(MPI Portal) - Ngày 08/11, tại Thái Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020. Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 08/7/2103.
|
Ảnh: Bích Khánh - Báo Đấu thầu
|
Tham dự Hội nghị, về phía Trung ương có ông Trương Xuân Cừ, Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc; ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương; cùng đại diện các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu; về phía địa phương có ông Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo các tỉnh trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.
Theo quy hoạch, về phát triển kinh tế, khu vực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2011- 2015 là 7,5% và thời kỳ 2016 - 2020 trên 8%. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 2.000 USD. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2015 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP của Vùng là 27%, công nghiệp - xây dựng 34,1% và dịch vụ 38,9%; đến năm 2020, tỷ trọng tương ứng của các ngành là 21,9% - 38,7% - 39,4%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 16 - 17%/năm. Tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 20%/năm. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ thu ngân sách trên GDP chiếm trên 12% và đạt khoảng 13% vào năm 2020.
Về phát triển xã hội, phấn đấu các mục tiêu về xã hội của vùng đạt mức trung bình của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3 - 4%; trong mỗi kế hoạch 5 năm giải quyết việc làm cho khoảng 250 - 300 nghìn lao động; tỷ lệ lao động chưa có việc làm ở khu vực thành thị khoảng 4,5 - 5%, tăng tỷ lệ sử dụng lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65% vào năm 2020. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở. Phấn đấu nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Quan điểm liên kết vùng là trọng tâm của bản quy hoạch. Theo đó, cần tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng nhằm huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển của Vùng so với cả nước. 5 trục đường hướng tâm nối các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc đang là các dự án trọng điểm trong thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển vùng. Các tuyến đường cụ thể lấy Hà Nội là tâm điểm bao gồm: Hà Nội - Lào Cai (Quộc lộ 70, Quộc lộ 32C), Hà Nội - Điện Biên (Quộc lộ 6, Quộc lộ 32, Quộc lộ 32B), Hà Nội - Cao Bằng (Quộc lộ 3), Hà Nội - Lạng Sơn (Quộc lộ 1), Phú Thọ - Hà Giang (Quộc lộ 2) và 3 tuyến vành đai: Vành đai 1 (Quộc lộ 4, Quộc lộ 4A, Quộc lộ 4B, Quộc lộ 4C, Quộc lộ 4D, Quộc lộ 4H), Vành đai 2 (Quộc lộ 279), Vành đai 3 (Quộc lộ 37).
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Đây là vùng địa bàn đặc biệt chiến lược, là vùng duy nhất kết nối giữa ASEAN và Trung Quốc nên nếu giải quyết được bài toán hạ tầng, các địa phương trong Vùng mới có thể khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Vùng, đặc biệt là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua phát triển các hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội và Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng”.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Bích Khánh - Báo Đấu thầu
|
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhằm triển khai, cụ thể hóa quy hoạch, xây dựng các chương trình hành động thực hiện quy hoạch của địa phương mình. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị triển khai rà soát, thực hiện quy hoạch ngành, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Ông Trương Xuân Cừ - Phó trưởng ban, Phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắcđánh giá rằng bản quy hoạch phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo sự liên kết giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư