trình ban hành các VBQPPL do Bộ chủ trì xây dựng. Thực hiện nhiệm vụ rà soát theo Kế hoạch hằng năm, Bộ đã rà soát, đơn giản hóa 07 nhóm TTHC gồm 18 TTHC trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của hợp tác xã và thông qua phương án đơn giản hóa TTHC ban hành kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-BKHĐT ngày 10/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ đã tham gia góp ý cho Bộ Tài chính trong việc cắt giảm phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp khi mới thành lập trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/8/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, 60 TTHC trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp được giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp đăng ký trực tiếp tại cơ quan giải quyết TTHC và được miễn phí trong trường hợp đăng ký doanh nghiệp qua mạng.
Năm 2019, Bộ cũng đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hó TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư năm 2019 và Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước theo Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước" và Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.
Trong đó, Bộ đã hoàn thiện Dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét ban hành. Cụ thể, Luật đầu tư công (sửa đổi) đã kiến nghị đơn giản hóa 22 TTHC, hủy bỏ 01 TTHC với tổng chi phí cắt giảm hằng năm là 174.479.770.200 đồng/năm; Luật doanh nghiệp (sửa đổi) kiến nghị sửa 04 TTHC và đề nghị bãi bỏ 02 TTHC với tổng chi phí cắt giảm hằng năm là 23.237 triệu đồng…
Theo Báo cáo, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 06 Quyết định công bố TTHC với tổng số 179 TTHC và 06 văn bản, cụ thể: công bố mới 03 TTHC, sửa đổi, bổ sung 166 TTHC và bãi bỏ 09 TTHC... Toàn bộ các TTHC và các văn bản liên quan đến hoạt động kiểm soát TTHC của Bộ đều được đăng tải kịp thời tại chuyện mục “Bộ Thủ tục hành chính” trên Cổng dịch vụ công và Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ đã thực hiện đánh giá tác động đối với 07 VBQPPL gồm 02 dự thảo Luật, 02 dự thảo Nghị định và 04 Thông tư với tổng số 144 TTHC.
Trong năm 2019, Bộ đã tiếp nhận và giải quyết 34.399 hồ sơ TTHC trong lĩnh vực đấu thầu, nhận 233 hồ sơ trong lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và phê duyệt 29 dự án trong lĩnh vực ODA và viện trợ phi Chính phủ.
Trong công tác truyền thông hỗ trợ hoạt động kiểm soát TTHC, Bộ đã thường xuyên thực hiện cung cấp thông tin, các văn bản về chính sách và các hướng dẫn phục vụ người dân và doanh nghiệp, cung cấp các biểu mẫu điện tử phục vụ lập và gửi báo cáo và thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc Bộ thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ. Bên cạnh đó, Bộ thực hiện duy trì, thường xuyên cập nhật thông tin chuyên mục “Cổng dịch vụ công” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và duy trì liên kết với chuyên mục “Bộ Thủ tục hành chính và dịch vụ công” trên trang tin điện tử của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, 24 Bộ, ngành và Sở Kế hoạch và Đầu tư của 63 địa phương…
Trong công tác giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ phận Một cửa đã tiếp nhận 221 TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó, đã giải quyết 126 hồ sơ, 95 hồ sơ đang trong quá trình giải quyết và chưa đến hạn…
Trong năm 2019, mô hình tổ chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục được hoàn thiện theo hướng Bộ quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và có cơ cấu hợp lý hơn phù hợp với quá trình cải cách, chuyển đổi qua từng giai đoạn, từ quản lý vi mô của cơ chế cũ sang quản lý vĩ mô bằng chính sách, pháp luật của cơ chế mới.
Bộ đã kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với cơ cấu tổ chức quy định tại Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo tinh thần tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót nhiệm vụ trong việc phân giao chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Bộ.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy về quy hoạch, sắp xếp, cắt giảm đầu mối trong các đơn vị thuộc Bộ đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW…
Tiếp tục hiện đại hóa hành chính
Năm 2019, Bộ đã ứng dụng có hiệu quả các Hệ thống thông tin trong nội bộ, cụ thể: Nâng cấp hệ thống liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia phiên bản 2.0; Tiến hành xây dựng chỉ số đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin đối với các đơn vị thuộc Bộ. Ứng dụng hiệu quả việc điều hành qua mạng trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp https://eoffice.mpi.gov.vn.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đối với Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, việc giám sát đầu tư đã được các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai trực tuyến trên Hệ thống từ năm 2016 và qua đó Bộ đã thực hiện tổng hợp trên Hệ thống để xây dựng báo cáo Chính phủ về giám sát đầu tư. Đồng thời, trong năm 2019, Bộ đã tiếp tục triển khai tin học hóa, hỗ trợ và hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên Hệ thống. Đến nay, toàn bộ các quy trình đều được thực hiện trên Hệ thống và các số liệu thông báo của Bộ được in trực tiếp từ Hệ thống.
Tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô
Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp triển khai các nội dung thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, nhằm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng.
Đồng thời, thực hiện các chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phát triển thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa, tăng cường quản lý giá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Trong năm 2019, Tổ công tác liên Bộ (Tổ 1317) đã tổ chức các cuộc họp định kỳ theo Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô để thảo luận một số vấn đề nổi lên cần quan tâm trong quản lý và điều hành vĩ mô và đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năm 2019-2020…/.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư